Ngành không gian Hoa Kỳ vừa đạt được một thành tựu rực rỡ với việc cho một phi thuyền hạ cánh an toàn xuống Sao Hỏa để dùng một xe thám hiểm tự động tiến hành nghiên cứu địa chất Hành tinh Đỏ. Nguyễn Lê xin dành câu chuyện Không gian hôm nay để tường trình với quý thính giả về một số kết quả đầu tiên của sự kiện khoa học hàng đầu mở màn cho năm 2004 trong lĩnh vực thăm dò vũ trụ.
Từ ngày 6 đến rạng sáng ngày 7 tháng giêng, các ảnh màu được chứa trong bộ nhớ của xe thám hiểm được đặt tên là “Spirit”, có nghĩa là “Tinh Thần”, đã bắt đầu được chuyển từ Sao Hỏa xuống tới trái đất và được hân hoan đón nhận bởi các toán chuyên gia khoa học, kỹ thuật thuộc Trung tâm Sức tống phản lực tại Pasadena, bang California.
Chiếc máy thu hình toàn cảnh trên đầu xe thám hiểm đã cho thấy Sao Hỏa là một nơi đầy màu sắc sẵn sàng để được khám phá. Bức ảnh màu đầu tiên được chụp cho thấy khu vực nằm phía trước xe thám hiểm. Bức ảnh này và những bức ảnh tiếp theo sau đó có độ phân giải cao nhất, so với các hình ảnh khác về Sao Hỏa đã chụp được từ trước tới nay bằng các máy ảnh của các phi thuyền Viking và Mars Pathfinder.
Trước khi nhận được các bức ảnh màu, các nhà khoa học, kỹ thuật này đã đeo kính hai màu xanh đỏ để nhìn những bức ảnh 3 chiều đen trắng chụp một khu vực rộng lớn và bằng phẳng có nhiều tảng đá nằm ngổn ngang trên Sao Hỏa. Một khoa học gia phụ trách chuyến bay lên Sao Hỏa lần này, ông Matt Wallace, nói đùa rằng những hình ảnh này nhắc ông nhớ đến những phim xi nê hình nổi của những năm 50 mà khán giả cũng phải đeo kính hai màu xanh đỏ để thấy hiệu quả của hình ảnh 3 chiều.
Bức ảnh cho thấy nằm ngay phía trước phi thuyền đổ bộ, ở khoảng cách chừng 15 mét, là một cái hố cạn có bề rộng khoảng 10 mét. Hố này được các nhà khoa học đặt tên là “Sleepy Hollow,” có nghĩa là “Hố Buồn ngủ,” theo một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Hoa Kỳ trong thế kỷ 19, đồng thời cũng để nhắc đến tình trạng thiếu nghỉ ngơi của họ trong khi điều hành chuyến bay lên Sao Hỏa.
Đấy là một trong số nhiều cái hố nhỏ như vậy nằm rải rác trong vùng hạ cánh của phi thuyền đổ bộ. Ông Art Thompson, một kỹ sư tham gia điều hành phi vụ thăm dò Sao Hỏa, cho biết các nhà khoa học có thể đưa cỗ xe thám hiểm 6 bánh đến cái hố này để nghiên cứu trong chuyến hoạt động đầu tiên của xe, nếu những bức ảnh màu nhận được sau này không cho thấy có địa điểm nào hấp dẫn hơn. Ông Thompson nói:
Chúng tôi hớn hở như những đứa trẻ con trong cửa hàng bánh kẹo. Chúng tôi đang tìm cách quyết định xem nên đi theo hướng nào. Chúng tôi rất sốt ruột mong tới lúc đưa cỗ xe thám hiểm rời khỏi phi thuyền đổ bộ để có thể bắt đầu điều khiển xe chạy lòng vòng và làm những chuyện thú vị trên mặt Sao Hỏa.
Mục đích của chuyến bay lên Sao Hỏa lần này là để phân tích sỏi đá ở trên đó nhằm truy tìm dấu vết của nước. Điều này cần thiết để xác định xem Sao Hỏa từng có điều kiện hỗ trợ sự sống hay không. Địa điểm hạ cánh của phi thuyền Spirit được đặt tên là Hố Gusev.
