Đường dẫn truy cập

Dự án công nghệ thông tin và nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. - 2003-09-26


Trong vòng vài tháng tới, giới thiếu niên trên khắp thế giới sẽ được nhìn thấy phương cách mà kỷ nguyên thông tin mới sẽ giúp các em tăng thêm sự hiểu biết của mình về những nền văn hóa khác. Một dự án được các chương trình Xe buýt điện toán học đường của LHQ và Mạng Internet học đường Châu Âu sẽ nối kết các em với nhau để các em có dịp xem xét mối quan hệ giữa công nghệ thông tin-liên lạc vàø nhân quyền. Câu chuyện “Khoa Học và Đời Sống” hôm nay sẽ được Nguyễn Lê dành để trình bày với quý thính giả một số chi tiết khác liên quan đến dự án này, dựa trên tường trình của Thông tín viên đài Tiếng nói Hoa Kỳ Peter Heinlein từ trụ sở LHQ tại thành phố New York.

Dự án vừa được phát động bằng một cuộc họp báo chung nối liền 3 châu lục này được mô tả như là một sự kiện về việc sử dụng một phương tiện khoa học cho mục đích giáo dục lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện trên mạng Internet. Đây cũng là một cuộc tổng duyệt trước về phương cách các thiếu niên ngày nay và ngày mai học hỏi về những đất nước và dân tộc xa xôi.

Các em thiếu niên từ mọi góc của địa cầu đang tham gia vào một sinh hoạt kéo dài trong 3 tháng để xem xét những tác động của công nghệ thông tin đối với nhân quyền. Đây là một dự án đầy tham vọng, được phát động bằng một cuộc họp báo với sự tham gia của học sinh, giáo viên, và các giới chức LHQ tại 4 nước.

Ở New York, Phó Tổng thư ký LHQ đặc trách Thông tin Công cộng Shashi Tharoor nói rằng các sinh hoạt được dự trù cho 3 tháng tới có thể sẽ không thể nào tiến hành được nếu muốn tổ chức 6 năm trước đây.

Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Người ta có thể truyền nhiều thông tin hơn qua một dây cáp duy nhất trong một giây, so với số lượng thông tin có thể truyền đi trên toàn mạng lưới Internet trong một tháng vào năm 1997.

Ông Tharoor liên lạc bằng truyền hình và Internet với các học sinh và giáo viên sẽ tham gia vào dự án tại Geneve, cũng như tại thủ đô Kampala của Uganda và thủ đô Dar es Salaam của Tanzania. Đây là một nỗ lực chưa toàn hảo vì vẫn còn nhiều trở ngại kỹ thuật thường thấy trong bất kỳ phương tiện truyền thông mới nào. Nhưng trong suốt buổi liên lạc, những người tham gia tỏ rõ sự hăng say và phấn chấn của những kẻ đi khai phá những biên cương mới.

Những người phát biểu, gồm một số lớn thiếu niên, đã sử dụng ngôn ngữ của thời đại thông tin, đưa vào câu chuyện trao đổi những cụm từ như “công nghệ thông tin-liên lạc,” “khoảng cách kỹ thuật số,” và ngay cả nói đến một nghề mới, đó là nghề “nối mạng học đường.”

Bà Brigitte Parry, chủ nhiệm của Chương trình Mạng Internet Học đường Châu Âu, là một người đi tiên phong trong lĩnh vực hoạt động mới mẻ này. Phát biểu từ Geneve, bà cho biết ngay cả nội dung công việc của bà cũng chưa được xác định:

Tôi là một người nối mạng học đường. Nối mạng học đường có nghĩa là gì? Chưa ai thật sự biết rõ nó là gì cả. Nối mạng học đường có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho việc tạo ra những mạng web riêng trong các trường học có khả năng cùng hoạt động với nhau theo ý muốn của chúng ta hay theo năng lực của chúng ta.

Bà Parry sẽ giúp điều hợp đợt sinh hoạt điện toán kéo dài 3 tháng này cho các em học sinh, kể cả một loạt các hoạt động trực tuyến và một cuộc thi vẻ bích chương.

Nhiều học sinh của trường quốc tế tại Geneve cũng lên lưới tham gia cuộc họp báo. Em Alegra Richardson, một học sinh Mỹ tại trường này, nói rằng dự án sẽ nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền trên toàn thế giới.

Các công nghệ thông tin-liên lạc là điều mà học sinh chúng tôi đã rất quen thuộc khi lớn lên. Các công nghệ này xuất hiện cũng vào khoảng thời gian chúng tôi ra đời. Do đó tương lai của chúng tùy thuộc vào thế hệ chúng tôi. Chúng tôi có trách nhiệm về việc các công nghệ này sẽ được sử dụng như thế nào trong tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó mỗi điều khoản trong Bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền sẽ được áp dụng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Như thế là bởi vì đấy là một bản tuyên ngôn nhân quyền cho toàn thế giới. Các công nghệ thông tin-liên lạc phải được sử dụng để thực hiện điều đó.

Một học sinh khác, em Arthur Mbena, người Tanzania, nói rằng kỹ nguyên thông tin đang cung cấp cho học sinh-sinh viên Châu Phi và các khu vực đang phát triển khác những cơ hội mà trước đây họ không thể tưởng tượng nổi.

Chúng tôi thấy rằng các công nghệ thông tin-liên lạc đã giúp chúng tôi hiểu rõ mình hơn. Các công nghệ này đã giúp tăng thêm sự hiểu biết thực tế của nhân dân Tanzania và nhân dân các nước khác trên thế giới nữa. Bởi vì qua tiến trình này chúng tôi nhận được những thông tin về rất nhiều vấn đề như các thiên tai đang xảy ra trên thế giới.

Những người chỉ trích nói rằng việc thúc đẩy việc sử dụng mạng Internet nhiều hơn đang đào sâu thêm hố chia cách giữa những người giàu và người nghèo. Họ gọi đây là cái “hố chia cách kỹ thuật số.” Ông Shashi Tharoor, Phó Tổng thư ký LHQ đặc trách về Thông tin công cộng, nói rằng dự án này đang thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để lấp bằng cái hố đó, để phân phối các lợi ích của công nghệ thông tin cho càng nhiều người càng tốt. Ông nhận định:

Những dự án như thế này sẽ giúp cho nhiều người hơn được tiếp cận với những công nghệ mới và tăng cường sự hiểu biết về những lợi ích mà những công nghệ này có thể mang lại, bằng cách nối liền dân chúng của các nước giàu với các nước nghèo, các giáo viên với chính phủ các nước. Nó còn giúp cho các nước cung cấp viện trợ hiểu được rằng các máy vi tính và điện thoại đơn giản cũng có thể làm được rất nhiều việc.

Dự án sẽ kết thúc ngày 11 tháng chạp năm nay, tại Hội nghị thượng đỉnh về thông tin tại Geneve, với một cuộc đối thoại trực tuyến giữa các học sinh và một nhà lãnh đạo thế giới hiện nay chưa được nêu tên. Đây cũng sẽ là dịp kỹ niệm lần thứ 55 ngày ký kết Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG