Đầu tháng 9, nhân dịp ở trong nước tổ chức rầm rộ các buổi lễ tưởng niệm 40 năm ngày Hồ Chí Minh qua đời, tôi muốn viết một bài về ông, nhưng lại lười, cứ lần khân mãi. Nhưng sau đó, mở báo mạng ra, cứ gặp mãi những bài viết về ông Minh (tôi không thích gọi ông là ông Hồ, nghe nó vô duyên làm sao!) lại đâm bực.
Bực, khi đọc những bài lải nhải khen ngợi ông. Bực cả khi đọc những bài chửi bới ông nữa.
Hầu hết các bài khen tụng hay chửi bới ông Minh đều có điểm giống nhau: Chúng đều tập trung vào đời tư của ông. Lại là những khía cạnh nhí nhách nhất trong đời tư của ông.
Người khen, khen ông biết quan tâm và hy sinh cho người khác. Quan tâm đến đời sống cơ cực của dân chúng: Mỗi bữa, ông ăn ít hơn một chút để dành mớ gạo thừa ấy cho “đồng bào”. Quan tâm đến giấc ngủ của từng người bộ đội: Nửa đêm dậy đi dém mùng cho từng người. Quan tâm đến nỗi khách phụ nữ đến thăm, ông hỏi ngay là có mắc đái không, ông chỉ nhà vệ sinh cho! (Ối giời! Cái cô này nhớ mãi cả đời cũng có lý. Được Chủ tịch nước đẹp trai như ông Minh quan tâm đến mức ấy, ai lại chả nhớ?) (1)
Người chửi, cũng chửi thậm tệ. Theo họ, ông Minh là một kẻ giả dối. Giả dối ở mọi mặt. Tự mình viết sách khen mình… khiêm tốn và tài giỏi rồi ký tên khác (Trần Dân Tiên) rồi bắt dân chúng học tập là một sự giả dối. Gặp chị ruột, bà Nguyễn Thị Thanh, người chị duy nhất còn sống sót sau mấy chục năm xa cách mà vẫn hờ hờ hững hững để giữ tiếng là một sự giả dối. Nhưng giả dối nhất là có vợ rồi, lại là vợ Tàu nữa (Tăng Tuyết Minh), mà cứ giấu biệt. Có bồ (Nông Thị Xuân) cũng giấu giấu giếm giếm như mèo giấu cứt. Cuối cùng, bồ bị đàn em hãm hại cũng không dám mở miệng cứu giúp hay can thiệp. Nghĩa là một kẻ vừa giả dối lại vừa tàn nhẫn và hèn hạ.
Thực tình, tôi không quan tâm đến cả những lời khen lẫn những tiếng chê như thế.
Theo tôi, những chuyện ấy, ngay cả khi đúng sự thực, cũng không ảnh hưởng gì đến vị thế của ông Minh với tư cách một chính khách và một lãnh tụ.
Một cái nhìn có tính chuyên nghiệp đòi hỏi chúng ta không được lẫn lộn giữa các phạm trù. Một ông thánh làm chính trị tồi thì cũng vẫn là một chính khách tồi. Ngược lại, một tên lưu manh làm chính trị giỏi, biết cách sử dụng quyền lực cho những mục tiêu lớn và tốt, thì cũng vẫn là một chính khách giỏi.
Tôi thích dân Mỹ ở chỗ đó. Nhớ, trong thập niên 1990, họ, một mặt, lên án cái tật hay cởi quần bậy của Tổng thống Bill Clinton, nhưng mặt khác, lại ủng hộ các chính sách của ông, các chính sách, theo họ, có lợi cho nước Mỹ. Với họ, hai khía cạnh đời tư và công việc khác hẳn nhau.
Ở Việt Nam, chúng ta cứ hay lẫn lộn mọi thứ. Không phải chỉ với Hồ Chí Minh mà cả với Ngô Đình Diệm hay Bảo Đại trước đó nữa, người ta cũng hay tập trung vào đời tư mà rất ít khi quan tâm đến chính sách của họ, với tư cách là những nguyên thủ của một đất nước.
