Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ, Ba Lan ký thỏa thuận phòng thủ phi đạn


Hoa Kỳ và Ba Lan đã chính thức ký thỏa thuận bố trí các phi đạn của Mỹ tại quốc gia Đông Âu này. Hoa Kỳ nói rằng cần đến các phi đạn để phòng vệ trước những cuộc tấn công của các quốc gia hiểm ác như Iran; Nga thì nói rằng việc bố trí phi đạn đe dọa đến an ninh của Nga. Từ London, thông tín viên Sonja Pace của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã có mặt tại Warsaw để ký thỏa thuận với ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. Bà Rice cho biết thỏa thuận này sẽ giúp cả hai nước phòng vệ chống lại các mối đe dọa của thế kỷ thứ 21.

Bà Rice nói: “Đây là một thỏa thuận tăng cường thêm sự hợp tác về phòng vệ giữa Ba Lan và Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, thỏa thuận có tác dụng trong khuôn khổ liên minh lớn của chúng tôi với NATO và các cam kết theo Điều khoản số 5 mà chúng tôi có với nhau trong liên minh đó.”

'Chỉ để phòng vệ'

Hoa Kỳ sẽ đặt tới 10 phi đạn nghênh cản tại Ba Lan trước năm 2013. Việc bố trí phi đạn này là một phần của một hệ thống phòng thủ phi đạn lớn hơn bao gồm một cơ sở radar ở nước Cộng hòa Czech, cùng với các cơ sở đã thiết lập tại Hoa Kỳ, Greenland và Anh.

Hoa Kỳ lâu nay vẫn lập luận rằng hệ thống phòng thủ phi đạn là cần thiết để phòng vệ chống lại các cuộc tấn công phi đạn tầm xa từ các quốc gia bất hảo. Phát biểu tại Warsaw, Ngoại trưởng Rice một lần nữa minh định điểm này.

Bà Rice nói: “Phòng thủ phi đạn dĩ nhiên không nhắm vào ai cả. Chúng tôi chỉ làm việc này để tự phòng vệ mà thôi.”

Nga phủ nhận lập luận đó và nói rằng việc bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn ở Châu Âu nhằm mục đích gây phương hại cho khả năng phi đạn của chính nước Nga và đe dọa đến nền an ninh của Nga. Thỏa thuận được ký vào lúc căng thẳng gia tăng với Nga về vụ xung đột tại Gruzia và giữa áp lực của Tây phương đè nặng lên Matxcơva buộc nước này rút quân ra khỏi lãnh thổ Gruzia.

Căng thẳng Nga-phương Tây

Bề ngoài thì các hành động quân sự của Gruzia nhắm vào các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Nam Ossetia ly khai đã châm ngòi cho vụ xung đột với Nga. Nhưng phản ứng mãnh liệt của Nga được nhiều người coi là nhằm mục đích dạy cho Gruzia một bài học về khát vọng gia nhập cả Liên hiệp Châu Âu lẫn NATO.

Phát biểu tại một cuộc họp ở Bruxelle hôm qua, bà Rice nói rằng Nga không có quyền quyết định ai có thể gia nhập liên minh Tây phương. Và tại Warsaw, bà ca ngợi hành trình của Ba Lan đi từ khối Xô Viết cũ đến chỗ hiện đã trở nên một thành viên trung kiên của cả Liên hiệp Châu Âu lẫn NATO.

Thỏa thuận phòng thủ phi đạn với Ba Lan còn phải được sự phê chuẩn của Quốc hội nước này.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG