Nhân mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, biên tập viên Avi Arditti của đài VOA đi tìm nguồn gốc của ngày Black Friday. Ngày được người Mỹ gọi là Thứ Sáu Đen, là ngày sau Lễ Tạ Ơn, và cũng đánh dấu ngày khởi đầu của mùa mua sắm vào dịp Lễ Giáng Sinh tại Hoa Kỳ. Mời quý vị theo dõi mẫu đối thoại sau đây giữa biên tập viên Arditti và một chuyên gia nghiên cứu về thần kinh nhưng lại có thêm một sở thích khác là nghiên cứu về ngữ học.
Có thể gọi bà Bonnie Taylor-Blake là một nhà thám tử chuyên tìm tòi nguồn gốc của ngôn ngữ. Thế nhưng công việc của bà không chỉ có thế.
Bà nói: “Trên thực tế tôi là một nhà nghiên cứu thần kinh tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill. Thì giờ rảnh rỗi, tôi thích nghiên cứu và tìm hiểu về ngữ học, lịch sử và các câu chuyện dân gian.”
Arditti: “Thế thì đây là một email mà chúng tôi nhận được. Người gửi đặt câu hỏi: Tôi đã sống ở Hoa Kỳ trong gần 29 năm rồi, mà vẫn chưa hiểu tại sao ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn được gọi là Black Friday, ngày Thứ Sáu Đen? Tôi được biết bà có nghiên cứu về vấn đề này.”
Bà Blake: “Trước hết điều mà tôi muốn nói là người viết email không phải là người duy nhất đặt ra câu hỏi ấy, bởi vì rất nhiều người Mỹ cũng không quen thuộc lắm với cụm từ Thứ Sáu Đen cho tới cách đây một thập niên. Ý nghĩa của chữ đen trong ngày Thứ Sáu Đen có liên hệ tới sổ sách kế toán, khi làm ăn lỗ lã thì trong sổ sách kế toán các con số được viết bằng mực đỏ, đưa đến cụm từ tiếng Anh “in the red”, tức là các số liệu được ghi bằng mực đỏ. Ngược lại, làm ăn sinh lợi, thì gọi là “in the black”, các con số ghi bằng mực đen.”
Arditti: “Như thế đen và đỏ là màu mực được sử dụng trong sổ sách kế toán?
Bà Blake: “Đúng thế. Đó là một lối giải thích thỏa đáng, mặc dù về phương diện lịch sử, nó không được chính xác cho lắm. Theo các cuộc nghiên cứu mà tôi đã thực hiện thì có dấu hiệu cho thấy từ ngữ ấy có thể xuất phát từ những năm cuối của thập niên 1950, hay những năm đầu của thập niên 1960, và rất có thể nó được sử dụng một cách tiêu cực, hoặc ít ra có tính diễu cợt khi nói đến ngày sau Lễ Tạ Ơn. Số là chuyện xảy ra ở Philadelphia... ”
Arditti: “Thành phố Philadelphia của bang Pennsylvania?"
Bà Blake: “Đúng thế! Người ta đề cập đến ngày sau Lễ Tạ Ơn như một ngày của tai họa và chắc chắn sẽ mang lại nhiều bực dọc, khi trung tâm thành phố Philadelphia hoàn toàn bị tràn ngập bởi những đám đông đi mua sắm cho mùa Giáng Sinh sắp tới. Chúng tôi tin rằng lực lượng cảnh sát và các nhân viên công lực đã dùng từ Đen như một tiếng lóng để mô tả ngày ấy, bởi vì họ sẽ phải đối phó với nạn ùn tắc giao thông, và những khách hàng cáu kỉnh chen chúc nhau bên lề đường. Đối với cảnh sát thì ngày này chỉ làm cho họ đau đầu, hệt như những nhân viên phải đi làm vì yêu cầu của công việc, như các tài xế taxi hay tài xế xe buýt chẳng hạn”.