Cảm tưởng đầu tiên của ông Steven Squyres, giáo sư đại học Cornell, và là chuyên gia nghiên cứu chính thức của xe thám hiểm Spirit, là Hố Gusev quả thật trong giống một cái đáy hồ đã cạn nước, đúng như giới khoa học lâu nay vẫn tin tưởng. Ông bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng các thiết bị nghiên cứu địa chất tự động trên xe thám hiểm sẽ tìm thấy các chất trầm tích. Ông nói rằng các khối đá trầm tích, nếu có, sẽ là những phương tiện tuyệt hảo để bảo tồn những chứng tích về các điều kiện môi sinh của nơi này vào thời kỳ cổ đại.
Vẫn theo giáo sư Squyres, việc xem xét “Hố Buồn ngủ” sẽ cung cấp một cơ hội để quan sát các lớp đất đá nằm ngay dưới bề mặt Sao Hỏa. Nhưng ông cho biết ông sẽ không vội đưa cỗ xe thám hiểm đến đó, cho tới khi nào các nhà khoa học đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc điều khiển cỗ xe này. Ông giải thích:
Chúng tôi chưa được cấp bằng lái xe trên Sao Hỏa. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ lái cỗ xe này một cách hết sức thận trọng. Đó là cách làm đúng. Chúng tôi không biết mặt đất mà xe phải chạy qua như thế nào. Chúng tôi có một cỗ xe hoàn toàn khác với tất cả mọi thứ mà chúng tôi từng sử dụng trước đây. Như quý vị đã biết, nếu phải mất một tuần trước khi đến được “Hố Buồn ngủ,” tôi cũng không thấy có gì trở ngại.
Trong khi chờ đợi, toán công tác Phi thuyền Spirit tiến hành kiểm tra và hiệu chỉnh các thiết bị liên lạc và khoa học sẽ được sử dụng để tìm kiếm, lấy mẫu, và chụp ảnh gần các tảng đá. Ông Squyres nói rằng ông sợ rằng sức va chạm lúc hạ cánh có thể đã làm hỏng một số trang thiết bị trên xe thám hiểm. Nhưng ông ghi nhận rằng kết quả các cuộc kiểm tra cho thấy mọi thứ đều hoạt động tốt.
Ông Squyres nhận định rằng nơi hạ cánh của phi thuyền đổ bộ, theo nguyên văn lời ông, là một địa điểm “tuyệt vời về mặt khoa học.” Địa điểm này hoàn toàn thuận lợi cho hoạt động của xe thám hiểm. Theo ông Squyres, vùng này có một số tảng đá vừa đủ nhiều để có thể thực hiện các cuộc điều tra hoa học hữu ích, nhưng cũng khống có quá nhiều đá để gây trở ngại cho sự di chuyển của xe thám hiểm.
Một số túi khí đã phồng lên khi hạ cánh chưa được rút lại hoàn toàn. Các kỹ sư sẽ tìm cách hoàn tất công tác này để tránh việc các bánh xe của xe thám hiểm bị vướng vào số túi khí này khi xe chạy theo đường dẫn từ trên phi thuyền đổ bộ xuống mặt đất.
Xe thám hiểm có kích thước bằng một chiếc xe của những người đánh golf, và phải mất 3 hôm mới chuẩn bị đầy đủ để hoạt động. Khi nằm trên phi thuyền đổ bộ, xe được xếp gọn lại. Trước khi có thể di chuyển, xe phải được nâng lên, và hai dàn bánh trước và bánh sau của xe phải được mở ra đầy đủ.
Vào cuối tháng này, một phi thuyền khác của Hoa Kỳ tương tự như phi thuyền Spirit và được đặt tên là “Opportunity”, có nghĩa là “Cơ Hội”, cũng sẽ hạ cánh xuống phía bên kia của Sao Hỏa để thám hiểm một vùng đất bằng phẳng khác của Hành tinh Đỏ.