Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm nay có mặt tại Hawaii để gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada và đọc bài diễn văn về chính sách của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là chặng dừng chân đầu tiên của bà Clinton trong chuyến công du khu vực đến New Guinea, New Zealand, và Australia. Thông tín viên đài VOA, David Gollust tường trình từ Honolulu.
Bài diễn văn của Ngoại trưởng Clinton đọc tại Trung tâm Đông-Tây của Hoa Kỳ tại Honolulu diễn ra vào lúc chính phủ của Tổng thống Obama sắp kết thúc năm đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước. Theo bà Clinton, thực chất của thời gian này là sự cam kết giao tiếp trở lại với các quốc gia ở châu Á Thái Bình Dương.
Đây là chuyến công du lần thứ tư của Ngoại trưởng Clinton đến khu vực mà bà cho rằng bị Hoa Kỳ xao lãng trong thời cựu Tổng thống Geogre W.Bush và giờ đây đang thở phào nhẹ nhõm khi Hoa Kỳ tiếp tục các hoạt động giao tiếp.
Trong buổi nói chuyện với các phóng viên khi đang trên đường tới Hawaii, bà Clinton phát biểu rằng cả thế giới công nhận Trung Quốc là một cường quốc đang lên của thế kỷ 21 và rằng các quốc gia Châu Á khác muốn nhìn thấy vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực như một lực lượng gìn giữ hòa bình và đảm bảo sự ổn định khi cường quốc ấy trỗi dậy.
Bà Clinton tuyên bố chính phủ Obama mưu tìm một mối quan hệ trưởng thành với Trung Quốc, một mối quan hệ không đi lệch hướng, cho dù có nhữõng bất đồng giữa Washington với Bắc Kinh về việc Mỹ bán võ khí cho Đài Loan và cuộc gặp của Tổng thống Obama với lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, dự trù sẽ diễn ra vào tháng tới.
Bà Clinton nói: “Cung cấp võ khí phòng thủ cho Đài Loan đã và sẽ tiếp tục là chính sách của Hoa Kỳ. Chúng tôi có một quan điểm khác với Trung Quốc về vai trò và những khát vọng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Điều này chúng tôi đã rất công khai, khi bày tỏ rằng chúng tôi không ủng hộ bất cứ tuyên bố nào xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi phản đối điều đó nhưng chúng tôi ủng hộ nguyện vọng chính đáng về sự tôn trọng văn hóa-tôn giáo và quyền tự trị. Và đó là những quan điểm phù hợp với các giá trị của Hoa Kỳ.”
Ngoại trưởng Clinton gọi nghị quyết hồi năm ngoái của Liên hiệp quốc về các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên đối với các cuộc thử nghiệm võ khí hạt nhân và phi đạn của nước này là một kết quả cụ thể của chính sách ngoại giao về châu Á của Hoa Kỳ. Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng đây sẽ là một mốc quan trọng tiến tới việc tái tục các cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc hậu thuẫn liên quan chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bà Clinton bác bỏ những lời kêu gọi mới đây của Bắc Triều Tiên đề nghị các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình với Hoa Kỳ, làm bước khởi đầu cho việc Bình Nhưỡng quay trở lại với các cuộc thương lượng hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng khung sườn 6 bên tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về những kế hoạch dàn xếp an ninh mới cho khu vực.
Bà Clinton nói tiếp: “Tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ yêu cầu tái tục các cuộc đàm phán 6 bên vào một thời điểm nào đó trong tương lai, và sẽ có cơ hội cho các cuộc đàm phán song phương bên lề, trong khuôn khổ nghị trình các cuộc thương thuyết này. Và chúng tôi sẵn sàng có các cuộc thảo luận như thế với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng các cuộc đàm phán 6 bên cần phải được kích hoạt lại mạnh mẽ và chúng tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra.”
Theo dự kiến, cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ với người đồng nhiệm Nhật Bản sẽ tập trung thảo luận xung quanh việc chính phủ Tokyo không bằng lòng với thỏa thuận ký kết hồi năm 2006. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ dời 8 ngàn binh sĩ từ Okinawa đến Guam và tái bố trí một số khác tại Okinawa hầu xoa dịu gánh nặng của cư dân tại hòn đảo phía Nam Nhật Bản này.
Tiến trình này phần lớn sẽ do Nhật Bản tài trợ.
Giới lãnh đạo của liên minh khuynh tả thắng cử ở Nhật hồi năm ngoái đã vận động yêu cầu giảm quân số Mỹ tại Okinawa hơn nữa, bao gồm cả việc đóng cửa căn cứ hải quân Futenma, trọng tâm của các lời chỉ trích ở Nhật về tác động môi trường và các tội phạm trong quá khứ có liên quan đến binh sĩ Mỹ.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 8 năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama dù có giảm nhẹ quan điểm tranh luận về căn cứ Futenma nhưng vẫn muốn xem xét lại thỏa thuận với Hoa Kỳ.
Trong những lời phát biểu với báo giới, bà Clinton tránh không đề cập chi tiết tới vụ việc ở Okinawa nhưng nói rằng liên minh an ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản, sắp đánh dấu kỷ niệm 50 năm vào ngày 19/1 tới đây, to lớn hơn bất kỳ một vấn đề nào.
Chính quyền Obama đã nhiều lần khẳng định rằng không muôán thay đổi thỏa thuận về căn cứ này, vốn là thành quả của các cuộc thương thuyết tinh tế kéo dài nhiều năm trời.
<!-- IMAGE -->