Trung Quốc đã xử tử một người Anh mắc bệnh tâm thần về tội buôn lậu ma túy, bất chấp những lời thỉnh cầu giờ chót của chính phủ Anh và thân nhân của tử tội. Từ Bắc kinh, thông tín viên Alison Klayman của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Thủ tướng Anh Gordon Brown hôm nay lên án vụ hành quyết ông Akmal Shaikh. Nhà lãnh đạo Anh nói rằng ông cảm thấy “bất mãn và thất vọng” đối với việc nhiều thỉnh cầu khoan hồng đã bị làm ngơ.
Ông Shaikh, 53 tuổi, đã bị bắt ở vùng Tân Cương của Trung Quốc hồi tháng 9 năm 2007 trong lúc mang theo khoảng 4 kilogram heroin. Ông bị tuyên án tử hình và đơn kháng án của ông cũng bị Tòa án Tối cao Trung Quốc bác bỏ.
Vụ án này đã thu hút sự hỗ trợ của chính phủ Anh và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế – những người đã ra sức can thiệp vì cho rằng ông Shaikh mắc bệnh tâm thần.
Tổ chức Reprieve – một tổ chức ở London tranh đấu cho quyền lợi của tù nhân, đã cung cấp trợ giúp pháp lý cho ông Shaikh. Nữ phát ngôn viên của tổ chức này, bà Catherine O’Shea, nói rằng tin tức trên báo chí đã đưa tới việc xuất hiện nhiều nhân chứng mới, làm chứng cho những hành vi bất bình thường của ông Shaikh.
Bà O’Shea nói: "Nhiều người trong số đó đã thuật lại rằng trong những năm sau này của ông Shaikh, khi ông bị thất cơ lỡ vận, trở thành kẻ không nhà, ông đã đi lang thang trên đường phố và nói sảng. Ông ấy nói là một bản nhạc mà ông đã viết sắp sửa trở thành bản nhạc ăn khách nhất thế giới, và chính vào lúc đó mà ông gặp những tay buôn lậu ma túy. Bọn chúng đã lợi dụng chứng hoang tưởng của ông và nói rằng nếu ông đi theo bọn chúng tới Trung Quốc thì bọn chúng sẽ tổ chức một buổi trình diễn âm nhạc cho ông."
Bà O’Shea nói rằng những nhân chứng đó đã ký tên vào các biên bản mà tổ chức của bà gởi cho đại sứ quán Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không lý gì tới họ.
Trước đây trong năm nay, Tòa án Tối cao Trung Quốc ra phán quyết nói rằng bằng chứng về bệnh tâm thần của ông Shaikh “không đầy đủ”.
Sau vụ hành quyết ông Shaikh, phát ngôn viên Khương Du của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng vụ án này được xử lý theo đúng luật pháp Trung Quốc và những quyền lợi của ông Shaikh đã được bảo vệ.
Bà Khương Du nói thêm rằng Trung Quốc phản đối những phản ứng của Anh quốc đối với vụ hành quyết ông Shaikh và hy vọng rằng việc này không ảnh hưởng tới các mối quan hệ song phương.
Tổ chức Reprieve nói rằng ông Shaikh đã được thẩm định y khoa trong khi bị giam.
Bà O’Shea nói rằng mãi tới sau này ông Shaikh mới biết được là ông sẽ bị xử tử, nhưng lúc đó đã quá trễ. Tổ chức Reprieve đã giúp hai người bà con của ông Shaikh đến thăm ông hồi đầu tuần này. Hai người này thuật lại rằng ông Shaikh vẫn hy vọng là sẽ được đặc xá cho tới khi họ nói với ông là ông sẽ bị xử tử.
Bà Sophie Richardson, Giám đốc bộ phận Á Châu của tổ chức Human Rights Watch ở Washington nói rằng vụ án ông Shaikh khiến nhiều người đặc biệt lo ngại khi họ nghĩ tới việc trong vài năm qua Trung Quốc đã truy tố một số người nước ngoài về tội đánh cắp bí mật quốc gia.
Bà Richardson nói: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang cho thấy rằng thái độ bất chấp các tiêu chuẩn pháp lý mà họ thường có đối với người dân của họ giờ đây đang dần dần được áp dụng cho những người không phải là công dân Trung Quốc."
Bà Richardson nói rằng khó có thể biết một cách đích xác số người bị xử tử ở Trung Quốc là bao nhiêu vì chính phủ ở Bắc Kinh xem đó là bí mật quốc gia.
Tổ chức Reprieve cho biết ông Shaikh có thể là người Châu Âu đầu tiên bị hành quyết ở Trung Quốc trong hơn 50 năm.
<!-- IMAGE -->