Đường dẫn truy cập

HRW: Việt Nam gia tăng đàn áp dân chủ trước Ðại hội Ðảng 


<!-- IMAGE -->

Chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp dân chủ trước Đại hội Đảng lần thứ 11. Đó là tố cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) trong thông cáo báo chí đề ngày 21/1, sau khi công bố phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới 2010.

Bản phúc trình dày 612 trang nhan đề World Report 2010 là bản đánh giá thừơng niên lần thứ 20 của tổ chức này về tình trạng nhân quyền tại hơn 90 quốc gia và lãnh thổ trên toàn cầu.

Đối với trường hợp Việt Nam, báo cáo của Human Rights Watch lên án rằng trong năm qua, chính phủ Hà Nội đã bắt bớ và giam cầm hàng chục nhà hoạt động dân chủ, các blogger, những người đấu tranh đòi đất đai, và các thành viên của những tổ chức tôn giáo không được cấp giấy phép.

Ông Brad Adams, Giám đốc của Human Rights Watch đặc trách vùng Châu Á, nói rằng nhà nứơc Việt Nam có vẻ kiên quyết thể hiện như một trong những quốc gia đàn áp nhất tại khu vực Châu Á qua cách đối xử với những người chỉ trích ôn hoà.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lo ngại rằng Hà Nội sẽ tăng cường chiến dịch đàn áp những tiếng nói chỉ trích chính phủ trong nỗ lực dập tắt bất kỳ thách thức nào đối với quyền cai trị độc đảng của họ.

Phần báo cáo của Human Rights Watch về Việt Nam nhấn mạnh có hàng trăm nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hoà đang bị cầm tù tại Việt Nam và liệt kê các trường hợp đàn áp nông dân khiếu kiện đất đai ở miền Nam, ngừơi Thượng ở Cao nguyên Trung phần, giáo dân Công giáo trong các vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, cũng như tăng sĩ pháp môn Làng Mai của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.

Vẫn theo báo cáo này, năm qua tại Việt Nam có ít nhất 20 trường hợp bị giam cầm là những người bất đồng chính kiến hoặc những nhà hoạt động tôn giáo độc lập vì những lời buộc tội mơ hồ như gây hại đến an ninh quốc gia. Trong đó có 9 nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội và Hải Phòng bị tuyên án hồi tháng 10 về tội tuyên truyền chống phá nhà nứơc.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng đặc biệt lưu ý đến bản án của 4 nhà dân chủ gồm luật sư Lê Công Định, thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long.

Toà Tổng Giám mục Hà Nội lên án vụ chính quyền địa phương hành hung giáo dân tại Đồng Chiêm.

Bản tin của Thông tấn xã Công giáo CNA số ra hôm 22/1 trích dẫn văn thư của Văn phòng Tổng Giám mục Hà Nội lên án vụ đánh đập ông Nguyễn Hữu Vinh ngày 11/1 tại trạm gác công an ở làng Đồng Chiêm và vụ hành hung tu sĩ Nguyễn Văn Tặng hôm 20/1 tại khu vực.

Vẫn theo nguồn tin này, tu sĩ Tặng đã bị công an đánh đập đến mức ông bị bất tỉnh.

Tường trình của linh mục Nguyễn Văn Khải đăng trên website Dongchuacuuthe.net và bản tin của The Straits Times cho biết thầy Antôn Nguyễn Văn Tặng bị một nhóm người chặn đường, cứơp túi xách, rồi xông vào đánh, khi ông đang trên đường dẫn một đoàn linh mục Hà Nội vào thăm Đồng Chiêm lúc 10 h sáng ngày 20/1.

Dân địa phương cho hay họ nhận dạng những ngừơi tấn công là công an ở Hà Nội. Hình ảnh nạn nhân đầm đìa máu được đăng tải trên nhiều trang mạng.

Phát biểu với Ban Việt Ngữ đài VOA, linh mục Nguyễn Văn Hữu thuộc giáo xứ Đồng Chiêm, cho biết: "Người ta yêu cầu tôi ra bảo lãnh. Tôi có ra nói chuyện với các ông ấy. Tôi bảo rằng “Đây là ngừơi quen của tôi, xin các ông cho họ vào.” Thế nhưng họ nói rằng đây là vùng cấm, không ai được vào. Về mức độ thương tích, tôi thấy bảo là đánh bất tỉnh. Ngừơi đi đừơng nói rằng có một toán thanh niên mặc thừơng phục trên xe ô tô nhảy xuống đánh thầy Tặng bị trọng thương, phải đưa về cấp cứu ở trên nhà xứ Nghĩa Ải. Sơ cứu xong họ chở thầy đi bệnh viện Việt Đức luôn.”

Văn thư của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cũng cho hay Đồng Chiêm bị công an bao vây, bất cứ ai bên ngoài vào đều bị công an ngăn chặn. Toà Tổng Giám mục Hà Nội cũng yêu cầu giáo dân các nơi cầu nguyện cho giáo xứ Đồng Chiêm trong giai đoạn khó khăn này.

Nguồn: Human Rights Watch, AFP

VOA Express

XS
SM
MD
LG