Năm 2003, trong Lời giới thiệu in ở đầu tập thơ Bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng tôi viết: “Ðiều tôi thích nhất ở Trần Tiến Dũng là thái độ làm thơ của anh, một thái độ đầy nhiệt tình, nghiêm túc và rất quyết liệt. Quyết liệt ở ngay cái chỗ khó quyết liệt nhất: với chính bản thân anh. Anh không ngừng thử nghiệm, và để thử nghiệm, anh không ngừng tự phủ định mình. Tôi có cảm tưởng, với anh, làm thơ là dấn thân vào một cuộc phiêu lưu vô tận.
Theo dõi cuộc phiêu lưu ấy, từ mấy năm nay, tôi gặp nhiều sự bất ngờ và luôn luôn cảm thấy thú vị. Thú vị nhất là thấy anh càng ngày càng sâu sắc, càng phức tạp, và nhất là càng tinh nghịch hơn. Sâu sắc và phức tạp? Chúng ta cũng có thể nói như vậy với nhiều người làm thơ khác, thậm chí có người còn hơn anh nữa. Nhưng tinh nghịch? Ở ngoài nước, chúng ta có thể kể đến Ðỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam và Ðinh Linh. Nhưng còn ở trong nước, dường như hiếm hơn nhiều, nhất là tinh nghịch mà không cợt nhả; tinh nghịch mà lại sâu sắc và phức tạp thì lại càng hiếm."
Tính chất tinh nghịch ấy trở thành một điều lạ khi nó xuất hiện trong một không gian dường như lúc nào cũng sẵn sàng huỷ diệt mọi tiếng cười: không gian của “cái hang”, của “cái vũng hụt hơi”, của những cánh “cổng đóng gió”, của những “bầu trời có nắp đậy”, như một số tựa đề thơ của Trần Tiến Dũng. Từ cái cõi chật chội ấy, tiếng cười cất lên, mang âm vang của những rạn vỡ. Trước hết, là rạn vỡ của những luật lệ, kể cả những luật lệ trong thơ; rạn vỡ của các quy ước, kể cả các quy ước về thẩm mỹ; rạn vỡ của những thứ luận lý thông thường, kể cả thứ luận lý vẫn tồn tại từ ngàn đời trong ngữ pháp; cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất, rạn vỡ của những niềm tin, kể cả niềm-tin-phản-niềm-tin của những người được mệnh danh là phản kháng.
Hình như Trần Tiến Dũng không có niềm tin nào khác, ngoài thơ. Dẫu sao, cũng may cho anh. Là, còn thơ.
Nhưng cái gọi là thơ, ở Trần Tiến Dũng, dường như là một cái gì khá bất định. Hôm nay nó thế này; mai, nó có thể khác đi. Ðối diện với một kẻ làm thơ như một phiêu lưu như thế, thú thực, tôi không biết cuối cùng Trần Tiến Dũng sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, bất kể anh đi về đâu, tôi vẫn tin sự lựa chọn của anh là đúng đắn: ngay cả khi anh rơi xuống vực thì con đường phiêu lưu anh đã đi qua cũng là một con đường đẹp. Nó hơi vắng vẻ. Nhưng đẹp. Ðẹp, không chừng, một phần cũng chính vì sự vắng vẻ ấy.
Nói cho cùng, trong văn học, không có gì đáng chán bằng những chỗ đông người: ở đó, người ta thường chỉ thấy rác.”
Từ đó đến nay Trần Tiến Dũng vẫn tiếp tục làm thơ. Không những làm thơ, anh còn viết báo. Nhiều bài báo của anh đăng trên tờ Người Việt tại California cũng như trên đài BBC ở London thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận.
Cách đây vài ngày Trần Tiến Dũng gửi cho tôi bài thơ anh mới sáng tác, nhan đề “Tiếng ho của một người đi về phía bức tường”.
Xin trân trọng chia sẻ cùng quý bạn đọc:
Tiếng ho của một người đi về phía bức tường
Tôi trở về chỉ để nghe giọng của em
giọng một người đàn bà khàn đục
và có lúc hoá thành viên thuốc ho
viên thuốc ho gói trong miếng giấy báo
đó là giọng em
đó là lỗ tai tôi
thật bình thường khi lỗ tai cần uống thuốc
cùng thất lạc vào bóng tối cái ngăn kéo kỷ niệm
tôi trở về nguyên vẹn với người tình
cùng ho, cùng hát và
ước muốn chúng ta sẽ điếc để không nghe bất kỳ ai khác
tôi nghe tiếng em không cần sự sắp xếp
cách nghe của một tổ chim trong bóng tối
mỗi trái tim chỉ còn lại lời độc thoại
hối tiếc bởi những gì đã nói dối với nhau
mọi cuộc chia tay là chuyến đi tàn tật của một cá nhân
và đây một điều thật nhất
khi không còn ngôi nhà ở sau bức tường
tiếng chim vẫn treo bên tai, gió đập vào cửa
và em biết tôi sinh ra chỉ để nghe giọng của em
ngăn kéo ký ức mở ra đưa tới bức tường
tiếng ho của tôi đi về phía bức tường
lời lẽ của đám đông làm chúng ta rùng mình
những điều cũ đang nghe đã rỉ sét
đã biết một thứ dư luận ngớ ngẩn nhất
kẻ nói về tự do và đạo đức kiểu cộng sản
không còn em để thấy anh mất dạy
ho một tràng dài vào bức tường để hy vọng gặp em
không còn em để biết anh cà chớn
ráp lại một câu nói bằng kẹo sing-gum và đứng đó chờ em
chẳng có sự câm lặng nào có thể tìm lại em
chỉ có tiếng hét của một người lúc nào cũng ho là có thể
tiếng ho
cơn sốt
phản ứng này chống chọi bệnh khoẻ mạnh nói dối
chưởi thề
cơn điên
tự vệ này chạy trốn đám đông đã mất cảm xúc tổn thương
này em
anh ước muốn điếc để không nghe bất kỳ ai khác
trước khi gã hớt tóc nhân danh cách mạng làm chảy máu tiếng em từ lỗ tai anh
Trần Tiến Dũng
Đọc nhiều nhất
1