Đường dẫn truy cập

Vụ tai tiếng Blagojevich


Trong những tháng cuối năm 2008 vừa qua người dân bang Illinois của Hoa Kỳ vô cùng hãnh diện khi ông Obama, thượng nghị sỹ bang này, đã thắng cử vẻ vang vào chức vụ tổng thống Hoa Kỳ, trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Thế nhưng chiếc ghế ông bỏ trống tại thượng viện lại gây ra một vụ tai tiếng và nội vụ đang được điều tra và có thể nhân vật chính liên quan đến vụ này, thống đốc bang Illinois, ông Rod Blagojevich, có thể sẽ bị truy tố.

Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ trình bày cùng quí thính giả đôi nét về ông Blagojevich và cách tổ chức guồng máy công quyền và hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ hầu đối phó với các vụ tham nhũng và lạm quyền của các chính trị gia. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn chính trị học tại đại học George Mason, bang Virginia đã đóng góp trong câu chuyện hôm nay, mời quí vị theo dõi với Lan Phương sau đây.

Xuất thân từ một gia đình di dân gốc Serbia đến Hoa Kỳ năm 1947, ông Rod Balgojevich ra đời năm 1956 tại thành phố Chicago, bang Illinois và trải qua thời niên thiếu cực khổ làm việc để phụ giúp cha mẹ nuôi gia đình. Ông từng làm những công việc như đánh giày, giao bánh pizza. Và để dành dụm tiền để theo học đại học, Rod Blagojevich đã đi rửa bát. Là một sinh viên hạng xoàng, ông tốt nghiệp đại học Pepperdine, ngành luật, năm 1983. Nhờ những quen biết của bố vợ, ông tiến vào guồng máy công quyền trong chức vụ trợ lý công tố viên của một quận hạt trong bang Illinois. Năm 1992, cũng nhờ sự hỗ trợ của bố vợ, ông đã thắng được ghế đại biểu tại hạ viện bang Illinois.

Với kinh nghiệm của một công tố viên hình sự, sau khi đắc cử vào hạ viện của bang Illinois, ông đã đưa ra nhiều dự thảo luật, mà ông cho là sẽ có tác dụng củng cố hệ thống tư pháp và giảm được con số các tội hình sự trong bang.

Năm 1996, ông Blagojevich đã bỏ ghế đại biểu trong hạ viện của bang và ra tranh chức vụ dân biểu liên bang, trong tư cách là ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Cũng nhờ sự yểm trợ của bố vợ, ông đã thắng đối thủ của đảng Cộng Hòa. Sau đó, ông liên tiếp trúng cử 2 nhiệm kỳ nữa.

Năm 2002 ông ra tranh chức thống đốc bang Illinois và trúng cử. Vào tháng 10 năm nay, khá lâu trước khi có tin ông bị bắt vì những cáo trạng tham nhũng, sự ủng hộ của dân trong bang dành cho ông đã xuống thấp tới mức kỷ lục, và ông bị gọi là 'thống đốc ít người ủng hộ nhất của nước Mỹ'.

Khi ông Obama đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, chiếc ghế thượng nghị sỹ liên bang đại diện cho Illinois đã bỏ trống, và theo luật của bang này, thống đốc là người có quyền chọn một người khác để bổ nhiệm vào chức vụ đó cho đến hết nhiệm kỳ.

Theo tin cho biết thì vào ngày 15 tháng 12, ông Blagojevich và trưởng ban nhân viên của ông, ông John Harris đã bị bắt cùng một lúc và bị đưa về trụ sở của FBI tại Chicago vì tội danh mưu toan sử dụng quyền hành để bán chiếc ghế thượng nghị sỹ đối lấy những lợi lộc. Người ta đã ghi âm được lời của ông qua điện thoại, nói rằng đây là cơ hội béo bở, và dại gì ông lại cho không chiếc ghế ấy cho ai. Theo cáo trạng thì ông Blagojevich mưu toan đánh đổi quyền bổ nhiệm này để lấy một chức vụ bộ trưởng trong nội các mới của tổng thống Obama hoặc một chức vụ nắm giữ nhiều quyền hành trong công đoàn và còn mưu cầu lợi lộc cho vợ ông nữa. Ông đã được tại ngoại hầu tra, vẫn đến sở làm như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Hôm thứ ba vừa qua, thống đốc bang Illinois lại đưa ra một hành động thách thức dư luận khi tuyên bố hành xử quyền cuả thống đốc bổ nhiệm ông Roland Burris, một người từng cầm đầu ngành tư pháp của bang Illinois, vào chiếc ghế thượng nghị sỹ còn bỏ trống trong lúc đang có những nỗ lực từ bang này đòi ông từ chức, truy tố ông, hay bãi nhiệm hoặc luận tội ông.

