Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho biết bà hy vọng là việc Bắc Triều Tiên ấn định ngày ra tòa của hai ký giả Mỹ là một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ thả hai người này trong thời gian gần đây. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao, thông tín viên David Gollust của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Chính quyền Obama đã theo đuổi các hoạt động ngoại giao thầm lặng để bảo vệ cho hai nữ ký giả Mỹ bị bắt hồi trung tuần tháng 3 và ngoại trưởng Clinton cho hay: sự ấn định ngày ra tòa có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng tiến trình đưa tới việc phóng thích hai nhà báo này đã khởi động.
Cô Euna Lee và cô Laura Ling đã bị bắt hôm 17 tháng 3 dọc theo biên giới Trung quốc-Bắc Triều Tiên trong lúc tường thuật cho một đài truyền hình ở Mỹ về những người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Trung quốc.
Truyền thông Bắc Triều Tiên cho biết hai nhà báo này bị truy tố về tội gọi là 'có hành động thù nghịch' và nhập cảnh trái phép, và hôm qua Bình Nhưỡng loan báo rằng họ sẽ được đưa ra tòa xét xử vào ngày 4 tháng 6.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Malaysia, bà Clinton nói rằng diễn tiến vừa kể có thể là một tin vui.
Ngoại trưởng Clinton nói: "Thật ra chúng tôi xem ngày xét xử đã được ấn định là một khung thời gian đáng hoan nghênh. Chúng tôi tin rằng những cáo trạng đó là vô căn cứ và lẽ ra là không nên đưa ra, và hai người phụ nữ trẻ này nên được trả tự do ngay tức khắc. Tuy nhiên, việc họ sẽ trải qua một thủ tục nào đó cũng là một dấu hiệu cho thấy sẽ có một giải pháp càng sớm càng tốt."
Bà Clinton tuyên bố như thế chỉ vài ngày sau khi Iran phóng thích một nhà báo người Mỹ gốc Iran bị bắt giam trong 3 tháng. Bà Roxana Saberi đã bị tòa dưới xét là can tội làm gián điệp và bị tuyên án 8 năm tù, nhưng một tòa thượng thẩm đã cho bà hưởng án treo và bà đã được thả.
Ngoại trưởng Clinton cũng tỏ thái độ hòa hoãn về vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Bà nói rằng cánh cửa đang rộng mở để Bắc Triều Tiên quay lại với cuộc đàm phán 6 bên do Trung quốc bảo trợ.
Mặc dù vậy, bà Clinton nói rằng Bắc Triều Tiên không nên trông đợi là sẽ có những điều kiện trao đổi có lợi hơn trong cuộc thương thuyết này.
Bà Clinton nói tiếp: "Quả bóng giờ đây đang ở trong sân của Bắc Triều Tiên. Chúng tôi không chạy theo họ để đưa ra những đề nghị nhượng bộ. Họ biết nghĩa vụ của họ là gì. Họ biết tiến trình này như thế nào. Chúng tôi và các nước khác trong cuộc đàm phán đều hối thúc họ quay lại để cùng với chúng tôi đưa chương trình nghị sự tiến về phía trước."
Bà Clinton cho hay: chuyến công tác ở Đông Bắc Á mới đây của đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên, ông Stenphen Bosworth cho thấy rằng 4 nước khác trong cuộc đàm phán - là Trung quốc, Nga, Nhật Bản và Nam Triều Tiên, đều tán đồng thái độ kiên nhẫn của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Năm 2007 Bắc Triều Tiên đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ hủy bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và những lợi ích về ngoại giao.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã bị bế tắc vì Bắc Triều Tiên không chấp nhận một kế hoạch nhằm kiểm chứng bản khai báo về vật liệu và hoạt động hạt nhân mà họ đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái.
Đọc nhiều nhất
1