Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Thái Lan tuyên bố không từ chức


Thủ Tướng Thái Lan nói rằng, ông sẽ không từ chức mặc dầu có lời kêu gọi của quân đội sau khi xảy ra đổ máu tại một cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tuần trước. Từ Bangkok, Thông tín viên đài VOA Ron Corben gởi về bài tường thuật sau đây.

Thủ Tướng Thái Lan, ông Somchai Wongsawat, hôm thứ Sáu nói với các nhà báo rằng ông sẽ không từ chức, và bày tỏ quyết tâm ở lại chức vụ, bất chấp lời kêu gọi ông từ chức do các tướng lãnh quân đội đưa ra.

Trong cuộc biểu tình chống chính phủ hôm mùng 7 tháng Mười vừa qua ít nhất đã có 2 người thiệt mạng và 400 người khác bị thương khi cảnh sát và lực lượng biên phòng đã bắn lựu đạn cay và tia lửa vào hằng ngàn người biểu tình ở bên ngoài trụ sở quốc hội. Ít nhất cũng có 20 cảnh sát viên bị thương trong vụ này.

Thủ Tướng Somchai nói rằng, chính phủ sẽ chờ kết quả cuộc điều tra trước khi đưa ra quyết định về hành động kế tiếp. Ông nói rằng, ông phải tiếp tục các công việc chính thức, trong đó có việc tổ chức nghi thức tang lễ sau khi một người chị của Quốc Vương qua đời, và tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Á vào tháng 12 sắp tới.

Hôm thứ Năm, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Thái Lan, Tướng Anupong Paochinda, lên tiếng trên đài truyền hình quốc gia đã kêu gọi chính phủ nhận trách nhiệm và từ chức.

Ông Somchai đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng hồi tháng Chín vừa rồi sau khi Thủ Tướng trước đó, là ông Samak Sundaravej, bị buộc phải từ chức vì có xung khắc quyền lợi.

Liên Minh Dân Chủ Nhân Dân, nhóm tổ chức biểu tình hôm Thứ Sáu , cũng kêu gọi chính phủ từ chức.

Một người biểu tình nói với đài VOA rằng, chính phủ cần lưu ý tới lời kêu gọi từ chức của Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội: “Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với Tướng Anupong Paochinda - chính phủ phải từ chức ngay.”

Nhà phân tích chính trị Chris Baker nói rằng, Thủ Tướng Somchai có thể bị áp lực phải ở lại chức vụ để trợ giúp anh vợ ông là cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, người đang phải đối mặt với nhiều vụ án.

Ông Thaksin đã trốn sang Anh quốc hồi tháng Tám vừa qua trong thời gian diễn ra một vụ án quan trọng về tham nhũng. Kể từ đó, các tòa án đã ban hành nhiều lệnh bắt giữ ông.

Liên Minh Dân Chủ Nhân Dân đã cáo buộc chính phủ của ông Somchai hành động giống như là đại diện của ông Thaksin. Các nhà phân tích nói rằng, chính phủ này đang tìm cách sửa đổi hiến pháp để ngăn chặn các cuộc điều tra và những tiến trình pháp lý chống lại ông Thaksin, cùng gia đình ông và những người ủng hộ ông.

Nhà phân tích chính trị Chris Baker nói: “Tôi nghĩ rằng cách duy nhất để có thể giải thích chuyện đó là ông Thaksin đã gây nhiều áp lực lên em rể ông để ở lại chức vụ và cố gắng chịu đựng các khó khăn. Chuyện này thật sự có nhiều nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng, điều ưu tiên là tìm cách đảo ngược càng nhiều hành động của tòa án càng tốt - như vậy có nghĩa là họ phải tìm cách giữ vị đương kim Bộ Trưởng Tư Pháp này ở lại chức vụ.”

Nền chính trị của Thái Lan vẫn còn chia rẽ sâu sắc. Ông Thaksin được bầu lên năm 2001, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại vùng nông thôn, nhờ các chính sách chăm sóc sức khỏe ít tốn kém và các ngân quỹ giúp đỡ làng xóm thôn quê.

Nhưng giới trung lưu ở thành thị đã tố cáo ông Thaksin và những người ủng hộ ông là lạm dụng quyền thế. Những lời kêu gọi ông Thaksin từ chức hồi năm 2006 đã dẫn tới cuộc đảo chánh của quân đội hồi tháng Chín năm đó.

Trước tình hình hiện nay, Quân đội Thái Lan nói rằng, họ loại bỏ giải pháp đảo chánh, và kêu gọi chính phủ dàn xếp những vấn đề này qua tiến trình chính trị.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG