Đường dẫn truy cập

Viết từ kí ức...


Sinh năm 1958 tại Hà nội.
Hiện dạy học tại Hà nội.


Cách đây 4 tháng tôi tình cờ vào voanews và biết đến blogs của các tác giả Việt. Tôi yêu văn chương, không thích lời tiếng qua lại nên cảm thấy gần gũi hơn cả với blog của nhà văn NXH. Thỉnh thoảng tôi có viết đôi câu nhận xét, rồi bỗng có ý định chia sẻ. Lần tìm được địa chỉ, tôi viết thư gửi NXH và muốn đóng góp.

Tôi không phải nhà văn, và cũng chưa bao giờ viết cho ai đọc. Nếu có dở, xin được lượng thứ.

Viết từ kí ức...

Ngày xưa có cánh diều chao hững hờ
Vi vút sau rặng tre
Ngày xưa có cánh cò bay la đà
Chập chờn trên đồng lúa...


Lần đầu tiên khi nghe bài hát này tôi đang ở đâu, đang làm gì... Không nhớ, chỉ biết là lâu lắm rồi, và mỗi khi giai điệu ‘Ngày xưa ơi...“ vút lên, tôi bỗng thấy mình nhỏ bé lại đến nao lòng, tâm trí lãng đãng trôi về xa...

***
Có phải những gì mà tôi nhớ được về tuổi thơ của tôi đều bắt đầu từ buổi tối hôm đó không?

Sau bữa cơm, tôi không thấy mẹ tôi nhanh nhẹn đứng lên lau dọn chén bát như mọi bữa. Tôi cũng không thấy bố tôi khiêng hai chiếc đòn và tấm phản nhỏ kê ra ngoài sân, nơi mà chỉ một chốc nữa thôi bọn trẻ con hàng xóm sẽ xúm đông xúm đỏ, cãi nhau chí chóe để dành những chỗ ngồi gần bố tôi nhất... Chúng đến nghe bố tôi kể chuyện. Cứ tối đến là chiếc sân đất nhỏ trước ngôi nhà tập thể lợp lá mía của bố mẹ tôi trở thành nơi tụ tập của trẻ con cả khu. Đôi khi có cả một số người lớn cũng xách ghế ở nhà mình đến, ngồi xa xa một chút. Họ không đến để nghe chuyện, vì tôi thấy họ chỉ ngồi ngắm bọn trẻ, và thỉnh thoảng quay sang rì rầm với nhau.

Tôi không còn nhớ những câu chuyện bố đã kể. Chỉ biết khi bố tôi cất lời, bọn trẻ bỗng nín phắc, như bị thôi miên. Hàng đêm bố tôi kể, và hàng đêm bọn trẻ nghếch mặt nghe. Đôi khi mẹ tôi kiếm đâu ra vài lon ngô. Mẹ nhóm bếp, bắc chảo, đổ cát mịn vào, rồi đổ ngô vào rang. Những hạt ngô bắt nóng, bung ra những cánh hoa trắng. Chờ bố kể dứt lời, mẹ đổ ngô ra đĩa, bê ra chia cho bọn trẻ. Ngồi trong lòng bố tôi hãnh diện nhìn quanh, nghe tiếng xuýt xoa, tiếng nhai ngô giòn tan và tiếng cười đùa vang vọng. Hình như mẹ tôi không ăn bao giờ. Đến nay tôi vẫn như nhìn thấy mẹ ngồi trên chiếc ghế nhỏ bên cửa ra vào, nhìn bố và chúng tôi. Trông mẹ rất hạnh phúc.

Nhưng buổi tối hôm đó không như những tối nào. Bố mẹ tôi ngồi im lặng, đối diện qua chiếc bàn nhỏ còn nguyên mâm bát, ngọn đèn dầu cháy leo lét ở giữa. Tay mẹ vuốt mãi mái tóc bum bê của tôi, nhưng mắt mẹ không nhìn tôi. Tôi thấy như trong mắt mẹ có ngấn nước. Rồi bố nói. Tôi nghe chữ ‘chiến tranh’ và ‘sơ tán’ nhiều lần, nhưng không hiểu gì cả, chỉ cảm thấy lờ mờ rằng những chữ đó là nguyên nhân nỗi buồn của mẹ, sự căng thẳng của bố, và sự trống trải của chiếc sân trước nhà. Đêm đó không có đứa trẻ nào đến.

Rồi cũng đến cái ngày bọn trẻ chúng tôi xa cha mẹ, rời thành phố sơ tán về vùng nông thôn để tránh bom đạn. Đi trên cùng chuyến xe với hai anh em tôi còn có nhiều đứa nữa, đều là bọn trẻ trong khu tập thể. Xe lăn bánh vào một buổi sáng mùa đông. Tôi không nhớ cảm giác lạnh, và tôi cũng không nhớ bầu trời hôm đó có nặng trĩu những đám mây màu xám buồn hay không. Nhưng tôi nhớ hình ảnh mẹ tôi trong chiếc áo bông màu xanh thẫm. Mẹ chạy theo nắm cánh tay tôi thò ra ngoài, nước mắt lăn dài, dặn dò tôi những gì mà quả thật chỉ mươi phút sau tôi đã quên khuấy mất, hay tôi chưa bao giờ nhớ? Tôi đang háo hức với chuyến đi, lòng chẳng thấy buồn tí nào, và không hiểu sao mẹ lại khóc. Xe chạy một hồi, sực tỉnh ngoái đầu lại, tôi không nhìn thấy mẹ nữa...

Ngày đó nếu tôi biết rằng chuyến đi đó là dấu chấm hết cho những ngày tuổi thơ hạnh phúc được sum vầy bên bố mẹ và anh tôi, nếu tôi biết rằng những đêm trăng sáng ngồi chen chúc với bọn trẻ hàng xóm nghe bố tôi kể chuyện sẽ mãi mãi trở thành dĩ vãng, thì tôi đã... Tôi đã sao đây? Liệu tôi có xử sự khác đi được không?

Ngày đó tôi lên 6, nào đã biết gì!

***

Tôi cùng với bọn trẻ về ở trong một ngôi làng nhỏ ven sông Hồng, đi học cùng những đứa trẻ quê. Cái miền quê nghèo thuộc vùng Sơn tây đó sau này mãi trở thành một kỉ niệm thân thương vô cùng của đời tôi.

Đã lâu quá rồi. Dù muốn lắm, tôi vẫn không nhớ nổi bất kì ai trong số bạn học năm đầu tiên ở nơi sơ tán đó. Tôi cũng không nhớ được tên cô giáo của tôi. Nhưng hình ảnh bà lão mù sống một mình trong chiếc lều nhỏ dưới bụi tre cạnh lớp học lại luôn hiện về trong trí nhớ tôi. Vì sao trong muôn vàn con người mà tôi bắt gặp năm đầu tiên xa nhà đó, tôi chỉ nhớ được một người mà tôi chẳng hề có một sợi dây liên hệ nào, thậm chí không cả một lời nói qua lại? Có quá nhiều câu hỏi mà tôi không thể trả lời.

Bà lão chắc phải già lắm rồi. Trước đó tôi chưa bao giờ thấy một người nào nhăn nheo như thế. Thường tôi chỉ nhìn thấy bà vào lúc chúng tôi ra chơi. Bà ngồi trên một chiếc đòn thấp nhỏ, kê sát cánh cửa lều, hai bàn tay úp lên đầu gối, khuôn mặt hướng lên trời. Tôi ngạc nhiên lắm vì hình như tôi không bao giờ thấy bà thay đổi tư thế ngồi. Bà cứ ngồi vậy, bất động, xa vắng, lãng quên xung quanh...Vốn hiếu động, vậy mà mỗi khi đang cười đùa. mắt tôi vô tình chạm vào cái dáng ngồi nhẫn nại của bà là lòng tôi bỗng chùng xuống. Tôi không bao giờ dám lại gần bà. Tôi sợ bà, hay tôi sợ căn lều tối, bí ẩn sau lưng bà? Không bao giờ tôi thấy bà ăn, hay uống một thứ gì. Không bao giờ tôi thấy bà cười, hay nghe bà nói. Tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy một ai bước vào căn lều của bà. Và tôi cứ thắc mắc mãi, sao không có ai ở với bà? Một bữa tôi đem thắc mắc đó hỏi cô giáo. Cô nói rằng bà có một anh con trai, đã hi sinh trong chiến trường từ những ngày đầu chiến tranh.

Một lần bị sự tò mò xúi giục, tôi thu hết can đảm rón rén đến bên bà. Tôi nhất quyết muốn biết cái gì trên cao kia thu hút bà ngày này sang ngày khác. Tôi biết bà bị mù thì đâu nhìn thấy gì, ngước mắt lên hay cúi nhìn xuống thì đâu có gì khác nhau? Sao bà chỉ nhìn lên, và nhìn về một hướng? Tôi quỳ mỏi gối, cố mãi, cố mãi vẫn chỉ nhìn thấy một bầu trời xanh, những đám mây trắng, và những ngọn tre đung đưa... những thứ mà ở đâu nơi làng quê này mà chẳng có.

Một sáng đến lớp tôi thấy lố nhố nhiều người. Cô giáo tôi cho cả lớp nghỉ vì “đêm qua bà lão mù đã chết.”

Những ngày sau đến lớp, giờ ra chơi tôi không muốn nhảy dây nữa. Tôi hay lần ra phía hè sau của lớp học, đứng nhìn về phía túp lều cô độc cuối sân, dưới khóm tre già. Và một lần... một lần... tôi lại nhìn thấy bà lão ngồi đó, trên một chiếc đòn thấp nhỏ, kê sát cánh cửa lều, hai bàn tay úp lên đầu gối, khuôn mặt hướng lên trời. Nhưng lần này, tôi nhìn thấy rõ ràng một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt nhăn nheo của bà.

Tôi kể điều này với mấy đứa cùng lớp nhưng không đứa nào tin, kể cả cô giáo tôi.

Nhưng tôi thì tôi tin. Tôi tin chắc rằng tôi đã nhìn thấy bà đang mỉm cười!

Hà nội 20 tháng 10 năm 2009

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG