Giàu thứ ba trên thế giới với tài sản vào khoảng 45 tỉ đô la, ông Warren Buffett không sống trên một hòn đảo riêng mà ở trong một khu xóm bình thường tại thành phố Omaha, bang Nebraska, trong một căn nhà 5 phòng ngủ ông mua với giá trên 31 ngàn đô la từ năm 1958.
Ngay từ nhỏ ông đã có khiếu buôn bán. Mới 6 tuổi ông, ông ra tiệm bán thực phẩm mua 1 hộp gồm 6 lon coca với giá 25 cents, đem về bán lại mỗi lon 5 cents, được lời 5 cents. Trước khi vào đại học ông đã có sẵn một tài sản lên đến 10 ngàn đô la vào thời đó, nhờ làm nhiều thứ việc, kể cả đi bỏ báo và mua cổ phiếu từ thơiø ông mới 11 tuổi. Tờ the New York Times số ra ngày 23 tháng 11 cho biết ông có biệt tài tính nhẩm trong đầu những con số rất lớn mà cho đến ngày nay lâu lâu ông vẫn làm cho nhân viên và những người chung quanh ông bái phục.
Ông sống một đời hết sức bình dị, ăn vận xuềnh xoàng, tự lái chiếc xe thuộc loại bình thường, không có tài xế, đi quanh thành phố. Dân chúng trong thị trấn ai cũng biết ông. Lối ăn uống của ông cũng bình thường như những người dân Mỹ trung bình khác, và phòng ăn nơi làm việc của ông bày biện những đồ đạc cũng hết sức bình thường, không có gì sang trọng.
Vì phải di chuyển nhiều, chỉ mấy năm gần đây ông mới mua một chiếc máy bay phản lực riêng để dùng trong những chuyến đi kinh doanh bận rộn. Trên máy bay riêng ông có nhiều thời giờ để đọc tài liệu, và không phải mất thời giờ chầu chực nhiều tiếng đồng hồ ở phi trường cho mỗi chuyến đi như trước kia. Vậy mà khi mới mua máy bay vì thực sự có nhu cầu, ông vẫn cảm thấy “tội lỗi” và đặt tên chiếc máy bay đầu tiên là” indefensible” (không thể bào chữa được!)
Sinh năm 1930, ông vào đại học lúc 16 tuổi và 20 tuổi tốt nghiệp cử nhân. Ông theo bậc cao học tại đại học Columbia ở New York và năm 1956, chỉ ít lâu sau khi tốt nhgiệp cao học, ông thành lập công ty Buffett Partnership tại Omaha, quê nhà của ông. Công việc làm ăn của ông tiến triển vượt bực, chủ yếu do ông mua lại những công ty với giá thấp hơn trị giá thực và có giá cổ phần bắt đầu lên.
Tổ hợp đầu tư Berkshire Hathaway của ông lúc ban đầu là một công cuộc kinh doanh về ngành vải sợi đang xuống dốc được ông mua lại. Sau nhiều năm ông chuyển sang đầu tư bằng cách mua cổ phần của nhiều công ty khác nhau bằng phương thức chắc thật, cẩn trọng và nhắm mục tiêu lâu dài. Công cuộc đầu tư của ông đã thành công khó có ai sánh kịp. Nếu quí vị có 20 đô la 50 cent để mua chỉ một cổ phiếu của tổ hợp Berkshire Hathaway năm 1967 giờ đây quí vị nắm trong tay trên 120 ngàn đô la.
Ông từng có một cuộc sống hạnh phúc với người vợ đầu tiên, bà Susan Thompson Buffett, một người được ông hết lời ca ngợi là khôn ngoan, tốt lành, quí trọng mọi người như nhau. Họ lập gia đình năm 1952. Bà lo lắng, quán xuyến tất cả mọi việc nhà, ngay cả chiều bà mẹ chồng khó tính để cho ông an tâm lo chuyện mà ông làm rất giỏi là ... đầu tư.
