Các giới chức Bắc Kinh bác bỏ mọi sự can dự vào mạng lưới gián điệp điện tử được đặt tên là 'GhostNet', đã xâm nhập hơn 1,000 máy điện toán trên khắp thế giới và đã được liên kết với các máy điện toán ở Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài VOA Alison Klayman gửi về bài tường thuật sau đây.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương, bác bỏ những lời cáo buộc về sự liên hệ của chính phủ Trung Quốc với một mạng lưới gián điệp điện toán rộng lớn. Tại Bắc Kinh hôm nay, ông Tần Cương tuyên bố rằng lời cáo buộc phát xuất từ những người ở ngoài Trung Quốc mà theo lời ông 'có xu hướng bịa đặt những lời dối trá về điều được gọi là gián điệp điện toán Trung Quốc'.
Ông Tần Cương nói rằng bên ngoài Trung Quốc, có cái mà ông gọi là một 'Con Ma Chiến tranh Lạnh'. Ông nói mọi người bị ám ảnh bởi con ma này cũng bị nhiễm một virut gọi là 'hiểm họa Trung Quốc', mà theo ông khiến cho mọi người muốn bôi nhọ Trung Quốc bằng những lời nói dối.
Tin tức trong tuần này nói rằng các nhà khảo cứu của Canada đã phát hiệu cái được gọi là mạng lưới gián điệp GhostNet khi tổ chức của Đức Đạt lai Lạt ma yêu cầu họ kiểm tra các máy điện toán của họ về nhu liệu có hại.
Các nhà khảo cứu Canada nói rằng chưa rõ liệu vụ phá hoại này có được chính phủ hỗ trợ hay không. Tuy nhiên họ kết luận rằng những máy chủ GhostNet đặc biệt đều nằm ở Trung Quốc, và các mục tiêu nhắm vào lãnh vực chính trị, kể cả NATO, Đại sứ quán Ấn Độ ở Washington và các trung tâm của người Tây Tạng sống lưu vong ở Ấn Độ, Bruxelle và London.
Báo cáo của Canada nói rằng công tác gián điệp đã mạng lại các hậu quả thực thụ. Tỷ như khi tổ chức của Đức Đạt lai Lạt ma gửi điện thư mới đến một nhà ngoại giao nước ngoài, thì nhà ngoại giao này đã được chính phủ Trung Quốc tiếp xúc và yêu cầu không đến dự họp.
Khi được hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có quan tậm rằng các máy điện toán trong mạng lưới gián điệp này nằm ở Trung Quốc hay không, thì ông Tần Cương đáp rằng điều quan trọng hơn là truy tầm những kẻ ở bên ngoài Trung Quốc đang đưa ra những lời cáo buộc này.
Ông Tần Cương nói rằng Đức Đạt lai Lạt ma và những người ủng hộ ông 'luôn luôn sống nhờ vào những lời dối trá và các sự kiện bị bóp méo'.
Tưởng cũng cần nhắc lại rằng Đức Đạt lai Lạt ma là lãnh tụ tinh thần của đa số người Tây Tạng. Ông đã sống lưu vong 50 năm và là người lâu nay vẫn ủng hộ việc Tây Tạng được nhiều quyền tự trị hơn từ phía Trung Quốc, một khái niệm mà Bắc Kinh cực lực bác bỏ.
Hai nhà khảo cứu tại trường đại học Cambridge ở Anh đã công bố bản phúc trình riêng về các hoạt động có liên quan đến Tây Tạng của mạng lưới gián điệp này. Họ liên kết mạng lưới này với chính phủ Trung Quốc một cách trực tiếp hơn, nhưng cũng cảnh báo rằng các phương pháp xâm nhập máy điện toán này có thể được áp dụng một cách dễ dàng bởi các tội phạm và những người khác.
Đọc nhiều nhất
1