Cùng với Việt Nam, Ai Cập là một trong 10 nước bị Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Quốc tế (CPJ) đưa vào danh sách các nước trấn áp các blogger nghiệt ngã nhất thế giới. Được biết, chính phủ Ai Cập đã khuyến khích người dân mua máy tính và nối mạng. Nhưng các chuyên gia cho rằng, trước sự gia tăng của các quan điểm trái chiều cùng những thông tin bất lợi, chính quyền nước này đã gia tăng các hoạt động kiểm soát các blogger. Nguyễn Trung của VOA Việt ngữ đã tìm hiểu xem liệu những trở ngại mà blogger Ai Cập phải đối mặt có phải là khó khăn chung mà các blogger ở Việt Nam đang vấp phải hay không.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Quốc tế (viết tắt là CPJ) dẫn lời các tổ chức thúc đẩy tự do báo chí ở Ai Cập cho biết đã có hơn 100 vụ bắt giữ blogger trong năm 2008, và chính quyền nước này ‘thường xuyên theo dõi các hoạt động trên Internet của người dân’.
Bà Noha Atef, một blogger và cũng là một nhà báo ở Ai Cập, cho VOA Việt ngữ biết rằng nhờ có dự án ‘Máy tính cho mọi người’, khuyến khích người dân mua máy tính và sử dụng mạng Internet, mà tỷ lệ người nối mạng ở đây được xếp vào hàng cao trong khu vực.
Bà Atef nói hiện ở Ai Cập ‘có hàng triệu quán café Internet’, giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Đó cũng chính là lý do xuất hiện cộng đồng các blogger hoạt động sôi nổi tại nước này mà theo bà Atef là họ ‘xuất thân từ nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau’.
Bà Atef nói: "Cộng đồng blogger ở Ai Cập rất phát triển bởi lẽ một người bình thường có thể lấy tên khác để thảo luận những đề tài được cho là cấm kỵ trong xã hội như vấn đề lạm dụng tình dục, chính trị, vấn đề tham nhũng trong chính quyền và tình trạng vi phạm nhân quyền. Tại Ai Cập, các blogger dường như là một thế lực cạnh tranh mới đối với các phương tiện truyền thông do nhà nước quản lý. Họ truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và rõ ràng."
Ông James Buck, một chuyên gia về blog tại Đại học Berkeley, California, cũng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng Ai Cập là ‘quốc gia ở Trung Đông có cộng đồng blogger bất đồng chính kiến lớn nhất, và được cho là hình mẫu phát triển cho các nước khác trong khu vực, trong đó có Libăng và Jordan’.
Nhưng cũng theo ông Buck, từ phong trào thúc đẩy người dân kết nối Internet, chính quyền ‘giờ đã cảm thấy lo ngại về những thông tin phản kháng trên blog’.
Ông Buck nói: "Đầu tiên thì Ai Cập muốn khuyến khích người dân sử dụng máy tính và nối mạng để đưa đất nước vào kỷ nguyên thông tin. Tuy nhiên, khi xảy ra cuộc chiến ở Iraq năm 2003 và việc Israel tấn công miền nam Libăng năm 2006, Internet đã trở thành phương tiện để người dân nói lên tiếng nói của mình, trong đó có không ít tiếng nói chỉ trích chính phủ. Vì thế chính quyền đã chuyển từ việc thúc đẩy sử dụng máy tính sang quan ngại về tiếng nói của các blogger và bắt đầu trấn áp cộng đồng này."
Ông Buck nói rằng dù Ai Cập là ‘một nước dân chủ và là đồng minh của Hoa Kỳ, về cơ bản nước này vẫn còn trong tình trạng thiết quân luật được áp dụng kể từ sau khi cố tổng thống Sadad bị ám sát năm 1981’. Chuyên gia nghiên cứu blog này nhận định thêm rằng với ‘tình trạng khẩn cấp ba năm tái lập một lần, cảnh sát nước này có quyền lực rất lớn khi được phép tịch thu tài sản, khám xét nhà và bắt người mà không cần lý do’.
Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Quốc tế, cho dù phần lớn các blogger ở Ai Cập được thả sau một thời gian ngắn, một số ‘bị giữ nhiều tháng mà không bị đưa ra xét xử hay được công lý bênh vực.”
Đồng nhận định với ông Buck và CPJ, bà Atef cho biết trong những năm vừa qua, Ai Cập đã ‘gia tăng các hoạt động kiểm soát blogger’.
Bà nói: "Kể từ năm 2005 và 2006, chính phủ đã bắt đầu lo ngại khi phe đối lập sử dụng internet để kêu gọi mọi người xuống đường biểu tình. Rồi những năm gần đây, người dân thường lại sử dụng blog để đề cập tới các vụ việc liên quan tới cảnh sát và chính phủ. Tôi nghĩ rằng chính phủ lo ngại vì sức mạnh quần chúng tập hợp trên internet."
Nữ blogger này cũng cho biết rằng hiện ở Ai Cập chưa có luật lệ liên quan tới blog, nên chính quyền đang tìm cách kiểm soát cộng đồng blog ‘không phải bằng luật lệ, mà bằng việc bắt bớ và trấn áp các blogger’.
Trước các khó khăn mà những người viết blog gặp phải tại các quốc gia áp chế, ông Buck nói ông khuyên các blogger ‘áp dụng các biện pháp an toàn khi viết blog, trong đó có chuyện ẩn danh’.
Ông Buck cho biết: "Cho dù có thể viết blog một cách ẩn danh, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là ở Ai Cập có khá nhiều người chọn cách sử dụng các thông tin cá nhân thật của mình khi viết blog cho dù đối mặt với rủi ro bị bắt và tra tấn. Họ làm vậy để cho tiếng nói phản kháng của họ được lắng nghe một cách thuyết phục hơn."
Trong báo cáo của mình, CPJ nói rằng ‘chính quyền Ai Cập ít chặn các website, nhưng thường xuyên theo dõi các hoạt động trên Internet’.
Đọc nhiều nhất
1