Các nước đăng cai Thế vận hội ngày nay thường chứng tỏ cho thế giới thấy quốc gia của họ rất phát triển về kinh tế, có nhiều kinh nghiệm về tổ chức và có thành tích cao trong thể thao. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Tấn Chương của đài VOA, học giả Đỗ Thông Minh ở Nhật Bản nói rằng ngoài ra những nỗ lực đó còn đánh dấu một sự phục hưng toàn diện hoặc chứng tỏ đất nước đó vừa vươn lên một tầm cao mới.
Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên chuyện Trung Quốc đã dùng Olympic Bắc Kinh 2008 để giới thiệu đất nước của họ cho thế giới sau hơn ba thập niên cải cách. Nam Triều Tiên cũng có một cơ hội đánh dấu tương tự bằng Olympic Seoul 1988.
Theo học giả Đỗ Thông Minh, một người Việt sinh sống lâu năm tại Tokyo, thì Nhật Bản đã dùng sự kiện đăng cai Olympic 1964 để đánh dấu sự phục hưng toàn diện của đất nước này sau chiến tranh.
"Tokyo tổ chức Thế vận hội lần đầu tiên vào năm 1964, đúng 20 năm sau kể từ lúc chấm dứt chiến tranh vào năm 1945. Và thông thường như chúng ta thấy một số quốc gia đứng ra tổ chức Olympic thì đó cũng là một dấu mốc đánh dấu sự phát triển toàn diện của họ, và nước Nhật vào năm đó cũng xem như là một sự phục hưng toàn diện."
50 năm sau Nhật Bản lại mong muốn mang Olympic về thủ đô của họ một lần nữa. Tuy nhiên lần này họ đối diện với những thách thức khác. Ông Đỗ Thông Minh nói rằng chính công chúng Nhật lại khá thờ ơ đối với nỗ lực này, và đó là một yếu tố bất lợi.
"Cách đây vài tháng, Ủy ban Olympic Quốc tế, tức IOC, đã đến thăm và khảo sát thực tế Tokyo. IOC đánh giá chung là kế hoạch tổ chức của Tokyo rất gọn nhẹ và thuận tiện. Nhưng họ cũng ghi nhận mức ủng hộ của người dân Tokyo và nước Nhật nói chung thì không cao. Có nghĩa là Tokyo có thể có ưu điểm về mặt tổ chức, nhưng lại có khuyết điểm về mặt công chúng ủng hộ không cao. Cho nên mới đây đô trưởng Ishihara đã kêu gọi tân Thủ tướng Hatoyama cố gắng đi dự họp ở Copenhagen để ủng hộ cho nỗ lực của Tokyo và 'ngoại giao' thêm với các quốc gia sẽ bỏ phiếu."
Khi được trao cho quyền đăng cai những sự kiện thể thao quốc tế lớn như Olympic, thì niềm vinh dự có thể lấn át mọi khó khăn.
"Thông thường đối với một sự kiện thể thao lớn như vậy, niềm hãnh diện vẫn cao hơn. Sự lo ngại về tài chánh, hoặc những phản đối, chẳng hạn như phản đối về môi sinh đối với các dự án xây cất, là không đáng kể. Thông thường thì việc tổ chức thường mang lại niềm vinh dự cho thành phố và quốc gia đó, nhưng vấn đề lời lỗ thì chưa biết chắc được. Thí dụ như ở Atlanta trước đây thì lời, nhưng ở Montreal thì lại lỗ; Trung Quốc đầu tư hơn 40 tỉ, trong khi đó nước Anh hiện nay đang khó khăn kiếm thêm 15 tỉ để chi phí cho việc tổ chức. Và trong tình hình kinh tế hiện nay còn có những vấn đề khác như dịch bệnh cúm hay giá xăng dầu v.v."
Ông Đỗ Thông Minh nhận định tiếp rằng ngoài ra đó còn là một chương trình kích thích kinh tế to lớn, và là cơ hội "ngàn năm có một." Do đó cả bốn thành phố ứng viên đăng cai Olympic 2016 kỳ này là Tokyo, Rio de Janeiro, Madrid, và Chicago đều tỏ ra có nhiều tiền của cho nỗ lực này, thậm chí ngay vào thời điểm được xem là trung tâm của cơn bão khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất.
"Ngoài chuyện lời hoặc lỗ, tổ chức Olympic còn tạo ra một hiệu ứng kinh tế rất lớn cho Tokyo, cho cả nước Nhật và có thể cho cả tương lai nữa, bởi vì việc đứng ra đăng cai tổ chức rất khó khăn. Lần trước Nhật Bản tổ chức Olympic vào năm 1964. Lần này nếu được chọn là năm 2016, tức là 52 năm, hơn nửa thế kỷ mới có cơ hội trở lại. Đó là một cơ hội ngàn năm, nó sẽ tạo niềm hãnh diện và hiệu quả kinh tế ít nhiều cho nước Nhật."
Ngoài ra Nhật Bản còn có một lợi thế về dân số, và công chúng Nhật Bản thích tham gia vào các sự kiện lớn quốc tế được tổ chức ở nước họ.
"Nước Nhật có lợi thế về dân số. Thông thường những biến cố như vậy, hoặc như các hội chợ quốc tế thì người Nhật tham dự rất đông, có khi phải sắp hàng hai, ba tiếng đồng hồ. Do đó hy vọng về mặt tài chánh, Tokyo có thể tổ chức có lời."
Tuy nhiên cuộc biểu quyết chung cuộc tại thủ đô Đan Mạch vào thứ Sáu này sẽ rất gây cấn. Các nhà phân tích dự đoán là kết quả sẽ rất xít xao, thậm chí chỉ hơn thua nhau vài lá phiếu.
Brazil được xem là đang vận động tích cực nhất. Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva mới đây lên tiến rằng: "Nếu Mỹ được trao cho quyền đăng cai Olympic lần thứ 8 là một điều bất công. Trong khi đó Olympic 2012 đã diễn ra ở Anh thì không lý nào Olympic kế tiếp lại diễn ra ở một thành phố châu Âu nữa là Madrid."
Tân thủ tướng Nhật Bản chưa xác nhận sẽ đến Copenhagen để vận động cho Tokyo vào cuối tuần này hay không. Trong khi đó có những tin đồn là có thể Tổng thống Obama sẽ đến thủ đô Đan Mạch để cố tranh vinh dự đăng cai Thế vận hội về cho thành phố Chicago, quê vợ của ông.
Thật đúng là các cuộc tranh tài Olympic luôn là các cuộc tranh tài đỉnh cao!
Đọc nhiều nhất
1