Đường dẫn truy cập

Bà Clinton hứa hẹn chính sách nhân quyền 'thực dụng, linh hoạt'


Bà Clinton hứa hẹn chính sách nhân quyền 'thực dụng, linh hoạt'
Bà Clinton hứa hẹn chính sách nhân quyền 'thực dụng, linh hoạt'
<!-- IMAGE -->

Trong bài diễn văn về chính sách hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama sẽ theo đuổi một chính sách "thực tiễn và linh động" để ủng hộ cho nhân quyền trên toàn thế giới. Bà nói rằng việc theo đuổi một hiệp ước hạt nhân với Iran đồng thời với việc ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ tại nước này là một "hoạt động cân bằng." Từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thông tín viên David Gollust của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Bài diễn văn của Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Đại học Georgetown ở Washington là thông điệp chi tiết nhất về chính sách nhân quyền của chính quyền Obama tính đến thời điểm này. Ngoại trưởng Clinton hứa hẹn thăng tiến nhân quyền trên khắp thế giới bằng các nỗ lực mà bà gọi là "khôn ngoan, có tính chiến lược, có quyết tâm và lâu bền."

Ngoại trưởng Clinton nói rằng cam kết nhân quyền của chính quyền Tổng thống Obama bắt đầu với những tiêu chuẩn phổ quát cùng với việc đòi hỏi mọi nước, kể cả Hoa Kỳ, tuân thủ các tiêu chuẩn này.

Trong khía cạnh này, bà nhắc lại các pháp lệnh hành chánh mà Tổng thống Obama ban hành vào ngày thứ hai sau khi lên nhậm chức để cấm nhân viên chính phủ Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp tra tấn, và ra lệnh đóng cửa trại giam ở Vịnh Guantanamo, Cuba.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải linh hoạt để có được hiệu quả tối đa, Ngoại trưởng Clinton nói rằng có những lúc mà sự chỉ trích công khai là cách tiếp cận tốt nhất trong những trường hợp như vụ đảo chính tại Honduras và vụ đàn áp người biểu tình tại Guinea.

Tuy nhiên, bà Clinton nói rằng biện pháp thương lượng kín đáo, kiên quyết và thẳng thắn dường như có hiệu quả hơn trong nỗ lực thăng tiến nhân quyền tại các nước như Trung Quốc và Nga, tức là các quốc gia mà Hoa Kỳ phải duy trì một nghị trình phức tạp.

Bà Clinton nói: "Tại Trung Quốc, chúng tôi kêu gọi bảo vệ quyền của các sắc dân thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương, bảo vệ quyền tự do diễn đạt ý kiến, và tự do thờ phượng, bảo vệ xã hội dân sự và các tổ chức tôn giáo cổ xúy cho quan điểm của họ trong khuôn khổ của luật pháp. Và chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng không nên truy tố những người cổ xúy ôn hòa cho cải cách trong khuôn khổ của hiến pháp, chẳng hạn như những người ký tên vào Hiến Chương 08. Còn với Nga, chúng tôi cảm thấy tiếc về trường hợp các nhà báo và các nhà tranh đấu bị giết hại, và chúng tôi ủng hộ những người can đảm chấp nhận những rủi ro lớn trong lúc cổ xúy cho dân chủ."

Theo lời Ngoại trưởng Clinton, giả thiết cho rằng Hoa Kỳ phải chọn lựa giữa một bên là cổ xúy cho nhân quyền và một bên là lợi ích quốc gia trong lúc giao tiếp với Trung Quốc và Nga là không đúng, cũng giống như giả thiết cho rằng chỉ có biện pháp ép buộc và cô lập là công cụ hiệu quả để thúc đẩy cho thay đổi dân chủ.

Bà nói rằng đối với Iran, chính quyền của Tổng thống Obama đã đề nghị đàm phán trực tiếp với Tehran về chương trình hạt nhân, và cùng lúc đó Hoa kỳ cũng bày tỏ tình đoàn kết với những người đang tranh đấu cho sự thay đổi dân chủ ở bên trong đất nước này.

Ở phần trả lời các câu hỏi của sinh viên sau bài diễn văn, Ngoại trưởng Clinton đồng ý rằng cách tiếp cận đối với Iran là một "hành động cân bằng", để tìm cáchbảo đảm rằng chính sách của Hoa Kỳ ủng hộ phong trào thân dân chủ không gây phương hại cho tính chính đáng của những người phản kháng.

Bà Clinton nói thêm: "Đây là một trong những thí dụ rất điển hình của một quyết định khó khăn. Sau cuộc bầu cử và phản ứng của dân chúng xảy ra hầu như tức thời khi họ cảm thấy là cuộc bầu cử không trung thực. Diễn biến đó đặt chúng tôi vào chỗ phải cân nhắc thận trọng cách nào là tốt nhất để ủng hộ những người không nề tới nguy hiểm của tính mạng để xuống đường biểu tình. Chúng tôi muốn gởi đi một thông điệp ủng hộ rõ ràng. Tuy nhiên chúng tôi không muốn dư luận chuyển sự chú ý từ sự quan tâm chính đáng sang sự đối kháng với Mỹ, bởi vì chúng tôi không liên hệ trực tiếp với những phản ứng tự phát đã bùng ra trước những hành vi của chính phủ Iran."

Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh đến sự chú trọng của chính quyền Tổng thống Obama vào nỗ lực chống nạn buôn người và những vụ vi phạm nhân quyền ảnh hưởng phần lớn tới phụ nữ. Bà kể lại chuyến đi thăm miền đông nước Cộng hòa Dân chủ Congo hồi tháng 8, nơi mà bà chứng kiến tình trạng bạo động tính dục và giới tính ghê tởm nhắm vào phụ nữ bị thất tán vì chiến tranh ở khu vực đó.

Bà nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama đã đưa vấn đề ngược đãi những người đồng tính luyến ái lên hàng cao hơn trong nghị trình nhân quyền. Bà nêu lên việc Hoa Kỳ đã phản đối mạnh mẽ một dự luật của Uganda, theo đó hoạt động đồng tính luyến ái chẳng những bị xem là phạm pháp mà thậm chí còn có thể bị xử tử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG