Đường dẫn truy cập

Afghanistan sẽ không ‘rụng’ như Việt Nam Cộng Hòa


Một người đứng ở biên giới trên phần đất Afghanistan, cầm cờ Taliban.
Một người đứng ở biên giới trên phần đất Afghanistan, cầm cờ Taliban.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ để lại một khoảng trống lớn; có thể tạo cơ hội cho Cộng sản Trung Quốc lấp vào. Afghanistan nằm giữa nhiều khúc chiến lược trong kế hoạch “Một Vòng Đai, Một Con Đường” của Tập Cận Bình.

Trên “Vòng Đai” phía Bắc Hy Mã Lạp Sơn, năm 2019 Trung Cộng đã tổ chức thao diễn quân sự với ba nước Trung Á, Kyrgyzstan, Uzbekistan, và Tajikistan. Afghanistan có 1,356 km biên giới với Tajikistan, nơiTrung Cộng đang chiếm ảnh hưởng thay Nga; đã bán các loại vụ khí cho Tajikistan, và được đóng quân ở nhiều nơi. Trung Cộng đã lập ra Cơ cấu Hợp tác Bốn Nước Chống Khủng Bố (QCCM) với Afghanistan, Pakistan và Tajikistan –không có Nga.

Phía Nam, trên “Con Đường Tơ Lụa trên Biển,” Trung Cộng đang xây dựng hải cảng Gwadar trong tỉnh Balochistan, Pakistan, để nối liền với Sri Lanka, nơi một hải cảng đã được nhường cho Bắc Kinh làm chủ. Chính phủ Sri Lanka mới phát hành một đồng tiền kim loại đánh dấu 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc! Gwadar có xa lộ, đầu tư hơn $60 tỷ mỹ kim, nối liền đến thành phố Kashgar (Khách Thập 喀什) trong tỉnh Tân Cương; nằm trong “Hành lang Kinh tế” liên kết Trung Quốc và Pakistan.

Nếu vào Afghanistan thay thế Mỹ, Trung Cộng không những nối liền Con Đường với Vòng Đai mà còn dựng nên một liên minh bao vây phía Bắc và phía Nam nước Ấn Độ, đối nghịch từ 1960 đến nay.

Nhưng Trung Cộng không tỏ ra vui mừng với vụ Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, mà còn than phiền sao Mỹ ra đi nhanh quá! Phát ngôn viên ngoại giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian, 赵立坚) mới nói rằng chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm về hòa bình ở Afghanistan, và phải ngăn không cho khủng bố lan rộng!

Tại sao Trung Cộng than phiền?

Vì sau khi phe Taliban có thể lật đổ chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani do Mỹ ủng hộ trong vòng một năm, nhóm Taliban toàn thắng, các phong trào Hồi Giáo khác trong khắp cả vùng Trung Á sẽ phấn khởi. Dân Uyghurs ở Tân Cương sẽ quyết tâm hơn trong công cuộc chống “chính sách diệt chủng” của Trung Cộng.

Taliban không thể trực tiếp tiếp tế vũ khí và huấn luyện dân Uyghurs vì Afghanistan và tỉnh Tân Cương Trung Quốc chỉ có một biên giới dài 90km nằm trong Hành Lang Walkan, một vùng núi hiểm trở với độ cao trung bình 5000 mét. Nhưng trong cả vùng chung quanh, một phong trào Hồi Giáo đang bùng lên; họ sẽ dùng Afghanistan làm cứ điểm tập trung các lực lượng và hoạt động hỗ trợ người Uyghurs.
Trung Cộng không muốn quân Taliban toàn thắng. Nhưng nếu nội chiến bùng trở lại ở Afghanistan thì những lực lượng Hồi Giáo Cực đoan khác, từ al Qaeda đến IS (Quốc gia Hồi Giáo) sẽ có cơ hội hoạt động mạnh hơn. Cả hai đều hoạt động ngoài cương thổ các quốc gia.

Trong 20 năm qua từ khi quân Mỹ lật đổ chính quyền Taliban, Trung Cộng vẫn tuyên bố không đứng về phe nào tại Afghanistan; đã tổ chức những cuộc gặp gỡ hòa giải giữa hai phe. Trung Cộng vẫn viện trợ quân sự cho chính phủ ở thủ đô Kabul, $90 triệu đô la; lại vừa đề cử một đặc sứ mới. Trong tuần trước Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Mohammad Haneef Atmar tại thủ đô Tajikistan.

Trung Cộng còn một nước cờ khác là vận động chính phủ Pakistan gây ảnh hưởng trên chính quyền Taliban nếu nhóm này toàn thắng. Trung Cộng với Pakistan vẫn là đồng minh lâu đời trong cuộc đối đầu với Ấn Độ. Tình báo quân đội Pakistan đỡ đầu thành lập nhóm Taliban từ năm 1994. Quân Taliban vẫn mua vũ khí qua biên giới Pakistan và chạy sang đó dưỡng sức khi bị quân chính phủ đánh đuổi.

Nhưng quân Mỹ rút đi sẽ thay đổi cả bàn cờ, ảnh hưởng trên Pakistan. Trong nước Pakistan cũng có một lực lượng mang cùng tên Taliban, Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), giúp đỡ nhau qua liên hệ bộ lạc. Năm 2015 nhóm TTP đã chạy qua Afghanistan khi bị quân đội Pakistan tấn công. Hiện nay có khoảng 5,000 quân TTP đang ở Afghanistan; từ năm 2018 đã thống nhất dưới quyền chỉ huy của lãnh tụ Noor Wali Mehsud. Họ đã tổ chức các cuộc tấn công vào vùng Waziristan của Pakistan, tống tiền các thương gia, bắt cóc người đòi tiền chuộc.

Gần đây quân TTP còn tiến về phía Nam Waziristan, đi tuần tiễu và thu thuế, coi thường quân chính phủ. TTP còn tiến xa hơn đến cả tỉnh Balochistan, nơi có hải cảng Gwadar nằm trên bở Biển Á Rập mà Trung Cộng đang xây dựng.

Trong tỉnh Balochistan, một phong trào đòi ly khai đang nổi dậy chống chính quyền Pakistan do TTP huấn luyện. Họ đang tấn công các đơn vị quân đội bằng mìn và bom do nhóm TTP cung cấp. Bốn nhóm quân nổi dậy ở Balochistan đang hợp nhất lực lượng và tất cả đều chống đối các công trường xây cất của Trung Cộng ở cảng Gwadar cũng như các nơi khác trong tỉnh này.

Nếu Taliban cướp được chính quyền ở Afghanistan, nhóm TTP, cùng mang tên Taliban, sẽ có nơi trú ẩn an toàn, càng hăng hái tăng cường các hoạt động chống chính phủ Pakistan. Các nhóm nổi dậy ở Balochistan sẽ được tiếp sức mạnh hơn. Pakistan đang lo lắng, không muốn nhóm Taliban chiếm trọn chính quyền ở Kabul! Họ sẽ thấy khó sống giữa hai quốc gia đều không thân thiện, Ấn Độ và Afghanistan.

Các sử gia đã gọi Afghanistan là mồ chôn các đế quốc. Ba Tư, Ấn Độ, Mông Cổ, Anh, Liên Xô đã tới xứ này rồi cũng ra đi hết. Nước Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001 để truy lùng Osama bin Laden, lãnh tụ al Qaeda chủ mưu trong vụ 9-11 làm chết gần ba ngàn người Mỹ ở New York. Nhóm al Qaeda chạy thoát, Mỹ chưa bắt được bin Laden lúc đó, lưu quân ở lại và giúp lập nên một chế độ dân chủ. Sau 20 năm, tiêu tốn $2 ngàn tỷ đô la và 2,448 người Mỹ tử nạn, quân Taliban không tan rã mà ngày càng mạnh hơn.

Trong mấy năm gần đây, quân Mỹ ở Afghanistan giảm xuống mức tối thiểu, số binh sĩ thương vong không đáng kể. Khác với thời chiến tranh Việt Nam, không có một phong trào phản chiến ở Mỹ đòi rút quân về nước. Tổng thống Donald Trump, với chủ trương rút bớt quân Mỹ ở khắp thế giới, đã bắt đầu cuộc thương thuyết với Taliban. Tổng thống Joe Biden tiếp tục chính sách đó, sẽ đưa hết quân Mỹ về đúng 20 năm sau vụ khủng bố ở New York.

Sau khi tuyên bố rút quân, ông Joe Biden tiếp Tổng thống Afghanistan ở Tòa Bạch Ốc vẫn hứa hẹn sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Kabul.

Nhưng nước Mỹ sẽ hỗ trợ bằng cách nào? Hiện chưa có tín hiệu nào rõ rệt. Quân Mỹ rút rất nhanh, giữa tháng Bảy đã hoàn tất 95%, chỉ còn 650 binh sĩ bảo vệ tòa đại sứ.

Ngày Chủ Nhật vừa qua Tướng Frank McKenzie, chỉ huy quân đội Mỹ trong cả vùng Trung Đông và Nam Á châu, đã gặp Tổng thống Ashraf Ghani ở Kabul. Ông tuyên bố Không quân Mỹ sẽ giúp Không quân Afghanistan, như họ mới đánh bom để bảo vệ Kandahar, thành phố lớn thứ nhì trong nước với 600 ngàn dân, và là nơi thành lập nên nhóm Taliban. Mỹ sẽ giúp huấn luyện phi công Afghanistan, các máy bay của họ sẽ được đưa qua các nước khác để bảo trì. Công tác này sẽ tiếp tục sau khi quân Mỹ triệt thoái.

Tướng Frank McKenzie còn nói máy bay Mỹ cất cánh từ các nước chung quanh sẽ tiếp tục đánh bom các địa điểm tập trung quân khủng bố ở Afghanistan, ông nêu tên al Qaeda và ISIS, và “những nhóm khác.” Chính sách này khá linh động, đủ cho Không quân Mỹ được can thiệp vào Afghanistan sau này. Đây có thể là một thỏa hiệp giữa ông Biden và các tướng lãnh mà phần lớn không muốn Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi Afghanistan.

Việc hỗ trợ có giới hạn đó có thể giúp chính phủ Ashraf Ghani đứng vững được lâu hơn.

Nhưng một yếu tố quan trọng nhất là người dân và xã hội Afghanistan đã thay đổi trong 20 năm qua. Họ có thể tạo nên một sức đề kháng chống chế độ độc tài cực đoan của Taliban. Nhiều phim video cho thấy cảnh quân Taliban chiếm được các thành phố đã hành quyết những tù binh hoặc người tình nghi cộng tác với chính phủ.

Trong khi đó Trung Cộng và Pakistan đều không muốn quân Taliban toàn thắng. Iran, một nước theo phái Shi A Hồi Giáo cũng không muốn thấy một chính phủ phái Sun Ni cực đoan làm chủ nước láng giềng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng gửi quân sang lo phòng thủ phi trường Kabul thay cho quân Mỹ.

Các mặt trận quân sự, ngoại giao còn tiếp diễn. Afghanistan sẽ không “rụng” một cách đơn giản như Việt Nam Cộng Hòa sau khi quân Mỹ rút và cắt hết viện trợ!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG