Đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại LHQ, bà Susan Rice, nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama tích cực sử dụng chính sách ngoại giao và tạo áp lực để ngăn ngừa nạn diệt chủng và những hành vi tàn ác, đặc biệt là ở châu Phi. Thông tín viên đài VOA Nico Colombant có bài tường trình từ Washington, nơi bà Rice đã phát biểu tại Viện bảo tàng Holocaust.
Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố tại Oslo rằng đôi khi phải sử dụng sức mạnh quân sự để, xây dựng hòa bình, Đại sứ Susan Rice đã nhắc lại sự kiện là Hoa Kỳ đã không có phản ứng gì trong khi nạn diệt chủng xảy ra tại Rwanda năm 1994.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì sự thất bại to lớn nhất là chúng ta đã không thực sự đặt ra câu hỏi ở cấp cao nhất là chúng ta, hay những người khác, phải làm một điều gì trong thời điểm đó bằng cách can thiệp trực tiếp vào vụ việc.
Vào thời điểm hằng trăm ngàn người sắc tộc Tutsi và người Hutus có chủ trương ôn hòa bị những kẻ cực đoan tàn sát, bà Rice là một nhân viên cấp thấp trong chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton.
Giờ đây là một nhà ngoại giao cao cấp, bà Rice nhắc lại phát biểu của Tổng thống Obama nhằm ngăn không cho một thảm kịch như thế xảy ra trong thế kỷ này.
Bà Rice nói: "Tổng thống Obama giải thích rằng việc chủ động giao tiếp và tạo áp lực như vậy quả thực là phương pháp căn bản của chúng ta trong những tình huống phức tạp, mặc dù chúng ta không có những công thức kỳ diệu và không có một mô thức có thể áp dụng cho mọi tình huống."
Phần lớn, những thí dụ bà Rice nêu ra về những mối quan tâm liên quan đến những hành vi tàn ác trên qui mô lớn là tại châu Phi. Bà nói nhiều đến tình hình ở khu vực Darfur ở phía tây Sudan, là nơi bà cho rằng tình hình đã có chuyển biến và những cuộc giao tranh qui mô lớn đã ít đi và mối quan tâm chính của Hoa Kỳ là làm thế nào để các binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc bảo vệ cho thường dân.
Đại sứ Rice nói rằng ở miền đông nước Cộng hòa Dân chủ Congo thì chính phủ Mỹ phải đối phó với tình huống mà bà gọi là những hành động tàn ác không thể chấp nhận được của những chiến binh có liên can đến vụ diệt chủng tại Rwanda và những binh sĩ vô kỷ luật.
Bà Rice cũng cảnh báo về việc những hành vi tàn ác có thể xảy ra tại những nơi khác ở châu Phi, như tại Guinea. Tại thủ đô Conakry, hằng chục người biểu tình đã bị sát hại hồi gần đây trong những vụ biểu tình phản đối các nhà lãnh đạo quân đội có vẻ như càng ngày càng chia rẽ.
Ngay tại những nơi như Guinea, nơi mà tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy những hành động tàn ác kinh hoàng, chúng ta đã can thiệp nhiều, không phải chỉ tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ở New York, mà ngay tại khu vực đó, thông qua đại sứ quán của chúng ta và trong nhiều nỗ lực ngoại giao kín đáo, trong đó có trường hợp đích thân tôi đã can thiệp mới tuần trước đây thôi, để tìm cách giải quyết tình huống đầy biến động có thể dẫn tới chỗ vượt quá tầm kiểm soát.
Nhận định của đại sứ Rice đưa ra trùng hợp với thời điểm đánh dấu một năm ngày Hoa kỳ công bố văn kiện hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách về việc ngăn chặn nạn diệt chủng và những hành vi tàn ác trên qui mô lớn.