Lời dẫn: Với sự ra đi của cựu Thủ Tướng Mahathir Mohamad sau hơn 2 thập niên cầm quyền, một thời đại lịch sử vừa kết thúc tại Malaysia. Tân Thủ Tướng Abdullah Ahmad Badawi đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ tổ chức tại Cung Điện Hoàng Gia Malaysia ở Kuala Lumpur, nhưng như những tòa kiến trúc đồ sộ và những dự án quy mô, nhà lãnh đạo lâu năm của Malaysia, ông Mahathir, đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong xã hội Malaysia và chính trường khu vực. Một số chi tiết về sự nghiệp chính trị của Bác sĩ Mahathir Mohamad sẽ được trình bày trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây:
Thưa quý thính giả, ngày thứ Sáu 31 tháng 10 vừa qua, Thủ Tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, rút lui khỏi chính trường, sau 22 năm tham chính. Thời kỳ cầm quyền của ông đánh dấu một biến đổi toàn diện trong xã hội Malaysia, từ một xứ sở chậm tiến còn hằn nhiều vết tích của một thời bị đô hộ, thành một quốc gia có tiềm năng với một nền kinh tế năng động, tự hào có những tòa nhà chọc trời cao vào hạng nhất thế giới, biểu tượng của một viễn kiến về một nước hiện đại, hoàn toàn công nghiệp hóa vào năm 2020, mục tiêu mà ông Mahathir Mohamad đã đề ra và không ngừng cổ vũ.
Không ai chối cãi ông Mahathir Mohamad đã có công lớn trong công cuộc hiện đại hóa Malaysia, ông cũng có những đóng góp đáng kể trong việc ổn định hóa khu vực, nhưng dường như có nhiều nghịch lý trong cá tính ông, khiến ông Mahathir luôn luôn khêu ra những phản ứng đối nghịch.
Ông Mahathir Mohamad từng được mô tả là một nhà lãnh đạo Hồi giáo có công đấu tranh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, một nhân vật chuyên đả kích các nước Tây phương nhưng cùng lúc, lại bắt chước đường lối phát triển của các nước phương Tây, ông là một nhà cai trị độc đoán nhưng lại tán thành dân chủ.
Theo dõi những ngày cuối cùng của ông Mahathir trong vai trò Thủ Tướng Malaysia, các nhà ngoại giao, các chính khách và giới phân tích có mặt tại Malaysia và Bangkok, nói rằng chính những nghịch lý đó là bối cảnh làm khung cho sự nghiệp chính trị mà ông Mahathir để lại, vào lúc ông giao trách nhiệm lèo lái đất nước lại cho người kế vị, ông Abdullah Ahmad Badawi. hôm thứ Sáu vừa qua.
Ông Mahathir được biết đến như một người không hề ngần ngại phát biểu ý kiến của mình, bất kể những lời lẽ đó có làm phật lòng ai đi chăng nữa, nhưng không ai phủ nhận ông là người có công trạng lớn trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Ông Steven Gan, chủ biên của một trang Web tin tức của Malaysia, nhận định:
Ông Mahathir là một chính khách có viễn kiến. Không ai đặt nghi vấn về điều này. Nhưng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa để phát triển đất nước, đưa Malaysia từ vị thế một xã hội nông nghiệp chậm tiến tới địa vị hiện nay, ông đã phá hủy một số định chế được tôn trọng nhất, như tự do báo chí, như một hệ thống tòa án độc lập và một đội ngũ nhân viên công lực chuyên nghiệp.
Nhưng ngay cả những người chỉ trích ông Mahathir cũng phải công nhận rằng nền kinh tế Malaysia dưới quyền lãnh đạo của Thủ Tướng Mahathir, đã đạt được thành quả lớn, bằng chứng là sự phồn vinh và tính năng động của thủ đô Kuala Lumpur ngày nay.
Năm 1981, khi ông Mahathir lên cầm quyền, Malaysia là một xã hội nông nghiệp, với những mỏ thiếc và đồn điền cao su hoạt động cách trung tâm thủ đô không đến một dặm. Ông Mahathir dồn nỗ lực vào việc đeo đuổi đầu tư nước ngoài, đặc biệt đẩy mạnh việc phát triển công nghệ thông tin.
