Trong khi Quốc hội thảo luận về kế hoạch cứu nguy các định chế tài chính bị các khoản nợ khó đòi, hôm thứ tư Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Ben Bernanke nói với các nhà lập pháp rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ có thể xảy ra các hậu quả rất nghiêm trọng, nếu như không có biện pháp giải quyết. Thông tín viên Barry Wood có thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Lên tiếng trước Ủy ban Kinh tế Lưỡng viện hôm thứ tư, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Bernanke cảnh báo rằng chớ nên cắt giảm ngân khoản 700 tỉ đôla của kế hoạch cứu nguy đã được Bộ Tài chính dự thảo và đề nghị.
Ông nói rằng kế hoạch, mà có lẽ Quốc hội sẽ biểu quyết vào cuối tuần này, rất cần để cứu vãn nền kinh tế Hoa Kỳ vốn đã suy yếu.
Chủ tịch Bernanke nói rằng mặc dù 700 tỉ đôla là một khoản tiền rất lớn, nhưng thực ra nó chỉ tương đương với 5% trị giá của toàn bộ số nợ to lớn cho vay để mua nhà của Hoa Kỳ, với tổng trị giá lên đến 14.000 tỉ đôla.
Chương trình được đề nghị là nhằm mục tiêu bán đi những khoản nợ liên quan đến tiền cho vay mua nhà mà bộ Tài chính nói rằng trong tương lai, giá trị có thể tăng lên.
Tuy nhiên các nhà lập pháp của cả 2 đảng, vẫn còn hoài nghi về kế hoạch này, nói rằng họ muốn có những bảo đảm là kế hoạch này có lợi cho những người dân Mỹ bình thường đang sở hữu căn nhà của họ, cũng như lợi ích mà nó mang lại cho thị trường tài chính Wall Street của Hoa Kỳ.
Chủ tịch Bernanke nói rằng kế hoạch cứu nguy tài chính nếu thành công sẽ không làm gia tăng lạm phát và lãi suất sẽ không gia tăng.
Ông Bernanke nói: “Nếu thực sự kế hoạch này giúp các thị trường tài chính được vững mạnh, mở rộng hoạt động tín dụng, và giúp nền kinh tế tăng trưởng, thì lúc đó có lẽ Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất sớm hơn là nếu như nền kinh tế không vực dậy được. Tuy nhiên đó là chuyện bình thường trong quá trình hồi phục.”
Trả lời câu hỏi về các yếu tố tương tự giữa cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và giai đoạn đầu trong cuộc suy thoái liên tục của vụ Đại Khủng Hoảng Kinh Tế trong thập niên 1930, Chủ tịch Bernanke giải thích rằng khi có những trục trặc lớn trong khu vực tài chính, trong tiến trình tạo tín dụng, thì nó có thể ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng và thị trường nhân dụng trong nền kinh tế. Và hệ quả này không những chỉ đúng ở Hoa Kỳ mà còn ở một số quốc gia, cả các thị trường mới vươn lên và các quốc gia công nghiệp.
Chủ tịch Ngân hàng Trung Ương nêu lên rằng các thị trường lao động đang trong tình trạng sút kém và mức thất nghiệp cao, và ông nói rằng, mặc dù giá xăng dầu đã hạ bớt, có phần chắc là trong ngắn hạn, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn bị trì chậm.
Thêm vào đó do đà tăng trưởng chậm hơn, các nước trên khắp thế giới có phần chắc sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ. Trước đây, lượng hàng xuất khẩu vẫn là điểm tựa của nền kinh tế Mỹ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1