Người sắp lên giữ chức Tổng thống Nam Triều Tiên đã có chỉ dấu cho thấy chính phủ ông sẽ thay đổi đường lối chính sách trong các mối quan hệ với Hoa kỳ và Bắc Triều Tiên. Theo tường thuật của thông tín viên Kurt Achin của đài chúng tôi ở Hán Thành, ông Lee Myung Bak muốn có quan hệ mật thiết hơn với Washington và sẽ áp dụng một đường lối cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên.
Một toán chuyên gia của bộ quốc phòng Hoa kỳ dự kiến sẽ đến Hán Thành vào thứ hai tuần sau để tham khảo ý kiến với nhóm công tác chuyển tiếp của người đắc cử Tổng thống Nam Triều Tiên, ông Lee Myung Bak, là người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng hai tới đây. Đứng đầu trong nghị trình thảo luận sẽ là kế hoạch thay đổi cơ cấu chỉ huy quân sự giữa quân đội hai nước.
Hoa kỳ hiện có khoảng 28,000 nhân viên quân sự ở Nam Triều Tiên để tìm cách ngăn chận sự tái diễn của cuộc xâm lăng của quân đội Cộng Sản Bắc Triều Tiên năm 1950. Dựa theo các qui định hiện nay trong hiệp ước liên minh Mỹ-Hàn, Hoa kỳ sẽ nắm quyền chỉ huy cả quân đội của mình lẫn của quân đội Nam Triều Tiên trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột với Bắc Triều Tiên.
Đương kim Tổng thống Nam Triều Tiên, ông Roh Moo Hyun có chủ trương giảm bớt sự ỷ lại vào Hoa kỳ trong các chính sách then chốt. Ông đã tiến hành một cuộc điều đình để Nam Triều Tiên lấy lại quyền chỉ huy quân đội trong thời chiến. Tuy nhiên, phát ngôn viên Lee Dong Kwan của ông Lee Myung Bak, tuyên bố rằng có thể đã tới lúc phải xét lại thỏa thuận đã đạt được về quyền chỉ huy.
Theo lời ông Lee Dong Kwan, dựa trên những lý do như khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, an ninh của bán đảo Triều Tiên, và năng lực của quân đội Nam Triều Tiên, chính phủ ở Hán Thành có thể sẽ yêu cầu Hoa kỳ hợp tác trong việc xem xét lại thời điểm của việc chuyển giao quyền chỉ huy.
Phát biểu vừa kể của ông Lee Dong Kwan phản ánh mối quan tâm của nhiều chuyên gia quân sự Nam Triều Tiên là thỏa thuận hiện nay về việc chuyển giao quyền chỉ huy khiến cho quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nam Triều Tiên trở nên lỏng lẻo hơn. Họ nói rằng tuy Bắc Triều Tiên rất yếu kém về kinh tế, nhưng những khoản đầu tư bất cân xứng của Bình Nhưỡng cho các loại vũ khí hạt nhân, pháo binh, và phi đạn tầm ngắn vẫn tạo ra một mối đe dọa đáng kể cho miền Nam.
Phát ngôn viên Lee Dong Kwan nói rằng: Tổng thống Lee Myung Bak cũng sẽ áp dụng một đường lối hoàn toàn khác với Bắc Triều Tiên đối với vấn đề liên quan tới khoảng 500 tù binh Nam Triều Tiên mà nhiều người tin là vẫn còn nằm dưới sự quản thúc của Bình Nhưỡng.
Ông Lee Dong Kwan nói rằng việc xác định qui chế của các tù binh Nam Triều Tiên giờ đây sẽ trở thành một vấn đề ưu tiên cao trong các cuộc đàm phán quân sự Liên Triều trong tương lai.
Với mục tiêu thể hiện chính sách chủ động giao tiếp và tránh không làm cho Bắc Triều Tiên tức giận, chính phủ của Tổng thống Roh Moo Hyun đã hạ giảm rất nhiều tầm quan trọng của vấn đề tù binh chiến tranh và vấn đề liên quan tới khoảng 500 người Nam Triều Tiên mà giới hữu trách tin là đã bị Bắc Triều Tiên bắt cóc.
Một số viên chức của chính phủ Roh Moo Hyun cũng đã chấp thuận yêu cầu của Bắc Triều Tiên để ngưng dùng danh xưng "tù binh chiến tranh" và thay vào đó là danh xưng mới có tính chất trung lập hơn về mặt chính trị - đó là "những người mất tích trong thời chiến và sau thời chiến."
Tuần trước, nhóm công tác chuyển tiếp của ông Lee Myung Bak cũng đã loan báo những thay đổi quan trọng về chính sách qua việc tuyên bố rằng vấn đề cải thiện nhân quyền ở Bắc Triều Tiên và loại bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ là những điều kiện tiên quyết cho các kế hoạch hợp tác Liên Triều trong tương lai.
Theo dự liệu, ông Lee Myung Bak sẽ đến thăm Washington vào tháng hai sau khi nhậm chức để thảo luận với Tổng thống Bush về việc siết chặt hơn nữa sự hợp nhất chính sách với Hoa kỳ.