Ngày nay, thủ đô Kuala Lumpur có 3 hệ thống hỏa xa hiện đại, và là nơi tọa lạc của tòa tháp đôi Petronas, được coi là những tòa kiến trúc cao nhất thế giới, cho mãi tới hồi gần đây. Ngày nay, hơn 60% hộ gia đình Malaysia có xe hơi và Tivi, số người Malaysia sống trong nghèo khó, 35% hồi năm 1982, đã giảm xuống để ngày nay, chỉ còn có 5%. Và dự phóng trong năm tới, mức tăng trưởng kinh tế của Malaysia sẽ vào khoảng 5%, hơn xa một số các quốc gia Đông Nam Á khác.
Nhưng giới chỉ trích lưu ý là bên cạnh những thành quả đó, ông Mahathir cũng phải chịu trách nhiệm về một số dự án lớn hết sức tốn kém đã thất bại, một ví dụ là Dự Aùn sản xuất thép Perwaja.
Giới chỉ trích còn cho rằng sở dĩ Malaysia đã thoát được cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997 mà không bị ảnh hưởng đáng kể, là do may mắn hơn là do tài khôn ngoan kinh tế của ông Mahathir.
Ở ngoài nước, những lời phát biểu bộc trực, thường có tính cách bài tây phương của ông, một mặt giúp ông Mahathir chiếm được cảm tình trong thế giới Hồi giáo và các nước đang phát triển, nhưng mặt khác, gây sóng gió trong mối quan hệ của ông với các nước phương Tây, những nước như Hoa Kỳ, Israel, các nước Tây Aâu, và Australia, vốn vẫn là mục tiêu của những lời phát biểu độc địa, đôi khi có tính cách một chiều của ông Mahathir. Lên tiếng tại Hội Nghị của Tổ Chức các Quốc Gia Hồi Giáo mới đây, nhà lãnh đạo Malaysia một lần nữa lại làm phật lòng thế giới Tây phương với những lời lẽ bài Do Thái của ông.
Nhưng trong thế giới thứ Ba và thế giới Hồi giáo, ông Mahathir Mohamad được thừa nhận là một nhà lãnh đạo nói lên tiếng nói của các nước đang phát triển, ông không ngần ngại chỉ trích các nước phương tây, kể cả các cường quốc hàng đầu thế giới. Tương tự, ông đưa ra những lời phát biểu bênh vực người Hồi giáo, chỉ trích chính sách của chính phủ Hoa Kỳ tại Iraq, và qua đó, chiếm được cảm tình và sự ngưỡng mộ của nhiều thành phần trong thế giới Hồi giáo và thế giới thứ Ba.
Mặt khác, ông Mahathir cũng bị chỉ trích vì đã hạn chế quyền tự do báo chí và tự do hội họp trong nước. Nhiều ký giả và chính khách đối lập đã bị tống giam. Thành phần đối lập trong nước, và các nước Tây phương đặc biệt chỉ trích ông Mahathir về cách đối xử bất công của ông đối với cựu Thủ Tướng Anwar Ibrahim, một người từng được chính ông Mahathir chọn để lên kế vị ông trong vai trò Thủ Tướng, nhưng sau đó vì bất đồng ý kiến với ông Mahathir về đường lối kinh tế, mà cho mãi tới nay ông Anwar vẫn đang mòn mỏi trong nhà tù. Bà Wan Azizah, thủ lãnh một đảng đối lập và phu nhân cựu Phó Thủ Tướng Anwar, nói:
Thảm họa của đường lối cai trị của ông Mahathir là sự xói mòn quyền tự do tư tưởng và dân chủ. Một nhà lãnh đạo không nên chỉ xây những cấu trúc hiện đại, mà còn phải thăng tiến nền văn minh và sự phát triển của con người.
Có lẽ cựu Thủ Tướng Mahathir, năm nay 77 tuổi, sẽ được nhắc đến nhiều nhất về thành công của ông trong việc hiện đại hóa Malaysia, song mặt khác, nhiều người sẽ không quên là ông đã đạt được những thành tích đáng kể đó qua một đường lối cai trị độc tài và một thái độ không dung chấp những ý kiến bất đồng.
Nhưng dù thương dù ghét, không ai chối cãi công lao của Thủ Tướng Mahathir đối với đất nước ông, và sự thành công của ông trong việc duy trì một xã hội đa chủng, đa tôn giáo trong tình trạng hài hòa và ổn định. Chỉ riêng ở điểm này, ông Mahathir đã đóng góp vào tính ổn định của khu vực, một đóng góp đáng kể, trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.