Ít nhất từ đầu thế kỷ 20 đến nay, hầu như ai cũng nói là người Việt Nam hay cười. Cười nhiều đến độ vô duyên.
Người đầu tiên nhận định như thế là một học giả rất có uy tín: Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Trong bài “Gì cũng cười” đăng trên Đông Dương tạp chí số 6 năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh viết:
“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.”
Trong sự nghiệp khá đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh, với tư cách một nhà văn, một nhà báo và một dịch giả, có lẽ đoạn văn vừa trích ở trên là đoạn văn được nhiều người nhớ và nhắc nhất. Đến nay, tôi chưa thấy ai phản đối ông cả.
Mà làm sao phản đối được? Chỉ bằng kinh nghiệm thường nhật, chúng ta cũng có thể thấy ngay là ông nói đúng. Nhìn những bức ảnh chụp hay các thước phim tư liệu quay tình cờ trên đường phố, chúng ta dễ thấy đặc điểm của từng dân tộc: ở Nhật thì người ta cắm cúi đi hay dí tai vào chiếc điện thoại di động; ở Trung Quốc, người ta vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm, còn ở Việt Nam thì người ta cười (nếu mồm không bị cái khẩu trang bịt kín).
Trong đời sống, chúng ta càng dễ thấy vai trò của nụ cười và tiếng cười. Ở đâu có người Việt là ở đó có những tiếng cười rúc rích. Kể cả trong giảng đường hay thính đường ở các cuộc hội nghị quan trọng và đầy tính chuyên môn. Trong nhà, trong quán ăn hay ngoài đường phố thì… khỏi nói.
Có thể nói cười là một loại hình ngôn ngữ thân thể (body language) đặc biệt của người Việt Nam. Gặp bạn bè hay người quen, người khác “hello”, “hi” hay “bon jour”, người Việt chỉ cần nhoẻn miệng ra cười. Thay vì nói “cám ơn”, người Việt cũng nhoẻn miệng ra cười. Thay vì nói “xin lỗi”, người Việt cũng cứ nhoẻn miệng ra cười.
Bạn bè tôi, đám giáo sư ở đại học có đông sinh viên Việt Nam, thỉnh thoảng nhờ tôi “phiên dịch” giúp ý nghĩa nụ cười hay tiếng cười của người Việt Nam. Chẳng hạn, một giáo sư, chấm luận văn, phát hiện một sinh viên Việt Nam trích nguyên văn nhiều câu từ sách báo mà không hề ghi xuất xứ.
Thay vì đánh rớt ngay vì tội đạo văn, ông thông cảm gọi sinh viên ấy vào phòng, chỉ cho sinh viên ấy thấy các câu văn ăn cắp và khuyên nên cố gắng diễn đạt bằng lời văn của mình hoặc phải ghi xuất xứ đàng hoàng. Nói xong, ông chờ đợi một lời xin lỗi. Nhưng anh sinh viên ấy chỉ… cười.
Người Việt Nam chúng ta, trong những trường hợp như trên, có thể “đọc” được dễ dàng lời xin lỗi ẩn sau nụ cười ấy. Tuy nhiên, người ngoại quốc, dù gần gũi với người Việt Nam nhiều đến mấy, cũng thấy ngỡ ngàng.
Nhưng dù hiểu đúng hay hiểu sai, một sự kiện phổ biến cũng cần được ghi nhận: Người Việt Nam sử dụng nụ cười và tiếng cười thật hào phóng!
Có điều, từ một khía cạnh khác, tôi lại nghĩ, trong văn hoá giao tiếp thông thường, người Việt Nam, nói chung, không biết cười.
Bạn ngạc nhiên ư?
Thì đây, bạn cứ tự mình kiểm tra đi. Sống ở hải ngoại, bạn bước lên máy bay về Việt Nam thăm nhà. Để ý mà xem, có tiếp viên nào ít cười bằng tiếp viên của Hàng Không Việt Nam không? Theo kinh nghiệm của tôi, câu trả lời là: Không.
Bước vào máy bay của các hãng hàng không khác, ngay từ cửa ra vào, chúng ta đã bắt gặp ít nhất là hai tiếp viên đứng cười chào và chỉ hướng đi. Ở hãng Hàng Không Việt Nam, cũng hai tiếp viên ấy và những lời chỉ dẫn tương tự. Nhưng rất hiếm khi thấy nụ cười nào.
Xuống phi trường, những người đầu tiên bạn gặp là các công an cửa khẩu, nơi bạn trình hộ chiếu. Đố bạn bắt gặp nụ cười nào ở đấy!
Lấy hành lý xong, bạn sẽ gặp hải quan. Đố bạn bắt gặp nụ cười nào ở đấy!
Không phải chỉ những nơi có quyền lực mới thiếu vắng nụ cười. Bạn bước vào bưu điện hay ngân hàng mà xem, có nhân viên nào nhoẻn miệng cười chào bạn không?
Lần đầu tiên tôi về Việt Nam và ra Hà Nội là năm 1996. Bước vào các hiệu sách, tôi hay nhoẻn miệng cười chào các cô bán hàng. Lần nào cũng thế, tôi cũng chỉ được đáp trả bằng một cái nhìn trân trối, có chút ngạc nhiên và đầy tò mò. Nhưng không có nụ cười. Khiến tôi phải vội vàng tìm cách kéo môi lại cho đỡ ngượng ngùng.
Sau này, khi xu hướng thương mại hoá và tư nhân hoá phát triển, những người bán hàng giảm bớt thứ văn hoá hợp tác xã ngày xưa, tương đối lịch sự hơn. Nhưng lịch sự không phải là biết cười.
Bước vào tiệm ăn hay quán nước, bạn hãy quan sát và so sánh cách chào khách của các tiếp viên ngoại quốc và tiếp viên Việt Nam mà xem. Ở các tiệm ngoại quốc, bạn sẽ bắt gặp, hầu như thường xuyên, một nụ cười. Ở các tiệm Việt Nam, ngay cả ở hải ngoại, bạn thường gặp cái gì? Một gương mặt lạnh tanh.
Làm sao có thể giải thích hiện tượng nghịch lý là: một mặt, người Việt Nam cười một cách dễ dàng, thậm chí, thừa thãi; mặt khác, lại tiết kiệm nụ cười đến độ có thể bị chê là “rude”, cục cằn và thô lỗ, như thế?
Các bạn thử giải thích giùm đi.
Đọc nhiều nhất
1