Ngay từ khi còn nhỏ bà Paige Stringer đã phải sử dụng các thiết bị trợ thính và nhiều sự hỗ trợ khác để phát triển khả năng ngôn ngữ của mình. Mặc dù vậy, khiếm khuyết về thính lực ấy cũng không làm bà nản chí hay từ bỏ những ước mơ của mình. Bà đã tốt nghiệp cao học và làm trong ngành marketing với nhiều vị trí khác nhau tại các công ty nổi tiếng trong danh sách 500 công ty hàng đầu của Mỹ trước khi trở thành một cây bút tự do (freelance writer).
Trong một chuyến du hành tới Đông Nam Á vào năm 2008, bà nhận thấy rằng những hạn chế về đào tạo giáo viên, thiếu thiết bị trợ thính, và thiếu nhận thức về khiếm thính có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của hàng ngàn trẻ em bị khiếm thính ở khu vực này.
Chính những nhận thức này và kinh nghiệm bản thân đã khiến bà quyết tâm thành lập Quĩ Toàn cầu cho Trẻ em Khiếm thính.
Hơn thế nữa khi tới thăm Trung tâm dành cho trẻ em khiếm thính Thuận An, bà đã dự một buổi hòa nhạc do các sinh viên đại học biểu diễn. Bà đã thấy một em nhỏ không thể nghe được nhạc bởi thiết bị trợ thính của em bị hỏng, em đã bước tới sân khấu và đặt hai bàn tay lên thùng loa. Các nhạc công lúc đó đã đẩy em ra vì không hiểu rằng em bé đang cố cảm thụ âm nhạc bằng xúc giác của mình. Bà nói rằng bà cảm thấy nhói lòng khi chứng kiến cảnh em bé lại tìm cách đặt tay lên thùng loa một lần nữa trước khi một người nhân viên ở đây mang em ra khỏi phòng. Nếu em đã có một thiết bị trợ thính tốt và giáo viên của em có thể giúp em phát triển kỹ năng giao tiếp thì mọi chuyện đã khác đối với em.
Bà Stringer nói rằng bà bị khiếm thính bẩm sinh nhưng nhờ có những sự hỗ trợ của các thiết bị trợ thính và của các giáo viên ngay từ khi bà còn nhỏ nên bà đã có thể hòa nhập một cách thành công vào xã hội như những người có thính lực bình thường khác. Theo bà Stringer thì mọi trẻ em đều phát triển kỹ năng cảm nhận ngôn ngữ trong 6 năm đầu đời. Điều quan trọng là các em được tiếp cận với các luồng âm thanh khác nhau trong giai đoạn này nếu muốn các em phát triển đầy đủ khả năng ngôn ngữ của mình.
Theo ước tính hiện có khoảng 180.000 trẻ em bị khiếm thính ở Việt Nam. Tuy nhiên việc đào tạo và hỗ trợ trẻ em khiếm thính vẫn còn mới mẻ ở đây, và mặc dù các giáo viên rất mong muốn dạy dỗ và giúp đỡ các em nhỏ có khuyết tật này, nhưng họ không có đầy đủ kiến thức về những phương pháp hiệu quả để giáo dục người khiếm thính.
Để giúp khắc phục tình trạng này, bà Stringer và tổ chức của bà đã phối hợp với Trung tâm Thuận An nhằm phát triển một chương trình đào tạo các giáo viên dạy các em nhỏ khiếm thính ở Việt Nam.
"Những gì chúng tôi đang làm là tổ chức khóa đào tạo ở Việt Nam nơi chúng tôi sẽ đưa những chuyên gia về ngôn ngữ cử chỉ (body-language), thính giác-lời nói, thính giác học (audiology) cũng như phát âm ngôn ngữ (language speech) để đào tạo cho 80 giáo viên trong khóa học kéo dài một tháng về các phương pháp hiệu quả để giúp trẻ em khiếm thính có thể phát triển các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản. Lý do tại sao khóa học này lại hữu ích là vì các giáo viên sẽ có thể dạy dỗ và giáo dục các trẻ em khiếm thính, giúp cho các em một khả năng sử dụng ngôn ngữ mà nếu không được dạy dỗ thì các em không thể có được. Để rồi sau này các em sẽ trở thành những công dân hữu ích có thể đóng góp cho xã hội chứ không phải sống lệ thuộc và là gánh nặng cho xã hội."
Theo dự định mỗi năm sẽ có một khóa đào tạo giáo viên như vậy được tổ chức ở Việt Nam và chương trình có thể được sẽ mở rộng trong tương lai. Bà Stringer cho hay mỗi một giáo viên tham gia khóa đào tạo này sau đó có thể dạy cho 10 em và như vậy mỗi khóa đào tạo giáo viên có khả năng giúp 800 em nhỏ khiếm thính được tiếp cận với phương pháp giáo dục mới này. Ngoài việc có thể dậy các em nhỏ thì các giáo viên này cũng có thể truyền đạt và chia sẻ kinh nghiệm của họ với những giáo viên khác và chương trình sẽ đạt được kết quả to lớn hơn.
Bà Stringer giải thích thêm về các phương pháp sẽ được giảng dạy trong khóa đào tạo giáo viên này như sau:
"Một điều đặc biệt đối với thính giác học (audiology) là phương pháp này giúp chúng ta hiểu được quá trình tai lắng nghe như thế nào, và phải làm gì với các thiết bị trợ thính để chúng hỗ trợ cho những người không thể nghe được rõ, phương pháp phát âm ngôn ngữ cũng giống như vậy bởi việc không nghe được rõ sẽ ảnh hưởng tới khả năng nói năng rõ ràng của quí vị. Vì vậy phương pháp dạy phát âm sẽ giúp những người khiếm thính biết cách phát âm rõ ràng hơn. Những chuyên gia của chúng tôi đều có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về tất cả những lĩnh vực này."
Ngoài chương trình đào tạo này, Quĩ Toàn cầu cho Trẻ em Khiếm thính cũng muốn cung cấp hàng trăm thiết bị trợ thính cho các em tham gia vào chương trình. Hiện tại nhiều gia đình ở Việt Nam không có đủ tiền để mua thiết bị trợ thính cho các em trong khi nhiều em khác có thiết bị trợ thính nhưng lại quá cũ hoặc chất lượng kém.
"Vì vậy một điều nữa mà tổ chức của chúng tôi đang tìm cách thực hiện là chúng tôi đang tìm cách để mua những thiết bị trợ thính với chất lượng tốt nhưng giá cả thấp để khi các em nhỏ dùng chúng thì các em có thể thực sự nghe được. Điều quan trọng cần phải hiểu là nghe không giống như nhìn. Khi mà thị lực của quí vị kém thì quí vị có thể đeo kính và có thể nhìn được rõ. Nhưng khi đeo những thiết bị trợ thính chất lượng kém thì chúng chỉ có tác dụng tăng âm thanh lên chứ không giúp cải thiện khả năng nghe. Khi khi tăng âm lượng lên thì tiếng sẽ to hơn chứ không rõ ràng hơn. Những thiết bị trợ thính cũ và kém chất lượng không hữu ích gì cho các em nhỏ hay bất cứ người khiếm thính nào."
Đó chỉ là ý tưởng ban đầu, và bà Stringer hy vọng ý tưởng này sẽ được phát triển thành một dự án lớn lao hơn, và hoạt động của tổ chức của bà không chỉ dừng lại ở việc đào tạo giáo viên. Quĩ Toàn cầu cho Trẻ em Khiếm thính có thể thiết kế một mô hình trong đó có một ngân hàng thiết bị trợ thính, các buổi tư vấn, nghiên cứu v.v. và không chỉ thực hiện ở Việt Nam mà còn được thực hiện ở các nước phát triển khác nữa.
Để thực hiện được những hoạt động vô cùng ý nghĩa này cho các em nhỏ khiếm thính ở Việt Nam, hiện tại tổ chức của bà Stringer cần một nguồn ngân sách khoảng 140.000 đôla. Mặc dù hoạt động gây quĩ là một hoạt động rất khó khăn, tuy nhiên bà Stringer rất quyết tâm và say mê với nỗ lực này bởi nó sẽ đem lại những tác động tích cực và lâu dài đối với tương lai của nhiều trẻ em.
"Cho dù bạn có là người khiếm thính hay bị bất kỳ một khuyết tật nào, bạn cũng không nên để điều đó ngăn bước đường tiến tới thành công của bạn, bạn vẫn có thể học hành, có thể có việc làm, có thể sống một cuộc sống độc lập và thành công. Và với nỗ lực mà tổ chức chúng tôi đang thực hiện chúng tôi có thể giúp các em nhỏ bị khiếm thính đạt được những ước mơ và hoài bão trong cuộc sống."
Đó là thông điệp mà bà Stringer muốn gửi gắm tới các em nhỏ khiếm thính và phụ huynh của các em để các em có nghị lực hơn trong cuộc sống bất chấp những khiếm khuyết của bản thân.
Để biết thêm chi tiết hoặc muốn đóng góp cho các hoạt động của Quĩ Toàn cầu vì Trẻ em Khiếm thính, quí vị có thể tham khảo trang web của tổ chức ở địa chỉ http://www.childrenwithhearingloss.org.
Là một người khiếm thính bẩm sinh, nhưng bà Paige Stringer vẫn có thể sử dụng giọng của mình để nói và tai của mình để nghe và bà đã đạt được những thành công mà những người có thính lực bình thường phải ngưỡng mộ. Bà Stringer là người sáng lập Quĩ Toàn cầu vì Trẻ em Khiếm thính, hiện tại quĩ này đang phối hợp với Trung tâm Thuận An để thiết kế một chương trình đào tạo cho các giáo viên dạy trẻ em khiếm thính tại Việt Nam. Mời quí vị xem thêm chi tiết với Minh Anh trong câu chuyện phụ nữ kỳ này.
Đọc nhiều nhất
1