Lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đang bị giam cầm đã được phép thực hiện một cuộc gặp gỡ hiếm có với các nhà ngoại giao Tây phương để thảo luận về những biện pháp chế tài Miến Điện. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.
Giới hữu trách Miến Điện hôm nay đã để cho bà Suu Kyi được gặp các nhà ngoại giao Australia, Anh, và Hoa Kỳ.
Lãnh tụ phong trào dân chủ Miến Điện được phép rời khỏi tư thất để thực hiện cuộc gặp gỡ hiếm có này tại một nhà khách chính phủ. Cuộc họp đã kéo dài chừng một giờ đồng hồ.
Ông Nyan Win là luật sư của bà Suu Kyi và là phát ngôn viên của đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà. Ông cho biết rằng bà Suu Kyi và các nhà ngoại giao đã thảo luận chi tiết về những biện pháp chế tài áp đặt lên chính quyền quân nhân Miến Điện.
Ông Nyan Win nói: "Bà ấy cần biết rõ những dữ liệu và sự kiện liên quan tới các biện pháp chế tài. Và bà ấy đã hỏi các nhà ngoại giao về việc đó. Và các nhà ngoại giao đã trả lời là họ sẽ làm hết khả năng để thỏa mãn những đòi hỏi của bà về vấn đề chế tài."
Ông Nyan Win cho hay các nhà ngoại giao cũng đã gặp gỡ những nhân vật lãnh đạo của Liên minh Dân chủ Toàn quốc tại trụ sở chính của đảng này ở Rangoon để trình bày với họ về cuộc thảo luận với bà Suu Kyi.
Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu đã áp đặt các biện pháp chế tài Miến Điện sau khi chính quyền quân nhân của nước này làm ngơ trước thắng lợi áp đảo của Liên minh Dân chủ Toàn quốc trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990.
Trong quá khứ, bà Suu Kyi ủng hộ việc chế tài như một cách gây sức ép lên chính quyền quân nhân.
Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua, bà đã viết một lá thư cho Tướng Than Shwe, người đứng đầu tập đoàn tướng lãnh cầm quyền, trong đó bà nói rằng bà sẵn sàng làm việc chung với ông Than Shwe để làm cho các biện pháp chế tài được thu hồi.
Trong tuần vừa qua, bà Suu Kyi cũng đã họp hai lần với vị bộ trưởng phụ trách việc liên lạc giữa chính quyền với bà.
Chính phủ Hoa Kỳ mới đây đã thay đổi chính sách Miến Điện và bắt đầu chủ động tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Miến Điện.
Tuy nhiên, Washington nói rằng cần phải tiếp tục chế tài cho tới khi Miến Điện thực hiện những biện pháp tiến tới dân chủ và trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, kể cả bà Aung San Suu Kyi.
Người phụ nữ đoạt giải Nobel hòa bình này đã bị giam giữ tổng cộng 14 năm trong 20 năm qua. Bên cạnh đó, Miến Điện cũng giam cầm hơn 2 ngàn tù nhân chính trị, bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế.
Tuần trước, một tòa án Miến Điện đã bác đơn kháng án của bà Suu Kyi, chống lại bản án triển hạn lệnh giam lỏng bà thêm 18 tháng.
Luật sư Nyan Win cho biết bà Suu Kyi dự trù nộp đơn kháng án lên Tối cao Pháp viện vào tuần sau.
Đọc nhiều nhất
1