Đường dẫn truy cập

Căng thẳng leo thang giữa Thái Lan, Kampuchea


Căng thẳng giữa hai lân quốc ở Đông nam châu Á là Thái Lan và Kampuchea đang tăng cao sau khi nhà lãnh đạo Kampuchea bổ nhiệm một cựu thủ tướng Thái Lan bỏ trốn khỏi nước làm cố vấn. Cả hai nước đã triệu hồi đại sứ của nhau và đổ cho nhau là can thiệp và nội bộ của nước mình. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết về vụ tranh chấp mới nhất trong mối bang giao căng thẳng, trong bài tường thuật sau đây.

Các chuyên gia phân tích chính trị khu vực cho rằng bang giao giữa Bangkok và Phnom Penh đang ở mức tệ hại nhất từ nhiều năm nay.

Hôm nay, Kampuchea đã triệu hồi đại sứ ở Thái Lan, để trả đũa việc Bangkok rút đại sứ Thái về nước ngày hôm trước. Hành động của Thái Lan diễn ra sau khi chính phủ Kampuchea bổ nhiệm cựu thủ tướng Thái Lan đang bỏ trốn, ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn kinh tế.

Bộ Ngoại giao Thái Lan gọi vụ bổ nhiệm này là một sự can thiệp vào nội bộ và không tôn trọng hệ thống pháp lý của Thái Lan.

Ông Thani Thonthongpakdi là một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan. Ông nói rằng bang giao Thái-Kampuchea đã bị thử thách từ hơn một năm nay, và căng thẳng đang gia tăng.

Ông Thani nói: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải gửi một tín hiệu mạnh cho Kampuchea có liên quan đến hành động mới đây của họ. Tôi nghĩ rằng với mức độ ảnh hưởng tới bang giao song phương, chúng tôi sẽ phải chờ xem phản ứng từ phía Kampuchea ra sao.”

Thái Lan cho biết đang duyệt lại tất cả các hiệp định và các dự án hợp tác hiện hữu với Kampuchea.

Ông Thani nói rằng có nhiều phần chắc nhất chính phủ sẽ bãi bỏ hoặc cắt giảm các dự án nếu như việc bổ nhiệm ông Thaksin vẫn được xúc tiến.

Ông Koy Kuong, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Kampuchea, nói rằng bất kể những lời phản đối của Kampuchea, chính phủ sẽ xúc tiến việc bổ nhiệm ông Thaksin. Ông nói chính phủ Thái Lan đang can thiệp vào nội bộ Kampuchea qua việc phản đối sự bổ nhiệm này.

Ông Kuong nói: “Chính phủ Kampuchea không có ý định làm cho quan hệ giữa hai nước xấu thêm qua việc bổ nhiệm ông Thaksin làm cố vấn kinh tế cho chính phủ. Đó chỉ là phía Thái Lan nhìn sự kiện này một cách khác mà thôi.”

Ông Koy Kuong nói Kampuchea coi những lời cáo buộc đối với cựu thủ tướng Thái là có động cơ chính trị.

Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính của quân đội năm 2006 và đã bỏ trốn khỏi Thái Lan hồi năm ngoái để tránh bị án tù về tội tham nhũng.

Nhà cựu lãnh đạo này vẫn còn được lòng giới nghèo và dân ở vùng nông thôn Thái nhờ các dự án an sinh xã hội của ông.

Lập luận vừa kể thêm vào các căng thẳng vốn đang gia tăng về một vụ tranh chấp khu vực biên giới, nơi vẫn bùng ra ra những cuộc giao tranh lẻ tẻ.

Bà Puangtong Pawakapan là một giáo sư môn chính trị học tại trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Bà nói rằng việc Kampuchea bổ nhiệm ông Thaksin là để trả đũa cho việc Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva tranh chấp vấn đề liệt kê một ngôi đền ở biên giới như một di sản thế giới. Ngôi đền này nằm ở địa phận Kampuchea, nhưng Thái Lan nắm quyền kiểm soát vùng đất xung quanh ngôi đền ấy.

Bà Puangtong nói: “Tôi không cho rằng việc ông Hun Sen mời ông Thaksin làm cố vấn bởi vì ông thực sự cần sự cố vấn của ông Thaksin về những vấn đề kinh tế. Tôi nghĩ đó là một vấn đề chính trị và là một sự trả đũa về tình cảm của ông Hun Sen đối với chính phủ của ông Abhisit.”

Đại sứ của Thái Lan đã bị triệu hồi lần trước vào năm 2003 khi những kẻ gây bạo động đốt đại sứ quán Thái Lan ở Phnom Penh sau khi một nữ diễn viên Thái Lan nêu nghi vấn về chủ quyền Thái Lan đối với ngôi đền ở biên giới.

Mặc dù đã xảy ra vụ triệu hồi các đại sứ, cả Thái Lan và Kampuchea đều nói rằng giao dịch bình thường và quan hệ du hành sẽ không bị ảnh hưởng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG