Ngày10 tháng 12 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 61 ngày ban hành bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Văn kiện do Liên hiệp quốc soạn thảo ghi rõ 30 quyền mà mỗi một con người được hưởng từ quyền sống cho đến quyền không bị bắt giữ một cách tùy tiện. Một chuyên gia hàng đầu ghi nhận những vấn đề nổi bật nhất trong lãnh vực nhân quyền của năm 2009 như sau:
Tại Iran, các cuộc biểu tình rầm rộ do giới sinh viên dẫn đầu đã diễn ra, với hàng chục ngàn người tham gia các cuộc xuống đường.
Những người biểu tình phản đối cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 với kết quả đương kiêm Tổng thống Ahmad Ahmadinejad đã tái đắc cử mà họ nói rằng do gian lận.
Chính phủ đã tiến hành các cuộc đàn áp tàn bạo, với những phiên tòa xử mang tính cách hình thức, nhiều người bị bắt giữ, và những nhân vật bất đồng bị tuyên các bản án hà khắc.
Iran là một trong những điểm nóng về nhân quyền mà ông Tom Malinowsky thuộc tổ chức cổ xúy cho nhân quyền Human Rigths Watch ở Washington theo dõi.
Tuy nhiên ông nói rằng trong 40 năm qua cũng có những tiến bộ trong lãnh vực này.
Ông Malinowsky nói: “Tôi nghĩ rằng hiện nay người dân trên khắp thế giới đã hiểu biết nhiều hơn là con người có những quyền cơ bản và các quyền đó được trân trọng trong luật pháp quốc gia cũng như quốc tế.”
Tuy nhiên ông nói còn rất nhiều việc cần phải làm, chẳng hạn như ở Afghanistan, chính phủ không bảo vệ được cho phụ nữ khỏi sự hà sách của nhóm Taliban.
Hay tại Nga chẳng hạn, nơi mà các ký giả và các nhà hoạt động cho nhân quyền bị sát hại.
Còn tại Miến Điện, nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân chủ bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 20 năm qua.
Tuy nhiên theo ông Malinowsky vẫn có những tia hy vọng. Chẳng hạn như Tòa Hình sự Quốc tế đã ra trát bắt giam nhà lãnh đạo Sudan, Tổng thống Omar al-Bahir, vì ông bị tố giác phạm tội ác chiến tranh.
Khoảng 300 ngàn người bị thiệt mạng, và hàng triệu người trong vùng Darfur của Sudan phải bỏ nhà đi lánh nạn, vì cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và các nhóm nổi dậy.
Ông Malinowsky nhận định: “Chính bản cáo trạng này là một hình phạt đáng kể. Ông ấy không thể du hành đến nhiều nước trên thế giới, và tôi nghĩ rằng nhiên hậu, số phận của ông nếu không được quyết định bởi cáo trạng này thì nó ảnh hưởng rất nhiều đến ông ấy.”
Ông Malinowsky cho rằng viễn cảnh cũng không có gì là sáng sủa đối với chính phủ hiện nay của Iran. Mặc dù bị đàn áp, phe đối lập vẫn mạnh.
Ông Molinowski nói: “Chế độ độc tài sẽ khó tồn tại lâu dài ở Iran vì nó có rất ít tính chính đáng và ít được sự ủng hộ của quần chúng.
Còn về Hoa Kỳ, ông đã có hy vọng nơi Tổng thống Obama, nhà lãnh đạo đã ra lệnh cấm thẩm vấn tù nhân bằng các biện pháp mạnh.
Ông Malinowsky hy vọng Tổng thống sẽ gây sức ép ngay cả với các nước mà ông hy vọng mở rộng quan hệ như Trung Quốc chẳng hạn.
Năm nay, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát đối với sắc tộc thiểu số Uighur ở miền tây nước này.
Và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Lưu Hiểu Ba vẫn bị cầm tù, một năm sau khi ông bị câu lưu.
<!-- IMAGE -->