Một cựu học viên đã đâm dao điên cuồng tại một trường dạy nghề ở miền đông Trung Quốc, giết chết tám người và làm bị thương 17 người, cảnh sát cho biết hôm 17/11, khiến nhiều người càng đặt dấu hỏi điều gì đang xảy ra chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu nhất ở nước này trong một thập kỷ ở Chu Hải.
Vụ tấn công bằng dao hôm 16/11 xảy ra tại Trường dạy Nghề Nghệ thuật và Công nghệ Vô Tích ở Nghi Hưng, vốn thuộc thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Nghi phạm, nam thanh niên 21 tuổi, đã bị bắt tại hiện trường và nhận tội, công an Trung Quốc cho biết.
Các vụ tàn sát này đã kích hoạt những lời bàn tán hiếm hoi và bị kiểm duyệt gắt gao trên mạng về sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc, tình trạng stress nặng nề hơn khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại và liệu có phải giới trẻ đang có cuộc sống tệ hơn các thế hệ đi trước vốn được hưởng lợi từ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc hay không.
Ít nhất sáu vụ tấn công bằng dao nổi trội khác đã được ghi nhận trong năm nay trên khắp Trung Quốc.
Công an ở Vô Tích cho biết nghi phạm đâm dao đã tức giận vì không nhận được chứng chỉ tốt nghiệp, thi rớt và không được trả tiền.
“Theo điều tra điều tra ban đầu, nghi phạm... đã tấn công những người khác sau khi thi trượt và không nhận được chứng chỉ tốt nghiệp, cũng như bất mãn với tiền công thực tập”, Sở Công an Nghi Hưng ra tuyên bố cho biết.
Tại trường hôm 17/11, một nhân chứng của Reuters đã chứng kiến các học viên xách va li rời đi, mặc dù một học viên, người không muốn nêu tên, cho biết các lớp học vẫn diễn ra.
“Họ chỉ là những cô, cậu 18, 19 tuổi. Thật đáng tiếc và rất buồn,” một người đàn ông đến đặt một bó hoa cúc gần cổng trường, nói với Reuters mà chỉ cho biết họ chứ không nói tên.
“Chúng ta thực sự phải giúp cho giới trẻ có được sự tư vấn tâm lý tốt hơn,” ông nói thêm.
Cơ quan an ninh nhanh chóng đem bó hoa đi.
Nghi phạm ở Chu Hải được cho là tức giận với các điều khoản trong thỏa thuận ly hôn, công an sở tại cho biết.
Ông Khúc Vị Quốc, giáo sư Đại học Phúc Đán, cho biết các trường hợp ‘trả thù xã hội bừa bãi’ gần đây ở Trung Quốc có một số đặc điểm chung: nghi phạm là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người có vấn đề về tâm thần, tin rằng họ đã bị đối xử bất công và cảm thấy họ không có cách nào khác để được lắng nghe.
“Điều quan trọng là phải tạo ra lưới an toàn xã hội và cơ chế tư vấn tâm lý, nhưng để giảm thiểu những trường hợp như vậy, cách hiệu quả nhất là mở các kênh công cộng có thể giám sát và phơi bày việc sử dụng quyền lực,” Giáo sư Khúc viết trên xã hội Weibo của Trung Quốc.
Bài viết ngắn đã bị các nhà kiểm duyệt Trung Quốc gỡ bỏ vào chiều ngày 17/11.
Trường dạy nghề Vô Tích mở các khóa học để đào tạo học viên làm việc trong các ngành công nghiệp bao gồm sản xuất dây và cáp, thiết kế nội thất, tiếp thị và các lĩnh vực khác, trang web của trường cho biết.
Trường cao đẳng nghề này và những trường khác tương tự nằm trong nỗ lực định hướng nhiều người trẻ hơn nữa đi theo những ngành nghề cụ thể thay vì vào các trường đại học mà nhiều người đổ xô tới trong lúc tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ gia tăng.
Các chủ đề thảo luận thịnh hành trên mạng ở Trung Quốc trong năm qua đã tập trung việc người dân ngày càng ít lạc quan về biến chuyển trong việc làm, thu nhập và cơ hội. Một trong những chủ đề này – ‘Thời kỳ rác rưởi trong lịch sử’ – đã bùng nổ vào mùa hè như là ngụ ý cho tình trạng tuyệt vọng kinh tế.
Trong những tuần gần đây, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích để phục hồi kinh tế. Vụ tấn công bằng xe hơi hôm 18/11 cũng khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải can thiệp và ông đã kêu gọi công an sở tại ‘tăng cường kiểm soát nguy cơ’ bằng cách xác định những người có nguy cơ nổi điên với người khác.
Diễn đàn