Trong khi đó, ở cương vị của họ, chính các chính sách mới là những yếu tố đáng bàn, thậm chí, là những yếu tố duy nhất đàng bàn vì chúng có ảnh hưởng đến cả hàng chục, thậm chí, hàng trăm triệu người, có khi từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Ông Minh có nhịn ăn mỗi ngày vài chén cơm thì cũng chỉ nuôi được, may lắm, một con chó; nhưng nếu ông có chính sách kinh tế đúng đắn và hiệu quả thì cả hàng chục triệu người được tha hồ ăn no và ăn ngon.
Ông có hàng tá bồ nhí thì cũng chỉ làm mấy chục người ấy khổ nhưng nếu ông có chính sách về gia đình và phụ nữ đúng đắn và có hiệu quả thì hàng chục triệu phụ nữ tránh được cảnh bị lợi dụng, lạm dụng và bạo hành.
Ông có hỏi hết người này đến người khác có mắc đái mắc ỉa không để ông chỉ nhà vệ sinh cho thì cũng giải quyết được nhu cầu của một số người nhưng nếu ông có chính sách đúng đắn và có hiệu quả về xây dựng cơ sở hạ tầng và văn hoá tiếp dân thì không ở đâu, kể cả ở các văn phòng uỷ ban nhân dân từ trung ương xuống địa phương hay các tụ điểm công cộng, từ nhà ga đến bến xe, từ trường học đến công viên, dân chúng lại phải chịu cảnh nhịn đái nhịn ỉa hay phải chịu đựng mùi hôi thối đến kinh người như họ từng chịu đựng cả trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.
Một nhà lãnh đạo không cần những cái tốt lặt vặt. Thậm chí có khi cái gọi là tốt lại có hại. Tại Úc, nhiều chính khách bị dân chúng mất tín nhiệm chỉ vì quá tốt bụng. Đứng trước Quốc Hội, nghe báo cáo về sự khốn cùng của người thổ dân, họ khóc; nghe tin thiên tai đâu đó, họ rơm rớm nước mắt. Dân chúng cảm động ư? Vâng, họ cũng cảm động. Nhưng khi được hỏi sự cảm động ấy có ảnh hưởng đến lá phiếu của họ trong các cuộc bầu cử hay không, phần lớn đều lắc đầu quầy quậy: Không. Nhiều người còn cho đó là sự yếu đuối không những không cần thiết mà còn có hại. Người ta chờ đợi ở lãnh tụ một cái đầu lạnh, lúc nào cũng tỉnh táo cân nhắc chuyện lợi hại chứ không cần những người quá dễ xúc động và chỉ biết phản ứng theo tình cảm như thế.
Bởi vậy đánh giá một người làm chính trị, chúng ta chỉ cần tập trung vào chính sách của họ.
Với ông Minh, cũng vậy.
Trước hết, cần phân biệt ở ông Minh có hai khía cạnh: một nhà cách mạng và một nhà lãnh tụ.
Với tư cách nhà cách mạng, ông Minh có thể vấp phải một số sai lầm, nhưng nói chung, các chính sách ông đưa ra khá đúng đắn và nhất là có hiệu quả. Nhờ đó, ông trở thành nhà cách mạng thành công nhất ở Việt Nam trong thế kỷ 20: Ông đánh đuổi được thực dân Pháp và ông giành được chính quyền vào tay đảng của ông.
Không đồng ý với ông, thậm chí, căm thù ông, người ta cũng không thể phủ nhận những thành công vang dội ấy. Ông đã thành công ở chỗ tất cả các nhà cách mạng khác, trước ông, từ các nhà Cần Vương đến các nhà Duy Tân, từ Phan Bội Châu đến Phan Châu Trinh và tất cả các nhà cách mạng quốc gia khác đều thất bại.
Với tư cách một lãnh tụ, hơn nữa, lãnh tụ tối cao, vừa là Chủ tịch đảng vừa là Chủ tịch nước, ông Minh có những chính sách đúng và sai, những chính sách có hiệu quả đồng thời cũng có những chính sách hoàn toàn vô hiệu.
