Hôm thứ Tư vừa qua, danh sách các tù nhân lương tâm trên thế giới đã có thêm tên của 4 người Việt Nam. Sau phiên tòa một ngày ở Sài Gòn mà Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, mô tả là “thiếu trình tự chuẩn mực”, các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Lê Thăng Long đã bị tuyên những án tù tới 16 năm về tội gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Ban Việt ngữ đài VOA đã tiếp xúc với hai nhân vật kỳ cựu của phong trào dân chủ Việt Nam là Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ở Mỹ để tìm hiểu thêm về vụ án chính trị này. Mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.
VOA: Thưa giáo sư Nguyễn Thanh Giang và giáo sư Đoàn Viết Hoạt, là những người tranh đấu cho dân chủ VN và từng bị tù tội, sách nhiễu vì hành sử các quyền cơ bản của người dân, xin hai ông cho biết cảm nghĩ về việc bốn nhà tranh đấu trẻ vừa bị nhà cầm quyền VN tuyên án tù? Xin mời giáo sư Nguyễn Thanh Giang.
Nguyễn Thanh Giang: Tôi rất không hiểu tại sao những con người như vậy lại bị tuyên án tù. Tuyên án tù tức là bảo họ có tội. Tôi không nghĩ rằng họ là những người có tội. Là vì họ làm đúng hiến pháp. Điều 53 của hiến pháp Việt Nam có ghi như thế này: “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý”. Điều này tôi nghĩ nó không chỉ là vấn đề quyền lợi mà nó là trách nhiệm cao cả của một công dân. Đấy là sứ mệnh, sứ mệnh thiêng liêng, của công dân. Dù rằng cái tội của họ nghe có vẻ nặng nề nhất là họ soạn thảo hiến pháp đi nữa, tôi cũng thấy rằng đó là họ muốn góp ý với nhà nước, họ muốn có một hiến pháp mà theo họ là tốt hơn, giúp cho nước sống có kỷ cương hơn, có điều kiện để trở thành một nước có hiến định chặt chẽ hơn, có luật pháp tốt hơn và có điều kiện để sánh ngang hàng với các nước trên thế giới. Đó là việc làm công phu của họ. Đáng lẽ phải thưởng cho họ chứ sao lại xem đấy là tội của họ được. Thế mà nỡ nào đem xử tội họ – những cái tội hết sức nặng, đến năm, sáu, bảy năm cho đến gần hai chục năm tù. Như vậy tôi cho là nó tàn ác quá, nó dã man quá!
VOA: Xin mời giáo sư Đoàn Viết Hoạt.
Đoàn Viết Hoạt: Trước hết, tôi xin cám ơn đài đã cho tôi có cơ hội để trình bày những nhận xét của tôi. Bởi vì phiên tòa vừa rồi tôi nghĩ rằng nó gây xúc động cho tất cả những người quan tâm đến tình hình Việt Nam, kể cả Việt Nam và quốc tế. Riêng cá nhân tôi thì vừa xúc động vừa rất bất bình. Xúc động vì thấy những người trẻ tuổi nhưng vẫn có lòng với đất nước; đặc biệt là dám công khai trực diện đối kháng với chế độ độc tài và những nhà cầm quyền đàn áp tiếng nói độc lập, dù rằng họ đang sống ở trong một hoàn cảnh rất là nguy hiểm và luôn luôn bị đàn áp. Đồng thời chúng tôi cũng rất là bất bình vì chế độ tiếp tục sử dụng bạo lực để hy vọng dập tắt những tiếng nói bất khuất, có lương tri, những người không thể im lặng được để mà đồng lõa với những chính sách sai lầm, phản bội quyền lợi nhân dân cũng như danh dự của dân tộc.
VOA: Một số người tuy không hài lòng với chính quyền độc đảng hiện nay ở Việt Nam nhưng vẫn tỏ ý chống đối các nhà hoạt động dân chủ vì cho rằng Việt Nam cần ổn định chính trị để phát triển kinh tế mà việc tranh đấu cho dân chủ gây ra tình trạng mất ổn định. Hai ông nghĩ sao về nhận định này? Xin mời Giáo sư Hoạt.
Đoàn Viết Hoạt: Nói về vấn đề ổn định thì thực sự ra phát triển tất nhiên cần ổn định. Tuy nhiên ổn định cần phải bền vững, phát triển cũng cần bền vững. Riêng về ổn định chính trị thì lại càng cần bền vững hơn. Chúng ta không thể có ổn định chính trị bằng bạo lực được. Muốn cho bền vững và ổn định thì không thể dùng bạo lực để giữ sự ổn định được. Chỉ có cách là trả lại quyền tự do cho nhân dân, thật sự tự do lựa chọn những người lãnh đạo mà người dân tín nhiệm và nếu không đủ tư cách thì họ có quyền bãi miễn. Do đó, để bảo vệ chế độ, để bảo vệ độc quyền chính trị, họ chỉ biết dùng bạo lực dựa trên những luật lệ do họ tự đặt ra. Tôi thấy đấy không thể nào có sự ổn định chính trị được.
VOA: Xin mời giáo sư Nguyễn Thanh Giang cho biết ý kiến tương quan giữa ổn định với phát triển.
Nguyễn Thanh Giang: Ổn định xã hội là cái điều ai cũng mong muốn. Không ai muốn có chộn rộn. Không ai muốn có sự đập phá, bạo loạn trong xã hội cả. Nhưng ổn định không nghĩa là bị kín nó lại để cho xã hội cứng đơ. Một cái xã hội không có ai được bàn thảo, không được hoạt động, không có những ý kiến phản kháng, chống đối lại khi mà những người dân bị thiệt thòi quyền lợi hoặc bị cấp này cấp kia tước bỏ quyền lợi của họ, đó là một xã hội chết. Tôi nghĩ rằng đối với ổn định xã hội mà muốn có xã hội ổn định hợp lý, một xã hội không phải là chết mà có sự cân bằng bền cân bằng động chứ không phải cân bằng tĩnh, thì phải có tự do, có dân chủ. Những xã hội ổn định theo kiểu chết như vậy thì sẽ dẫn tới chổ sụp đổ. Sở dĩ các nước như Liên Sô, các nước Đông Aâu sụp đổ là vì họ ổn định quá đi, họ lấy sự đè nén quần chúng để làm ổn định. Phải cho người dân được quyền nói, phải cho người dân cùng được tham gia quản lý xã hội và cùng có sự lo lắng chung, cùng góp tay góp sức vào việc tạo nên sự ổn định xã hội đó, chứ không phải ổn định áp đặt từ bên trên.
VOA: Trong cuộc phỏng vấn trên đài BBC hồi gần đây, ông Nguyễn Lân Dũng, một đại biểu quốc hội VN được cho là thuộc thành phần tiến bộ, nói rằng ông ấy "cảm thấy tiếc" cho các ông Trần Anh Kim, Lê Công Định ... vì những người này có thiện chí nhưng "thiếu hiểu biết". Ông Dũng nói rằng thay vì tìm cách "góp ý", "phản biện" … với chính phủ thì họ lại tham gia tổ chức nầy nọ để phải lâm vào tình cảnh hiện nay. Xin giáo sư Nguyễn Thanh Giang cho biết ý kiến về nhận định này?
Nguyễn Thanh Giang: Tôi thấy trong mấy câu phát biểu của giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì có ý đúng. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói rằng những người này họ có thiện ý, họ không chống đối. Giáo sư Dũng chỉ cho rằng họ “dại dột” thôi. Riêng phần phê phán họ là dại dột thì tôi cũng chưa đồng ý lắm, nhưng mà cái mà giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng họ có thiện ý, họ không có chống đối thì đúng như vậy. Nhưng tại sao họ không chống đối, họ có thiện ý – dù là họ có dại dột đi nữa, thì tại sao phải trừng trị họ? Sao bỏ tù họ đến hàng chục năm như vậy? Mà tôi cũng lạ cho giáo sư Nguyễn Lân Dũng là ông là một đại biểu quốc hội, thế mà ông thấy người dân không có ý chống đối, họ có thiện ý, dù cho họ có dại dột đi nữa, mà đem bỏ tù họ như vậy là tàn ác, là không đúng; thì đáng lẽ một đại biểu quốc hội như ông Nguyễn Lân Dũng phải đứng ra bảo vệ họ, phải phát biểu với tòa án rằng tôi chống đối việc các ông làm tàn bạo đối với công dân dưới sự bảo trợ của tôi.
VOA: Xin mời giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho biết ý kiến về phát biểu của ông Nguyễn Lân Dũng.
Đoàn Viết Hoạt: Câu nói của ông Dũng khi nhận xét về những người bị bắt giữ vừa qua tôi thấy rất là đáng tiếc. Tất nhiên ông Dũng ở trong hệ thống cầm quyền thì ông phải nói như vậy. Ông phải “phản biện trong lề bên phải”. Nhưng mà những người đối kháng kia thì không thể nào như vậy được. Tất nhiên là họ “dại dột” và họ “không hiểu biết” bởi vì họ sẽ mất đi những quyền lợi, không thể phản biện như họ là ở ngoài “lề bên phải.” Nhưng theo tôi, nếu ai cũng có hiểu biết và khôn ngoan như thế thì khép mình trong khuôn khổ do người cầm quyền đặt ra, thì chắc chắn đã chẳng có cách mạng, có tiến bộ. Tôi thông cảm cho ông Dũng nhưng ông Dũng nhưng tôi mong là ông cũng hiểu rằng có những người có lý tưởng, có sự can đảm như những người vừa bị ra tòa. Đất nước và xã hội cần có những người như vậy để có thể kiềm chế những người cầm quyền luôn có tham vọng độc quyền và độc đoán. Phản biện nhẹ nhàng, hợp pháp chưa chắc đã thành công, như chúng ta vừa thấy trong Viện Nghiên cứu Phát triển cũng như nhóm bô xít. Cho nên tôi nghĩ rằng điều mà chúng ta cần hiểu là cần phải có nhiều loại phản biện khác nhau. Có những phản biện trong khuôn phép cho phép, nhưng cũng phải có phản biện ở ngoài người cầm quyền, đối lập với người cầm quyền.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1