Hầu như toàn thể các nhà lập pháp tại thượng viện Hoa Kỳ đều đã khẳng định rõ là họ sẽ không chấp nhận bất cứ người nào do ông Blagojevich bổ nhiệm, bất kể người ấy là ai.

Ông Blagojevich vẫn một mực nói rằng ông không làm gì sai trái, và sẽ tiếp tục chống lại những lời cáo buộc sai sự thật, dĩ nhiên là qua những thủ tục tranh tụng pháp lý, và do đó vụ việc có lẽ sẽ còn kéo dài rất lâu.

Ban Việt ngữ đã tiếp xúc với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy về môn chính trị học tại đại học George Mason. Giáo sư cho biết về những vũ khí mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã đề ra để chống lại những tệ đoan tham nhũng và lạm dụng quyền trong guồng máy công quyền.

Nguyễn Mạnh Hùng: Điểm quan trọng nhất của các nhà lập hiến, lập pháp Hoa Kỳ hồi xưa là bảo vệ quyền tự do cá nhân. Họ quan niệm chính quyền nào nhỏ nhất là tốt nhất, để không gian rộng rãi cho người dân được hành xử quyền tự do của họ. Còn để tránh lạm quyền họ quan niệm rằng”power tempts to corrupt quyền lực dễ trở nên thối nát; mà càng nhiều quyền lực càng thối nát, vì thế họ tạo ra một thể chế gọi là tam quyền phân lập để kiềm chế lẫn nhau. Định chế đó áp dụng cho việc bảo vệ tự do của con người, và đồng thời bảo vệ để chống lại các tệ nạn khác, trong đó có cả tệ nạn tham nhũng.

Giáo sư Hùng nhấn mạnh đến nhiệm kỳ trọn đời của các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ và những định chế quan trọng nhất trong xã hội để bảo vệ cho công lý.

Nguyễn Mạnh Hùng: Thực ra là ở bên này điều quan trọng nhất là tòa án được độc lập. Còn tòa án cao nhất là Tối Cao Pháp Viện thì các thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời, họ là sự liên tục của quốc gia. Trong khi hành pháp và lập pháp thì cứ thay đổi trong các nhiệm kỳ khoảng 2, 4, hay là 6 năm. Cho nên các thẩm phán này một khi đã được bổ nhiệm họ không bị lệ thuộc hành pháp, và họ hành sử quyền tư pháp của họ một cách rất độc lập; đó là điểm quan trọng. Điểm quan trọng thứ hai là tự do báo chí, báo chí sẽ hỗ trợ cho những biện pháp này để chống những vụ lạm quyền. Các vụ lạm quyền sẽ bị báo chí khui ra ngay lập tức. Thành ra 2 định chế quan torng nhất, ngoài quyền tự do cá nhân, là quyền độc lập của tư pháp và sự tự do của báo chí để chống lại những tệ đoan xã hội và chống lại những lạm quyền của hành pháp mà không sợ bị trả thù.

Ngoài ra tính cách công bằng trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ còn được thể hiện qua nguyên tắc dành cho bị cáo những quyền pháp lý.

Nguyễn Mạnh Hùng: Thứ nhất là có công tố viện, thứ hai là bị cáo có thể nhò luật sư bảo vệ cho họ, và thứ ba, quan trọng nhất, là quan niệm cho rằng bị cáo được coi là vô tội cho đến khi bị tòa án tuyên bố là có tội. Và phải có bằng chứng rõ rệt, những bằng chứng đó phải thu thập bằng những phương pháp hợp lý, hợp pháp chứ không phải phương pháp bất hợp pháp như nghe lén là không được. Đó là những biện pháp tối thiểu bảo vệ cho bị cáo. Còn trong trường hợp như ông Balgojevich thì ông ấy trong tư cách bị cáo có thể hành sử những quyền đó, và ông cũng có thể hành sử quyền thống đốc của ông để thay đổi người nọ người kia. Chúng ta nhớ là thời trước, ông Nixon cũng đã thay thế một công tố viên trong vụ xử án Watergate, nhưng cuối cùng thì công lý của Mỹ vẫn thắng.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG