Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush đã loan báo những mục tiêu mới cho các phi hành gia không gian Hoa Kỳ. Trong một bài diễn văn đọc ngày 14 tháng Giêng, ông chỉ thị cho Cơ quan Không Gian Hoa Kỳ, tức NASA, chuẩn bị đưa người lên Mặt Trăng trở lại, và sau đó sẽ du hành đến Sao Hỏa và những hành tinh xa xôi hơn nữa.
Câu chuyện “Khoa học không gian” hôm nay sẽ được Nguyễn Lê dành để trình bày ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề nên trở lại Nguyệt Cầu trước, hay nên đi thẳng lên Hành Tin Đỏ, dựa trên tường trình của thông tín viên khoa học David McAlary của đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
Sau 3 thập niên gián đoạn, một lần nữa Hoa Kỳ đang hướng tới mục tiêu Mặt Trăng.
Lần cuối cùng mà con người đặt chân lên Mặt Trăng là tháng 12 năm 1972, khi các phi hành gia Mỹ được phi thuyền Apollo-17 đưa lên Nguyệt Cầu. Nhưng 2 năm trước đó, Tổng thống Hoa kỳ lúc bấy giờ là ông Richard Nixon đã tiến hành cắt giảm ngân sách, khiến cho chương trình Apollo phải chấm dứt với 17 chuyến bay, thay vì 20 chuyến bay như đã dự tính.
Lúc đó, NASA đã có kế hoạch chế tạo một loại tên lửa khổng lồ, có bề cao bằng 25 tầng lầu, với tầng thứ nhất của tên lửa được gắn thêm một số động cơ phụ. Tên lửa này được dự trù sử dụng để thiết lập căn cứ đầu tiên của con người trên Mặt Trăng, khi các phi vụ của phi thuyền Apollo kết thúc.
Giờ đây, Tổng thống George W Bush đã khôi phục khái niệm về một căn cứ trên nguyệt cầu. Căn cứ này sẽ được sử dụng làm bệ phóng cho các phi vụ bay lên Sao Hỏa hay các thiên thạch.
Ông Brian Chase, một thành viên của Hội Không gian Quốc gia Hoa Kỳ, và là một người chủ trương nên dùng các chuyến bay có người lái để thám hiểm không gian, nói rằng việc bay lên Mặt Trăng trở lại là điều hữu lý, vì đây sẽ là bước đầu tiên để con người thực hiện các chuyến bay xa hơn vào hệ thái dương, vì nguyệt cầu ở rất gần trái đất. Sau đây là ý kiến của ông Chase:
Mặt trăng ở gần trái đất hơn nhiều, so với Sao Hỏa. Mặt Trăng có thể được dùng làm phòng thí nghiệm cho các kỹ thuật thám hiểm vũ trụ trong tương lai. Còn một lý do khác là trên Mặt Trăng có rất nhiều tài nguyên có thể rất quý giá đối với việc phát triển một nền kinh tế không gian mới, và về sau có thể thực sự sản xuất một số sản phẩm hữu ích cho con người trên trái đất.
Vì trọng lực của Mặt Trăng chỉ bằng 1/6 của trọng lực trên trái đất, các cuộc phóng phi thuyền trên nguyệt cầu sẽ cần dùng ít năng lượng hơn.
Một cựu chủ nhiệm công tác thám hiểm không gian của NASA, ông Michael Griffin, ủng hộ việc con người dời cư lên các hành tinh khác. Nhưng ông nói rằng việc chọn lập căn cứ trên Mặt Trăng trước Sao Hỏa có những cái lợi cũng như những cái bất lợi. Ông giải thích như sau:
Những ưu điểm của việc lập một căn cứ trên mặt trăng là ở chỗ mặt trăng là nơi mà quý vị học cách sinh sống một thời gian dài trên một hành tinh khác, và chỉ ở cách trái đất 3 ngày đường, trong trường hợp có gì trục trặc xảy ra--một điều chắc chắn không thể tránh được. Còn nói về những khuyết điểm, thì đây sẽ là việc tiêu tiền cho một muc tiên không hấp dẫn bằng Sao Hỏa.
Sự thực, một số chuyên gia tin rằng việc quay trở lại Mặt Trăng chỉ là một việc làm uổng phí thời gian và tài nguyên đáng lý ra nên được dành cho công tác đưa người lên Sao Hỏa. Chủ tịch của Hội Sao Hỏa Hoa Kỳ, ông Robert Zubrin, nói rằng Hoa Kỳ nên bỏ qua Mặt Trăng, và nên đi thẳng lên Hành Tinh Đỏ. Ông Zubrin nêu câu hỏi:
Chúng ta nên nhắm mục tiêu nào? Mục tiêu của chúng ta phải là đưa người lên Sao Hỏa. Sao Hỏa là nơi lý tưởng để nghiên cứu khoa học. Sao Hỏa là nơi đặt ra thách thức cho chúng ta. Và Sao Hỏa cũng là nơi quyết định tương lai. Tuy nhiên, chúng ta không nên chờ đến 50 năm nữa mới đưa người lên Sao Hỏa. Chúng ta nên thực hiện điều này trong vòng 10 năm tới.
Ông Zubrin cho rằng con người có thể di chuyển xa hơn và đào sâu hơn xuống bề mặt Sao Hỏa để tìm bằng chứng về sự sống trước đây, so với một người máy hay các máy móc tự động. Ông Brian Chase thuộc Hội Sao Hỏa Hoa Kỳ đồng ý với ông Zubrin. Ông Chase nói:
Con người lúc nào cũng học hỏi được nhiều hơn tại nơi đặt chân đến, so với một người máy. Trực giác cũng như sự thông hiểu của một con người về môi trường sống của mình là những điều không thể tạo ra được trong một người máy.
Nhưng ông Alex Roland, một nhà sử học tại Đại học Duke của Mỹ, đồng thời cũng là một cựu sử gia của NASA, lập luận rằng sự có mặt của các phi hành gia không gian thực ra sẽ làm giảm bớt những lợi ích khoa học của một phi vụ thám hiểm. Ngoài ra, cũng theo ông Roland việc dùng người thay cho máy móc tự động cũng làm tăng phí tổn của một chuyến du hành trong vũ trụ lên gấp 10 lần. Sau đây là lời của ông Roland:
Bất cứ khi nào chúng ta đặt con người trong một phi thuyền không gian, thì nhiệm vụ của phi thuyền đã bị thay đổi. Thay vì làm công tác thám hiểm, khoa học, viễn liên, hay nghiên cứu thời tiết, nhiệm vụ của phi thuyền trở thành bảo đảm sự sống còn của phi hành đoàn và đưa họ trở về trái đất an toàn. Điều này làm hạn chế số nơi mà phi thuyền có thể bay đến, hạn chế số trang thiết bị mà phi thuyền có thể mang theo, hạn chế thời gian phi thuyền có thể lưu lại ở điểm đến, và cũng hạn chế khả năng chấp nhận rủi ro của phi thuyền.
Rõ ràng đó không phải là khuyến nghị mà tổng thống Bush đã nghe theo. Vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa con người lên lại Mặt Trăng trước năm 2015 và tiếp đó là lên sao Hỏa, có thể vào khoảng một thế hệ sau đó.