Đánh giá những chính sách ấy cần có công phu nghiên cứu và sự công tâm nhất định. Đó là công việc của giới sử học. Đã có nhiều sử gia làm điều đó. Một số người làm rất tốt. Nhưng công việc ấy sẽ còn kéo dài mãi. Nếu lịch sử là những gì luôn luôn được viết lại, việc đánh giá những chính khách lớn như ông Minh sẽ không bao giờ hoàn tất cả. Mỗi thời đại hay mỗi thế hệ, người ta sẽ lại tiếp tục tìm kiếm và đặt lại vấn đề về sự nghiệp của ông.
Trong bài này, tôi chỉ xin góp một ý nhỏ: Nói đến chính sách, cần phân biệt chính sách có tính giai đoạn và chính sách có tính dài hạn.
Trong số các chính sách, chính sách quan trọng và căn bản nhất là chính sách liên quan đến thể chế.
Trong vấn đề thể chế, có hai khía cạnh quan trọng và căn bản nhất: ý thức hệ và cơ chế tổ chức guồng máy nhà nước.
Về phương diện ý thức hệ, ông Minh chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là một lựa chọn có tính lịch sử; và vì có tính lịch sử, nó vừa là trách nhiệm của ông vừa không thuộc trách nhiệm của ông.
Nhưng việc lựa chọn cơ chế tổ chức guồng máy nhà nước thì hoàn toàn nằm trong tay ông. Chính ông là người quyết định nó, xây dựng nó và điều hành nó một thời gian dài. Có thể nói cái cơ chế ấy hoàn toàn là sản phẩm của ông. Là đứa con của ông.
Cái cơ chế ấy như thế nào?
Thời gian đã đủ dài để người ta nhận ra tất cả các khuyết điểm của nó. Trong đó, khuyết điểm đầu tiên là nó quá cứng nhắc, làm tê liệt hết mọi khả năng sáng tạo của ngay cả những người sáng suốt, nhiệt tình và nhiều quyền thế nhất.
Nghe nói, lúc còn tại chức, Phạm Văn Đồng thường than thở là trên thế giới không có ai làm Thủ tướng lâu như ông, và cũng không có ai làm Thủ tướng mà bất lực như ông.
Lại cũng nghe nói, trong một chuyến công du sang Úc cách đây khoảng trên dưới mười năm, Phan Văn Khải, lúc ấy đang là Thủ tướng, giữa một buổi họp mặt với giới trí thức Việt kiều, kể, đại khái, là: “Nhiều vị lãnh đạo Tây phương cứ hay nói về Việt Nam thế này thế nọ. Nhưng cứ cho họ làm Thủ tướng ở Việt Nam thử xem họ làm sao. Có khi họ làm chưa tới một ngày đã phải chạy làng rồi. Việt Nam mình nó phức tạp lắm chứ đâu đơn giản như họ tưởng. Ở Việt Nam đâu phải là Thủ tướng thì có thể làm được mọi việc!”
Lại cũng nghe nói nữa, vào những năm cuối đời, tuy ông Minh vẫn còn tại vị, nhưng thực quyền thì đã lọt hết vào tay của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Ông muốn làm nhiều chuyện nhưng đành bất lực. Tôi chẳng biết lời đồn ấy thực hư thế nào. Nhưng nếu đúng, ông Minh đã bị chính cái guồng máy ông lập ra ghiền nát; ông đã bị chính đứa con ông sinh ra quay lại ăn thịt ông.
Cái cơ chế chính quyền ở Việt Nam, một mặt, loại trừ khả năng sáng tạo, mặt khác, lại tạo cơ hội cho cái Ác, cái Tham và cái Ngu tha hồ nảy nở. Trong cái cơ chế ấy, không ai có thể làm điều đúng hay điều tốt được, nhưng mọi đứa ác, mọi đứa tham và mọi đứa ngu đều có thể dễ dàng tác oai tác quái.
Cái Ác, cái Tham và cái Ngu thì ở đâu cũng có. Không có một lãnh tụ nào có thể loại trừ hay tiêu diệt chúng hết được. Nhưng trong một cơ chế tốt, chúng luôn luôn bị kiềm chế; nếu có bộc lộ, chỉ bộc lộ một cách rụt rè và lén lút; và vì rụt rè và lén lút nên không thể trở thành phổ biến, hơn nữa, lúc nào chúng cũng đối diện với nguy cơ bị phát hiện và trừng phạt.
Trong cái cơ chế chính quyền do ông Minh sáng lập, không có những sự kiềm chế và kiểm soát. Cấp lớn có cái Ác, cái Tham và cái Ngu lớn. Cấp nhỏ thì có cái Ác, cái Tham và cái Ngu nhỏ. Ở đâu chúng cũng nghênh ngang hoành hành được. Dân chúng không những bị bịt miệng mà còn bị bịt cả tai nữa.
Bởi vậy, bất cứ cái Ác, cái Tham và cái Ngu nào ở Việt Nam lâu nay cũng đều có một phần trách nhiệm của ông Minh.
Người ta hay hỏi: Liệu ông Minh có biết những người bị giết oan trong cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào giữa thập niên 1950 không? Có biết những vụ trù dập dã man đối với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm không? Có biết các vụ giết người tập thể ở Huế trong trận Mậu Thân không?
Với tôi, đó là những câu hỏi vớ vẩn. Biết hay không biết, chúng cũng thuộc về trách nhiệm của ông Minh. Biết, ông có tội. Không biết, ông có lỗi. Khi cái lỗi gây thành tội ác: Cái lỗi trở thành cái tội.
Trong bất cứ một hành vi tham nhũng công khai nào, bất cứ một hành động chà đạp nhân quyền và dân chủ nào ở Việt Nam hiện nay, cho dù được thực hiện bởi một tên công an cấp phường, cấp xã, cũng đều có bàn tay ông Minh trong đó.
Ông Minh đã chết lâu rồi nhưng cái cơ chế ông tạo ra vẫn còn đó. Nó còn đó và nó tiếp tục tạo cơ hội và cung cấp phương tiện cho những sự tàn ác, tham lam và ngu xuẩn. Để cho chúng tha hồ hoành hành và tàn phá đất nước, cái đất nước mà ông bỏ gần cả đời để dành lại từ trong tay thực dân Pháp.
Đứng trước cái di sản tệ hại khổng lồ ấy, những chuyện ông còn tân hay có vợ, chuyện ông nhịn ăn để đồng cam cộng khổ với dân chúng hay lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá của Mỹ, chuyện ông có nung gạch để tránh cái rét ở Paris lúc còn trẻ hay không… chỉ là những chuyện tầm phào.
Hết sức tầm phào.
Chú thích:
Trong cuốn “Hồi ký” được phổ biến rộng rãi trên internet, Nguyễn Đăng Mạnh kể, nguyên văn:
Năm 1965, Mỹ cho không quân ra đánh phá miền Bắc. Cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá, là một trọng điểm oanh tạc của chúng. Anh chị em dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng phối hợp cùng với pháo binh tải đạn và bắn máy bay giặc. Nổi lên có hai nữ dân quân được tuyên dương công trạng xuất sắc: Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Hằng.
Năm ấy, tôi phụ trách một đoàn sinh viên Đại học Sư phạm Vinh ra thực tập ở trường Lam Sơn, Thanh Hoá, sơ tán ở ngoại ô thị xã. Tôi đưa mấy sinh viên văn ra gặp Nguyễn Thị Hằng ở nhà riêng. Hằng là một cô gái quê mà rất trắng trẻo, cao ráo. Cô cho xem bức hình chụp mặc quân phục trông rất đẹp đẽ, oai phong. Cô khoe vừa được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên ra Hà Nội, đi đâu cũng có một anh cảnh vệ hay công an đưa đi. Hành trình qua rất nhiều chặng. Đến mỗi chặng, anh dẫn đường lại bảo, cô chờ ở đây, người khác sẽ đưa đi tiếp. Chặng cuối cùng, anh dẫn đường nói, cô ngồi đây, Bác xuống bây giờ. Một lát ông Hồ tới. Ông không vội hỏi han gì về thành tích chiến đấu của Hằng. Câu hỏi đầu tiên của vị Chủ tịch nước là: “Cháu có buồn đi tiểu, Bác chỉ chỗ cho mà đi.”
Câu chuyện của Nguyễn Thị Hằng về chủ tịch Hồ Chí Minh hôm đó, tôi nhớ nhất chi tiết này. Chi tiết rất nhỏ nhưng nói rất nhiều về con người Hồ Chí Minh.