Những đợt người sắc tộc thiểu số Rohingya bỏ chạy khỏi Miến Điện để tránh tình trạng nghèo khó và áp bức trong nước đã tạo thêm áp lực đòi các nước Đông Nam Á tìm kiếm giải pháp cho các di dân này. Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thảo luận về đề tài này tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm ở Thái Lan. Nhưng theo tường trình từ Bangkok của Thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA thì các nhà hoạt động nhân quyền và những người Rohingya đã rời khỏi Miến Điện không hy vọng sẽ nhận được nhiều trợ giúp từ ASEAN.
Hằng trăm người Rohingya, một sắc tộc thiểu số Hồi giáo, đã đến Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan trong mấy tháng vừa qua mang theo những mẩu chuyện kể rằng họ bị quân đội Thái Lan và Miến Điện ngược đãi.
Vấn đề giải quyết làn sóng người tị nạn Rohingya sẽ được ASEAN chính thức đưa ra thảo luận lần đầu tiên khi lãnh đạo các nước gặp nhau vào cuối tuần này tại Thái Lan.
Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả các đề tài cho cuộc họp hằng năm.
Ông Pitsuwan nói: "Tôi sẵn sàng phục vụ các nhà lãnh đạo, các vị bộ trưởng. Bất cứ vấn đề nào mà họ nêu ra, bất cứ điều gì mà họ muốn và bất cứ quyết định gì mà họ muốn yêu cầu tôi làm. Tôi sẽ làm theo yêu cầu của họ."
Theo ước tính, có khoảng 20,000 người Rohingya sinh sống bất hợp pháp tại Thái Lan và chính phủ nước này từng tuyên bố những người Rohingya bị bắt sẽ được trả về Miến Điện.
Một người Rohingya sinh sống Bangkok nói với đài VOA rằng ông đã trốn sang Thái lan cách đây 20 năm để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Người này không muốn nêu danh tính vì hai người con của ông không có giấy tờ hợp lệ.
Cảnh sát đã bắt đi 3 người hàng xóm của ông và ông lo sợ họ sẽ bắt các con ông và có thể trục xuất chúng về Miến Điện.
Ông nói: "Tôi cảm thấy rất lo lắng. Cảnh sát đã bắt các con tôi 2 lần trước đây và chúng tôi đã phải bỏ tiền để hối lộ. Giờ đây chúng tôi đang gặp khó khăn vì chúng tôi không còn tiền nữa."
Lúc còn ở Miến Điện người đàn ông Rohingya này làm chủ một cửa tiệm nhỏ, nhưng giờ đây thì gia đình ông sinh sống bằng nghề bán hoa và làm những công việc vặt vãnh.
Mặc dù gặp khó khăn về kinh tế và sợ cảnh sát, người đàn ông Rohingya này cho biết cuộc sống ở Thái Lan tốt hơn ở Miến Điện rất nhiều vì ở Miến Điện binh sĩ đã đánh đập họ, đánh cắp của cải của họ và bắt họ làm việc mà không chịu trả lương.
Ông nói tiếp: "Chúng tôi thích ở đây. Tuy không có tiền nhưng chúng tôi có thể ngủ yên. Không ai hành hạ chúng tôi."
Ông Abu Kalam, một nhà hoạt động Rohingya ủng hộ cộng đồng Rohingya tại Thái Lan và vận độïng cho việc bảo vệ những người này.
Nhưng ông không hy vọng là nỗ lực của ông để vận động khối ASEAN sẽ mang lại kết quả. Theo ông, ASEAN không có ý chí chính trị đểû thách thức chính quyền Miến Điện.
Ông Kalam nói: "ASEAN có thể đưa ra những quyết định, nhưng nhà cầm quyền Miến Điện sẽ không chấp nhận những quyết định đó. Theo tôi, ASEAN không thể thảo luận những vấn đề này với chính phủ Miến Điện."
Rohingya là những người hồi giáo thiểu số sống trong bang Rakhine tại Miến Điện, nhưng chính phủ không công nhận họ là công dân Miến Ðiện.
Hằng trăm ngàn người Rohingya đã bỏ chạy sang nước láng giềng Bangldesh, hay dùng tàu thuyền đến các nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Cũng như người đàn ông đã nói chuyện với đài VOA, những người Rohingya nói rằng tất cả những gì họ mong ước chỉ là được sống cuộc sống không bị áp bức tại một đất nước mà họ có thể xây dựng tương lai cho con cái mà không phải sợ hãi nhà chức trách.
Người đàn ông Rohingya này cho biết người Rohingya mong ước được sống ở bất cứ nơi nào chịu chấp nhận họ, ông nói: ở bất cứ nơi nào, ngoại trừ Miến Điện.
Đọc nhiều nhất
1