Những nhà làm luật tại tỉnh Aceh thuộc Indonesia mới đây đã thông qua một đạo luật áp dụng cách ném đá đến chết đối với những người Hồi giáo phạm tội ngoại tình. Aceh từng được cho phép áp dụng luật Sharia theo một hòa ước với chính phủ quốc gia, để chấm dứt một cuộc xung đột đòi ly khai dai dẳng. Nhưng các luật lệ và sự trừng phạt đó không được thịnh hành và nhiều người cho rằng không thích hợp với luật quốc gia Indonesia.
Thánh đường Hồi giáo tại thủ phủ Banda Aceh là một công trình kiến trúc nổi bật tại tỉnh Aceh. Chính tại đây, mũi cực bắc của Sumatra, các nhà buôn Ả Rập đã đem Hồi giáo tới vùng Đông Nam Á. Và cũng tại nơi này ngày nay, người Hồi giáo bảo thủ tìm cách áp dụng toàn thể bộ luật Sharia.
Thỏa thuận với chính phủ nhằm chấm dứt 3 thập niên xung đột đòi ly khai đã cho Aceh quyền được áp dụng luật Sharia. Chẳng hạn như việc đánh bằng gậy được dùng để phạt những người Hồi giáo bị bắt quả tang cờ bạc rượu chè, và phạt những cặp trai gái chưa cưới mà đã có sinh hoạt tình dục với nhau.
Vào tháng 9, những nhà làm luật đi một bước xa hơn nữa là thông qua một đạo luật trừng phạt những người Hồi giáo ngoại tình bằng hình phạt ném đá đến chết.
Ông Moharriadi Syafari, một thành viên giàu có thuộc Đảng Công lý là một người ủng hộ đạo luật trên. Ông giải thích rằng những người phương Tây khó mà hiểu nổi luật Sharia, nhưng luật ném đá đã được chính người dân Aceh ủng hộ.
Ông nói: “Họ không hiểu tại sao bên Mỹ có án tử hình bằng cách chích thuốc độc và tại Trung Quốc người ta xử bắn. Ném đá là theo lệnh đấng Tiên tri và khi áp dụng luật Sharia dân Hồi giáo được ban phước lành.”
Nhưng bà Eva Zain, giám đốc một tổ chức phi chính phủ tại Aceh nói rằng việc dẫn giải luật Sharia theo kiểu cực đoan không hạp với văn hóa Aceh.
Bà nói: “Họ đặt ra một qui luật theo ý nghĩ của họ, chứ không theo môi trường hiện tại, không theo tâm lý và theo nhu cầu của người dân Aceh.”
Nhiều dư luận phản đối cũng đã nổi lên tại Jakarta, nơi chính phủ trung ương đã kêu gọi duyệt xét lại đạo luật.
Giáo sư Nasaruddin Umar, thuộc Bộ Tôn giáo Quốc gia nói về luật ném đá như sau: “Tại sao ta lại cần luật đó? Thời nay đã khác thời Mohammed rồi, rất khác. Ngay thời kỳ Mohammed cũng chỉ có một vụ việc.”
Những người hỗ trợ đạo luật nói rằng có ít khả năng một người ngọai tình bị ném đá đến chết, nhưng nó cần thiết để ngăn chặn hành động này.
Ông Ibrahim, đứng đầu Hội đồng Ulema Hồi giáo tại Aceh lý giải rằng điều kiện phải có 4 nhân chứng khiến chuyện kết án gần như không thể nào thực hiện được. Theo ông, đạo luật có ác độc thật, nhưng người ta cần nó như một tác dụng răn đe.
Ý kiến dân chúng tại Aceh thì không thống nhất. Cô Ade cho rằng đã theo đạo Hồi thì phải tuân thủ luật này, vì nó có từ thời đấng Tiên tri. Cô không cho rằng luật này là độc ác, vì ngoại tình là một trọng tội.
Ông Anwar thì không chắc chắn như vậy. Ông hiểu rằng theo đạo Hồi thì người ngoại tình phải bị ném đá đến chết, nhưng không nghĩ nó thích hợp với Aceh và Indonesia.
Những người khác lo ngại rằng luật có thể bị áp dụng thiếu công bằng, với những người có quen biết với giới có chức quyền sẽ tránh được hình phạt. Có người sợ rằng nó không được áp dụng đúng với tinh thần Hồi giáo.
Bà Eva Zain, nhà hoạt động nhân quyền theo Hồi giáo nói nếu những tín đồ Hồi giáo như bà lên tiếng chống đối đạo luật, họ sẽ bị gán là người phản giáo. Bà nói rằng những nhà làm luật và những kẻ khác tìm cách lèo lái đạo luật với ý đồ chính trị thay vì chú tâm vào việc phát triển Aceh.
Một số nhà làm luật hậu thuẫn luật ném đá đã bị thất cử và ra khỏi ngành lập pháp hồi tháng Tư. Nhiều người trong tỉnh hy vọng Quốc hội mới sẽ thu hồi hoặc xét lại đạo luật.
Các nhóm luật pháp tại Aceh nói nếu các nhà làm luật không làm nổi việc đó, họ sẽ thách thức đạo luật ném đá lên Tòa án Tối cao.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1