Arditti: “Thế thì không phải các chủ tiệm đã dùng chữ Đen để nói về lợi tức thu vào trong ngày thứ sáu ấy như chúng ta tưởng à?
Bà Blake: “Tôi có cảm tưởng rằng các chủ tiệm đã nghe nhiều người dùng cụm từ Thứ Sáu Đen với ý diễu cợt, cho nên theo tôi họ có thể lo sợ là cụm từ Thứ Sáu Đen sẽ khiến giới tiêu thụ tránh xuống phố để mua sắm. Do đó đây là một cố gắng của các nhà bán lẻ để thuyết phục công chúng rằng chữ đen được dùng, thực sự nói đến một ngày làm ăn phát đạt đối với giới con buôn. Và thế là chúng ta lại trở lại với nghĩa cũ của chữ đen, hiểu theo lối sổ sách kế toán.”
Arditti: “Thật là vừa tiện lại vừa lợi!"
Bà Blake: "Đúng rồi, nhưng có một khúc mắc đối với lý thuyết đó, trước hết, rõ ràng lời giải thích về ý nghĩa Ngày Thứ Sáu Đen đó, đã đến sau tới khoảng 15 năm kể từ khi cảnh sát bắt đầu dùng từ này để chỉ ngày sau Lễ Tạ Ơn. Một vấn đề khác là một tai họa về tài chính rất lớn đã xảy ra trong lịch sử Mỹ. Tôi nghĩ là vào khoảng năm 1869, lúc đó thị trường vàng hoàn toàn sụp đổ và ngày hôm đó được nhắc đến như ngày Thứ Sáu Đen.
Bà nói tiếp: "Vậy thì tại sao các thương gia bỗng dưng lại chấp nhận một cách vui vẻ cụm từ Thứ Sáu Đen khi mà thực sự nó có một ý nghĩa rộng hơn trong lịch sử nước Mỹ, để chỉ một sự thất bại hoàn toàn của kinh tế nhỉ?"
Arditti: "À, mà bà biết là giờ đây lại có một ý nghĩa nữa được gán cho ngày Thứ Sáu Đen, bà có biết tôi đang nói đến chuyện gì không?"
Bà Blake: "Đó là ngày buôn may bán đắt nhất trong năm chứ gì?"
Arditti: "Đúng vậy."
Bà Blake: "Thật không may, tôi thực sự không biết hết được các dữ liệu về vấn đề này, nhưng tôi biết một trang web có tên là snopes.com của David và Barbara Mikkelson đã nghiên cứu rất nhiều về vấn đề đó và đã nói đến khá nhiều rồi. Chắc hẳn đó là một ngày có nhiều lời lãi rồi, nhưng nó không nằm trong 5 cụm hay gây thắc mắc nhất đâu."
Arditti: "Thế cô còn cụm từ nào muốn nói đến nữa hay không?"
Bà Blake: "Ồ, một cụm từ nữa gây bối rối cho các nhà ngữ học, chứ đừng nói gì đến một người nghiên cứu ngữ học nghiệp dư như tôi, đó là ‘the whole nine yards’ tạm dịch là đủ hết mọi thứ. Chẳng hạn như nếu chúng ta chuẩn bị để lên đường đi xa và sửa soạn hành lý, và đã có một danh sách những thứ cần thiết, và muốn chắc chắn là đã ‘có đủ hết’ những gì cần cho chuyến đi thì chúng ta dùng cụm từ ‘the whole nine yards.’"
Arditti: "Xong rồi giờ thì bà sẽ làm gì vào Lễ Tạ Ơn đây?"
Bà Blake: "Chúng tôi sẽ đến nhà chị tôi ở thành phố Cary, trong bang North Carolina và ăn bữa tối theo truyền thống vào ngày Lễ Tạ Ơn ở nhà chị ấy."
Arditti: "Ồ một con gà tây lớn và đủ mọi thứ kèm theo phải không?"
Bà Blake: "Đúng vậy, đủ hết mọi thứ, the whole nine yards."
Đọc nhiều nhất
1