Hôm thứ tư, trong khuôn khổ chương trình trao đổi văn hóa, Trung tâm Kennedy ở thủ đô Washington đã tổ chức một buổi trình diễn múa với các nghệ sĩ diễn viên của một số nước. Phần trình diễn của các vũ công Việt Nam đã được nhiệt liệt tán thưởng. Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên Tấn Chương trong ban Việt ngữ đài VOA, các diễn viên múa của Việt Nam nói rằng chương trình này thực sự là một hoạt động trao đổi văn hóa rất bổ ích và có ý nghĩa.
Sau gần hai tuần cật lực tham gia các buổi học về bộ môn múa hiện đại, các diễn viên múa đến từ nhiều quốc gia trong chương trình giao lưu văn hóa do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức đã có một buổi trình diễn trước các quan khách ở Trung tâm biểu diễn nghệ thuật John F. Kennedy ở thủ đô Washington sáng thứ Tư vừa qua.
Phần biểu diễn xuất sắc của hai diễn viên múa đến từ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã được quan khách nhiệt liệt tán thưởng.
Nữ diễn viên Mai Thị Như Quỳnh tỏ ra rất cảm khích đối với chương trình giao lưu văn hóa này:
"Qua chương trình này tụi em học được những trường phái múa hiện đại khác nhau, học thêm được nhiều kỹ thuật, những chuyển động không gian, và cách biểu diễn của các nghệ sĩ ở Mỹ."
Nam diễn viên Phạm Văn Đức bày tỏ cảm nghĩ rằng:
"Chương trình này rất bổ ích, trước hết là cho những người làm chuyên môn về nghệ thuật múa. Đặc biệt đối với tụi em đang theo môn múa balê và chưa được tiếp cận với môn múa hiện đại và múa đương đại. Đây là một cơ hội lớn để tụi em được học."
Ông Phạm Công, một thông dịch viên tiếng Việt của chương trình này giải thích thêm về các môn múa đương đại:
"Chương trình 'modern dance' tức là múa hiện đại. Nhưng đồng thời nó còn có một tên gọi khác là 'múa đương đại' (contemporary dance). Thực sự múa hiện đại là một trào lưu hơn là một môn múa. Họ tách rời khỏi múa balê, là vì balê là một khuôn khổ nhất định mà họ phải theo. Một số người muốn có những sự diễn tả riêng bằng các vận động cơ thể, nhưng múa balê không cho phép, do đó họ mới sáng tác ra những cử động của cơ thể để diễn tả nội tâm và tình cảm của họ, và ban đầu được gọi là modern dance. Những người theo phái cổ điển rất chống modern dance. Thực sự modern dance là một trào lưu từ đầu thế kỷ 20. Khoảng những năm 1910, 1920, 1930, có rất nhiều người, như ông Paul Taylor, Merce Cunningham, bà Martha Graham là những người tiên khởi về kỹ thuật modern dance. Nhưng hiện nay có một cái tên mới dành cho bất cứ những cái gì đương đại thì cũng đồng nghĩa với modern dance, nhưng đó là một hình thức biểu diễn thay vì là một trào lưu."
Ông Leonard Korycki, giám đốc Văn phòng Trao đổi Công dân, thuộc Vụ Giáo dục và Văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng các hoạt động trao đổi văn hóa này giúp mở rộng sự hiểu biết giữa các quốc gia. Ông nói:
"Tôi hy vọng khi về nước, các diễn viên này sẽ hiểu biết thêm về nước Mỹ nhiều hơn so với khi họ mới đặt chân đến đây. Chúng tôi hy vọng họ cũng chia sẻ những kỹ thuật và nghệ thuật của họ với các bạn Mỹ. Các bạn Mỹ đã học hỏi nhiều ở họ. Và hy vọng rằng đây là những bước khởi đầu của một sự kết nối lâu dài giữa các diễn viên này cũng như đất nước của họ với Hoa Kỳ. Mục tiêu chung của chương trình này là để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Và đó cũng chính là một nhiệm vụ của cơ quan Giáo dục và Văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ."
Đọc nhiều nhất
1