Các em trai tuổi từ 5 đến 14 cạo trọc đầu khi bắt đầu 5 ngày tịnh tâm. Nghi thức này đưa các em vào Phật pháp và nếm mùi đời sống của một tăng sĩ Phật giáo. Tại Chùa Hsi Lai tại Los Angeles, phần lớn tín đồ là người Mỹ gốc Trung Quốc nhưng con cái họ được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Giám đốc truyền giảng, sư ông Miao Hsi, sanh tại Hong Kong giải thích là Phật giáo tại Mỹ được phân chia theo sắc tộc.
Sư ông Miao Hsi nói: “Đó là tại sao có Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Nhật Bản v..v.. Do đó tôi nghĩ ngay lúc này chúng ta có cũng một hình thức Phật giáo Mỹ nào đó.”
Một nhà sư sanh tại Mỹ thuộc Trung tâm Thiền định Phật giáo Quốc tế tại Los Angeles, Kusala Bhikshu, nói Phật giáo có một lich sử lâu dài tại Mỹ.
Ông nói: “Và hiện nay Phật giáo đã bén rễ trên đất Mỹ, do đó có những người như tôi sanh tại Iowa - những người sanh tại Mỹ cải theo đạo Phật, một vài người trở thành nhà sư hay các ni sư Phật giáo và mang giáo lý nhà Phật đến cho người Mỹ."
Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể là một nhà sư Phật giáo nổi tiếng nhất trên thế giới và được kính trọng rộng rãi trong số những người Mỹ. Ngài có những tín đồ nổi tiếng như tài tử Richard Gere. Thông điệp về tình thương của Ngài thu hút những người Mỹ khác.
Có những cơ sở Phật giáo Tây Tạng trên toàn nước Mỹ. Tu viện bên ngoài thành phố Redding, miền bắc California là một trung tâm giảng dạy Phật pháp và thiền định.
Nhà sư Kusala Bhikshu nói trung tâm Los Angeles của ông qui tụ một số trường phái Phật giáo lại với nhau. Ông học đạo của một giáo sư đến từ Sri Lanka và được qui y theo truyền thống Việt Nam. Trung tâm của ông được một vị sư Việt Nam sáng lập và tọa lạc tại khu của người Mỹ gốc Triều Tiên.
Ông nói giáo lý Phật giáo phong phú thay đổi từ truyền thống này sang truyền thống khác. Tại chùa Hsi Lai, tuy có sự khác biệt nhưng nội dung của giáo lý giống nhau: tôn trọng truyền thống, ước muốn thích ứng vào xã hội Mỹ, và sự tìm kiếm hòa đồng giữa những người các có tín ngưỡng khác nhau.
Nhà sư Miao His nói: “Mỗi cá nhân đều có liên hệ với nhau. Cũng giống như chúng ta nối kết với thế giới này. Do đó tôi nghĩ chúng ta nên làm việc để tiến tới sự hòa đồng với nhau. Hòa đồng và hòa bình phải là những gì mà tất cả chúng ta cần phải cùng làm việc để đạt đến.”
Những người theo Phật giáo nói có một nhịp cầu nối liền nhiều dòng Phật giáo Mỹ. Đó là những trẻ em sinh tại Mỹ, theo Phật giáo và có chung văn hóa Mỹ, bất kể cha mẹ các em ra đời ở đâu.
Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tuần này của Đức Đạt Lai Lạt Ma chú trọng vào Phật giáo ở Mỹ, ngày càng tăng trưởng vì làn sóng di dân châu Á tràn sang và việc cải đạo của một số người Tây phương. Từ Los Angeles, Thông tín viên Mike O'Sullivan tường trình rằng phật giáo Mỹ vẫn giữ được bản sắc châu Á nhưng thích ứng với nếp sống Tây phương.