Không những thế bà còn là người tạo những biến đổi sâu xa trong tâm hồn ông. Bà ủng hộ phong trào dân quyền, đưa ông đến nghe những bài nói chuyện của lãnh tụ dân quyền Martin Luther King. Nhà tỉ phú cho biết một trong những câu nói của bài nói chuyện với chủ đề “hãy giữ tỉnh thức trong một cuộc Cách Mạng” lãnh tụ dân quyền đã có âm hưởng sâu sa trong tâm hồn nhà đầu tư trẻ tuổi lúc bấy giờ, đó là: ”Điều có thể đúng là luật pháp không thể thay đổi tâm tính con người, nhưng nó có thể ngăn chặn được những kẻ bất nhân.” Đó là điều làm ông phải suy nghĩ rất nhiều. Nhờ bà, từ đó ông can dự nhiều hơn vào chính trị cấp tiến. Ông từng phát biểu “Bà là người cho nhiều hơn, và tôi là người nhận nhiều hơn.”
Nhưng dần dà về sau, khi con cái đã lớn, bà là người ham thích nghệ thuật, văn hóa và muốn theo đuổi nghiệp ca hát, những điều mà thành phố Omaha không thể cung ứng cho bà. Hai người chia tay, mặc dù ông hết sức miễn cưỡng khi phải chấp nhận, để bà dọn vào một căn hộ ở thành phố San Francisco, bang California.
Trước khi từ trần về bệnh ung thư năm 2004, bà có phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: ”ông là người rất trí thức, lúc nào cũng đọc sách và suy nghĩ về những tư tưởng lớn và tôi đã phải học cách sống cuộc đời của riêng tôi.”
Tuy quyết định chia tay với ông nhưng bà rất lo lắng không ai chăm sóc cho ông nên bà đã giới thiệu một người quen thân, rất dễ thương và tử tế, tên Astrid Menks, để gần gũi và chăm sóc cho ông. Mãi sau khi bà chết một thời gian ông mới cuới bà Menks. Mối liên hệ giữa 3 người rất thắm thiết và tốt đẹp. 7 năm sau khi người vợ đầu từ trần, ông vẫn chưa nguôi thương nhớ.
Khi được phóng viên của tờ the New York Times hỏi ông có tiếc khi hai người đã chia tay trong những năm cuối đời của bà hay không, ông nói “ Chúng tôi không hề chia tay, có lẽ chúng tôi còn thân với nhau hơn trước kia.Chúng tôi có cùng quan điểm về thế giới, chỉ khác một điều là chúng tôi theo đuổi quan điểm đó bằng những lối khác nhau mà thôi.” Ông cho biết chính ông là người đã khuyến khích bà cho báo chí thực hiện một cuộc phỏng vấn quan trọng trước khi bà từ trần để mọi người hiểu rõ bà hơn, một người đàn bà quan trọng nhất trong đời ông. Bây giờ, khi nhắc đến bà, người vợ đã khuất nhiều năm, ông vẫn còn bật khóc.
Nhà tỉ phú này đã cống hiến rất nhiều cho từ thiện. Quan trọng nhất kể từ năm 2006 ông đã có kế hoạch tặng cho quĩ Bill & Melinda Gates Foundation 83% tài sản, cứ mỗi năm vào tháng 7 ông chuyển sang cho quĩ này 5%. Ngoài ra ông còn tặng giữ cho rất nhiều cơ sở từ thiện khác. Nội trong năm 2011, ông tặng một số cổ phần gần 42 triệu đô la cho 4 cơ sở từ thiện không được nêu tên.
Những người con của ông sẽ không được hưởng một khoản gia tài đáng kể nào cả.
Trong những năm gần đây, ông thường đưa ra ý kiến về công bằng xã hội. Ông là một nhà tư bản đòi phải đánh thuế giới giàu nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn cho giới còn lại để giải quyết những khó khăn kinh tế.
Nhà tỉ phú bất bình khi thấy quốc gia không có biện pháp mạnh với những tỉ phú của các công ty mà nhà nước đã phải cứu nguy; họ vẫn lãnh những khoản bổng lộc khổng lồ, theo một văn hóa ích kỷ. Ông cho là nước Mỹ cần phải cùng chung sức hy sinh. Hy sinh ở đây, theo ông, không chỉ tăng thuế đối với giới giàu có nhiều cách luồn lách nhờ những kẽ hở của luật thuế khóa để chỉ phải chịu một mức thuế thấp, mà còn phải đánh thuế vào những nhà dầu tư ngắn hạn, ăn sổi ở thì, tăng thuế đánh vào các khoản lợi nhuận do giao dịch chứng khoán có tính cách đầu cơ. Ông nói, nước Mỹ có thể đối phó với bất cứ khó khăn gì nhưng nếu người dân cảm thấy là xã hội rơi vào tình trạng chỉ tôn thờ quyền lực và tiền bạc thì vấn đề sẽ không giải quyết được.
Ông tin rằng những giám đốc chấp hành các công ty được nhà nước cứu nguy phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính họ nếu như để cho công ty vỡ nợ.
Chính ông cũng là người nêu lên sự kiện năm rồi lợi tức của ông trên 63 triệu mà ông chỉ phải đóng mức thuế 11%, trong khi người thư ký của ông, đi làm ăn lương, lại phải trả đến 30%.
Vào tuổi 81, tỉ phú Warren Buffett tự cho là ông ở trong một tư thế có thể nói thẳng, nói thật. Ông nói ông được ở trong tư thế tự do, không bị ràng buộc vì trên ông không có chủ nhân hoặc một ban chấp hành bảo thủ nên ông thấy phải nói lên những điều cần nói, với tuổi tác của ông còn đợi đến bao giờ nữa ?
Giờ đây ông đang tranh đấu cho bình đẳng xã hội ở một quốc gia mà cách biệt giữa giàu nghèo ngày càng tăng. Ông nói giới triệu phú cần phải trả thuế thêm, và các đại công ty cũng không được giảm bớt thuế.
Tự nhận là một người may mắn, tỉ phú Buffett lo ngại hiện nước Mỹ đang ở vào giai đoạn sau của chủ nghĩa tư bản, thế hệ kế tiếp sẽ không còn được may mắn như thế hệ trước. Tình trạng bất bình đẳng xã hội có phần chắc sẽ tệ hơn. Khi người dân không thể leo lên cao hơn trên bậc thang kinh tế thì đây là điều nguy hại cho quốc gia. Ông không tin là nước Mỹ có thể nhanh chóng sửa đổi được tình thế để trở về với mức độ chia sẻ sự thịnh vượng của quốc gia như trong thập niên 1950, mà trình độ giáo dục cũng không thể lấp hết khoảng cách giàu nghèo.
Theo ông có giải pháp rất rõ ràng, đó là những người thủ đắc được những nguồn lực của xã hội, như ông, phải trả cho xã hội thật nhiều. Không những là tăng thuế đánh vào giới giàu, và thuế tiêu thụ phải cao, mà còn phải xóa được càng nhiều càng hay những kẽ hở thuế khóa vẫn bị các đại công ty thao túng.
Ông cho rằng khi nói các công ty Mỹ phải chịu mức thuế quá nặng là nói bừa. Ông còn nêu lên là các công ty Mỹ ở nước ngoài không nên được cho phép đem tiền về nước mà không phải đóng thuế. Để họ đem tiền về theo cách đó chỉ khiến họ ra đầu tư ở nước ngoài nhiều hơn.
Và hôm thứ Tư vừa qua, dự luật “Trả Thuế Công Bằng năm 2012” còn có biệt danh là “Luật Buffett” đã được thượng nghị sỹ Dân Chủ Sheldon Whitehouse đệ trình ở Thượng Viện đòi áp mức thuế 30% nhắm vào giới triệu phú. Dự luật này được Tổng thống Barack Obama ủng hộ.
Bên phía đảng Cộng Hòa cũng đưa ra những dự luật thuế khóa của họ.
Người dân Mỹ đang chờ xem sẽ có thay đổi gì lớn trong năm bầu cử này hay không.