Đường dẫn truy cập

Hội nghị Biến đổi Khí hậu LHQ khai mạc ở Copenhagen


Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc đã khai mạc ở Copenhagen, Đan Mạch hôm thứ Hai. Khoảng 15 nghìn đại biểu và các quan sát viên từ gần 200 quốc gia đang tham dự một sự kiện được coi là cơ hội cuối cùng tốt nhất nhằm đạt thỏa thuận chống lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Thông tín viên Sonja Pace của đài VOA hiện có mặt ở Copenhagen và gửi về bài tường thuật sau.

"Xin nồng nhiệt chào mừng quý vị tới Copenhagen và Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc 2009."

Đó là những lời khai mạc, chào mừng các đại biểu, chuyên gia và các nhà vận động từ khắp nơi trên thế giới tụ họp ở Copenhagen trong vòng hai tuần tới.

Nhiệm vụ của họ là tìm ra một quan điểm chung, trong đó có việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy và chuyển giao công nghệ mới thân thiện với môi trường cũng như các nguồn tài chính cần thiết để thực thi những điều vừa kể, nhất là đối với các quốc gia kém phát triển và nghèo đói. Ngoài ra, hội nghị còn tìm kiếm một tầm nhìn và hợp tác lâu dài trong tương lai.

Giới chức cấp cao về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Yvo de Boer, đã ra một cảnh báo mạnh mẽ rằng thời gian đang cạn dần.

Ông nói: "Thời gian để ra tuyên bố chính thức đã hết. Thời gian để nhắc lại các quan điểm được nhiều người biết đã qua. Đã đến lúc chúng ta phải hướng tới nhau. Tôi kêu gọi quý vị hãy xây dựng từ những thành tựu đã đạt được, bắt tay vào những điều đã được vạch ra và biến nó thành hành động."

Nhiều quốc gia đã đưa ra đề nghị cắt giảm khí thải CO2, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nam Phi.

Đã có những tuyên bố mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo trên thế giới về sự cần thiết phải đạt được thỏa thuận, cho dù vẫn còn các sự khác biệt về thời gian, đường lối, việc chia sẻ gánh nặng và ngân quỹ.

Hội nghị Copenhagen dự kiến sẽ đưa ra một thỏa thuận có tính cách cưỡng hành nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto 1997, vốn bắt buộc cắt giảm khí thải, nhưng một số quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, đã không ký vào Nghị định thư này. Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Nhưng nhiều người nói rằng có phần chắc về mặt chính trị một khung sườn sẽ đạt được tại Copenhagen và một hiệp ước có tính cách cưỡng chế có thể sẽ đạt được vào năm tới.

Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nhắc các phái đoàn rằng bây giờ là lúc phải hành động ngay và mọi người cần phải làm vậy.

Thủ tướng Rasmussen nói: "Tình trạng ấm nóng toàn cầu không có biên giới, không phân biệt ai. Nó ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Chúng ta tập hợp ở đây vì tất cả chúng ta đều cam kết hành động."

Thủ tướng Đan Mạch cũng nói rằng ông tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận. Các đại biểu có hơn một tuần để chứng minh niềm tin của ông là đúng trước khi hơn 100 nguyên thủ quốc gia và những nhà lãnh đạo các chính phủ tới Copenhagen. Ban tổ chức hội nghị hy vọng rằng sẽ có được một thỏa thuận để các nguyên thủ sẵn sàng đặt bút ký.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG