Trong lúc thay đổi khí hậu khiến cho việc sản xuất lương thực và các chất liệu cung ứng cho ngành dệt may biến thái nhiều hơn, khả năng đáp ứng của nông gia có thể bị tác dụng ngược vì những rào cản trong việc buôn bán nông phẩm. Thông tín viên Steve Baragona của đài sẽ gửi đến quý vị các chi tiết sau đây.
Khi khí hậu toàn cầu thay đổi, các chuyên gia dự kiến những thay đổi, biến thái trong lượng thu hoạch các vụ mùa sẽ gia tăng. Một số nông gia sẽ được lợi, nhưng nhiều nông gia khác sẽ bị thất thu nặng vì những đợt nắng nóng gay gắt cũng như hạn hán, lụt lội, bão tố v..v.. sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Theo các kinh tế gia thì đường lối hay nhất để cân bằng cung và cầu trong tình trạng biến thiên toàn cầu là qua tự do mậu dịch không hạn chế.
Các kinh tế gia thuộc đại học Oregon đã sử dụng những khuôn mẫu điện toán để nghiên cứu xem điều gì sẽ xảy ra cho tổng sản phẩm nội địa của 21 quốc gia theo một kịch bản khi mà sản lượng hoa màu thay đổi 30%. Hệ quả của một thay đổi lớn lao như vậy sẽ chỉ ở mức khiêm nhường chừng nào mà hàng hóa vẫn được tự do trao đổi giữa nới này với nơi khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác.
Nhưng điều đó lại không phải là chuyện thường xảy ra. Người đứng đầu dự án thử nghiệm này, ông Jeff Reimer, nói rằng chúng ta hãy thử nhìn xem chuyện gì đã xảy ra trong vài năm qua, khi giá lương thực lên cao.
Ông nói: “Nếu quý vị nhìn vào giá cả những tháng đầu năm 2008, có đến 18 nước đã hạn chế xuất khẩu lượng thu hoạch của các vụ mùa để giữ giá thấp cho giới tiêu thụ ở nội địa.”
Theo ông Reimer, hạn chế xuất khẩu để giữ mức giá thấp cho giới tiêu thụ ở một nước sẽ hạ mức cung cho thị trường toàn cầu và do đó, làm tăng giá nông phẩm ở các quốc gia khác. Trong cách thử nghiệm của ông bằng máy điện toán, những chính sách được gọi là “biến láng giềng thành kẻ ăn xin” này gây tác hại nghiêm trọng nhất cho những quốc gia có thu nhập thấp bởi vì những nước này thường phải nhập khẩu lương thực.
Nhưng những quốc gia có thu nhập thấp lại thường có rào cản mậu dịch cao hơn. Những chính sách như vậy có chủ đích bảo vệ lợi tức cho giới nông gia trong nước, nhưng làm như vậy lại khiến cho giới tiêu thụ thiệt thòi vì họ phải trả một giá cao hơn để mua những mặt hàng nhập khẩu.
Kinh tế gia Reimer giải thích: “Bài học căn bản rút ra từ cuộc nghiên cứu này là tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng chung với nhau. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi nếu chúng ta có tự do mậu dịch quốc tế vì như thế chúng ta sẽ có được giá cả ổn định hơn nhiều cho giới tiêu thụ và cho các nhà sản xuất trên khắp thế giới."
Kinh tế gia Jeff Reimer và các đồng nghiệp thuộc đại học Oregon đã cho loan tải kết quả cuộc nghiên cứu trên tờ tạp chí “Agriculture and Resource Economics Review.”