Đường dẫn truy cập

Canh tác theo phương pháp tự nhiên giúp trẻ đường phố Indonesia


<!-- IMAGE -->

Tại Indonesia hằng năm có cả ngàn người từ vùng thôn quê nghèo khó kéo về các thành thị với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng đối với nhiều người trong số này, niềm mơ ước đó chẳng bao giờ thành sự thực. Một cơ quan từ thiện tư nhân với tên gọi là the Learning Farm, Nông Trại Học Hỏi, đang đi theo con đường ngược lại với chiều hướng từ quê đổ ra tỉnh, dạy cho các trẻ trước đây sống lang thang ngoài đường phố phương pháp trồng trọt tự nhiên không gây hại cho môi sinh. Điều này giúp các em có một cơ hội thành công tại những cộng đồng thôn quê. Từ thị trấn Cianjur, Indonesia, thông tín viên Solem Honorine gưỉ về bài tường trình sau đây.

Ông Sulkhan thận trọng bước ngang qua những chòi tranh nơi đàn dê đang cho ra một mẻ phân bón thiên nhiên không gây hại cho môi sinh. Một nhóm chừng 40 thanh thiếu niên đang tụ tập duới con đường mòn dẫn vào một khu nhà kính. Họ mang giày ống cao su, tương phản phần nào với những hình xâm trên người họ và những sợi dây bằng bạc dài đeo quanh cổ và những khoen móc trên người làm đồ trang sức.

Ông Sulkhan yêu cầu các em hát bài ca chào mừng khách của tổ chức the Learning Farm.

Các thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 22 đang theo học một chương trình kéo dài 5 tháng của tổ chức từ thiện the Learning Farm để trở thành các nông gia theo phương pháp trồng trọt tự nhiên. Nhưng ông Jiway Tung, Giám đốc tổ chức từ thiện này, giải thích rằng chương trình còn đi xa hơn là giúp các trẻ từng lang thang ngoài đường phố một nghề mới. Ông nói trường học này dạy các em ứng xử trong trường đời nữa.

Đối với rất nhiều thanh thiếu niên này, các em không có bao nhiêu kỳ vọng và có rất ít tinh thần trách nhiệm. Vì thế cái kỷ luật mà chúng tôi cương quyết nhấn mạnh tới là nói rằng chúng tôi quí trọng tiềm năng nơi các em, cũng như Thiên Nhiên qui trách nhiệm cho tất cả chúng ta phải bảo vệ nó. Nếu các em không áp dụng các phương pháp canh tác tốt lành, nếu chúng ta không áp dụng những kỹ thuật đúng đắn, và nếu chúng ta không theo sát trên căn bản từng ngày, thì kết quả là các vụ mùa sẽ cho các em thấy chuyện xảy ra như thế nào.

Em Sudanto, một thiếu niên 17 tuổi cao lớn, to khỏe, đã học hỏi được rất nhiều. Vào năm 14 tuổi em không thể nào chịu thấu đòn vọt của cha mẹ nữa nên em đã bỏ nhà ra đi, nhập bọn với đám trẻ bụi đời lang thang trong thành phố Jogjakarta.

Em cho biết em làm bất cứ điều gì mà những người sống lang thang ngoài đường phố thường làm, ăn cắp, sử dụng ma túy. Sudanto cho biết em thích cuộc sống bụi đời, nơi mà không ai ra lệnh cho em phải làm gì.

Nhưng rồi em khám phá ra rằng có rất nhiều hiểm nguy rình rập những người sống lang thang ngoài đường phố. Sau hai tháng ngồi tù, em đã nghe theo lời khuyên của một em khác từng học xong chương trình của the Learning Farm và quyết định gia nhập.

Thuyết phục các thanh thiếu niên về miền quê học tập không phải là chuyện dễ. Mặc dù phần lớn Indonesia vẫn còn là những khu vực nông thôn, nhưng người dân thành thị thường dè bỉu lối sống thôn dã là quê mùa. Tuy nhiên ông Jiway Tung đoan quyết rằng người dân Indonesia không thực sự cắt đứt với cội nguồn thôn quê của họ.

Khi đến các nông trại, chúng ta có thể thấy những giống cây cỏ được sử dụng cho những mục tiêu đặc biệt nhưng đã bị những thế hệ mới đây quên lãng hay lơ là. Những loại cây cỏ này, được bón bằng phân chuồng hay xịt các loại thuốc chống sâu rầy bằng các chất liệu thiên nhiên, đã được những nông gia thuộc thế hệ cũ trồng với một mục đích và theo phương pháp hợp lý. Vì thế chúng ta đã khám phá trở lại những cái hay, cái tốt. Chúng tôi không du nhập những gì ngoại lai mà chỉ là khám phá trở lại và đặt lại tầm nhìn mà thôi.

Em Arief Syaffudin, 17 tuổi, cẩn thận cào rễ của một cây bông cải xanh.

Em nói rằng sử dụng các hóa chất trong việc trồng trọt không phải là dở, nhưng đây là phương pháp canh tác thật ích kỷ. Em thích theo đường lối toàn diện, một lối canh tác mà nhà nông phải lắng nghe cây cỏ, và phải đáp ứng nhu cầu của cây cỏ trong lúc đáp ứng nhu cầu của con người.

Những nông phẩm trồng trọt theo lối tự nhiên được bán với giá cao hơn là các rau cỏ, hoa trái trồng theo phương pháp sử dụng phân bón hóa học hay hóa chất trừ sâu rầy. Và theo ông Jiway thì vì canh tác theo lối tự nhiên không đòi hỏi phải tốn nhiều tiền mua phân bón hay thuốc trừ sâu rầy, nó đem về cho nông gia khoản thu nhập khá hơn. Mặc dù thị trường tiêu thụ các sản phẩm trồng cấy theo phương pháp tự nhiên còn nhỏ hẹp, cũng đã có cơ hội cho các sản phẩm này. Tổ chức the Learning Farm đang thảo luận với một hệ thống siêu thị lớn để bán sản phẩm.

Một dự án kiểu này đã giúp cho các học viên như Sofian phấn khởi.

Học viên này nói rằng em không mảy may có một cơ hội gì để tiến thân trong thành phố: em không có tiền, không có học thức để có thể thành công tại Jakarta. Em cho biết tại nông trại này em cảm thấy như ở nhà và em có thể nắm bắt cơ hội để tạo được một cuộc sống khá hơn. Giờ đây em có thể trở thành một nông gia biết kinh doanh.

Đã đến giờ ăn trưa. Các thanh thiếu niên này thu dọn cuốc xẻng, đồ nghề, phủi bụi trên thân mình rồi đi về phía nhà bếp, vỗ đầu mấy chú dê khi chúng tình cờ bước ngang qua. Rất nhiều em trong số này vô gia đình và chỉ có một niềm mơ ước rất mơ hồ về một tương lai khiêm tốn. Nhưng khi bước chân đi dọc theo các triền núi xanh ngắt của những ngọn núi lửa trên đảo Java, các em có được cơ hội tạo dựng một cuộc sống mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG