Đường dẫn truy cập

Chủ nghĩa dân tộc đóng vai trò gì trong vụ xung đột Gruzia?


Vụ xung đột ở Gruzia có liên hệ đến những khẳng định đối nghịch nhau về lãnh thổ, kinh tế, chính trị và văn hóa giữa những người ở Gruzia, Ossetia và Nga. Hỗ trợ cho các khẳng định đó là lai lịch về sắc tộc, hình thành bởi ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và liên hệ họ hàng. Đi đến chỗ cực đoan thì bản chất sắc tộc có thể biến thành chủ nghĩa dân tộc, nâng nhận thức về sắc tộc và quyền lợi của một nhóm người lên trên tất cả mọi người khác. Thông tín viên Peter Fedensky của đài VOA ở Matxcơva có bài tường thuật sau đây.

Những cuộc di dân phức tạp và những thay đổi về thành phần dân số, qua nhiều thế kỷ, đã đặt người dân ở Ossetia và Gruzia vào con đường va chạm đưa đến nhiều mức độ xung đột giữa hai bên, mới đây nhất là vụ xung đột tại vùng Caucase.

Người dân Ossetia và Gruzia nói các thứ tiếng khác nhau. Thậm chí họ không có cùng một tên cho vùng đất mà cả hai bên tìm cách nắm quyền kiểm soát. Khu vực mà người Ossetia gọi là Nam Ossetia thì giới hữu trách Gruzia lại muốn gọi là vùng Tskhinvali hơn.

Ông Alexander Rondelli, chủ tịch Quỹ Khảo cứu Quốc tế và Sách lược của Gruzia tại Tbilisi, nêu nhận xét rằng ngôn ngữ là một động cơ thúc đẩy mạnh và đôi khi rất nguy hiểm trong nhiều xã hội trên khắp thế giới.

Ông Rondelli nói: "“Đó là một cảm nghĩ rất mạnh; rất mạnh bởi lẽ nó động viên mọi người. Tôi có thể nói đó là một sự động viên bằng ngôn ngữ. Đó là một điều đưa mọi người lại gần nhau. Và đó là một điều mà mọi người thực sự sẵn sàng hy sinh tính mạng.”

Và tại Gruzia, người ta đang bị sát hại. Mặc dù rất khó xác nhận số thương vong, cả hai bên đang tố cáo nhau là thanh tẩy sắc tộc. Human Rights Watch, một tổ chức quốc tế phi chính phủ, cho biết người dân ở Ossetia đã tấn công các làng mạc của người Gruzia. Nga tố cáo Gruzia về tội diệt chủng trắng trợn nhắm vào người Ossetia, một nhóm sắc tộc nhỏ nằm giữa biên giới bắc Gruzia và nam Nga.

Ông Hasa Dzutsev, giáo sư xã hội học tại Học Viện Khảo cứu Xã hội và Nhân đạo Bắc Ossetia ở Vladikavkaz nói với đài VOA rằng mọi người dân Ossetia đều muốn tái thống nhất.

Ông Dzutsev nói rằng tái thống nhất là một ước mơ từ ngàn đời, và ông nêu ra rằng từ năm 1922, người dân Ossetia đã sống chung trên cùng một lãnh thổ, nhưng dưới thời Stalin, họ đã bị chia cách một cách giả tạo khi Nam Ossetia được chuyển cho Gruzia và miền Bắc được giao cho Nga.

Ông Alexander Rondelli cho rằng Bắc và Nam Ossetia là hai trong số nhiều vùng tự trị được lập ra giữa các biên giới các nước cộng hòa Xô viết cũ, với ý đồ nuôi dưỡng căng thẳng sắc tộc trong một chiến thuật ‘chia để trị’ cổ điển. Ngày nay, quân đội Nga nhận một vai trò gìn giữ hòa bình tại Nam Ossetia. Người Gruzia gọi họ là những kẻ xâm lược và e sợ là điện Kremli đang tìm cách tiêu diệt nền dân chủ mong manh của họ.

Tại Matxcơva, phân tích gia chính trị độc lập Alexander Konovalov nói rằng các dự án công nghiệp khổng lồ trong thời kỳ cộng sản đã làm thay đổi thành phần sắc tộc của các nước cộng hòa Xô viết, vì nhiều người nói tiếng Nga đã được gửi đến để xây dựng, tỷ như một nhà máy điện hạt nhân ở Lithuania hay một nhà máy bông sợi tại Trung Á.

Ông Konovalov cho rằng sự kiện này tạo ra một quả bom nổ chậm về sắc tộc, đã phát nổ sau khi liên bang Xô viết sụp đổ, khi nhiều dân tộc ở Liên bang Xô viết cũ tìm cách lấy lại ngôn ngữ và lai lịch sắc tộc của họ. Ông Konovalov nêu ra rằng nhiều người Nga, kể cả bản thân ông, không cảm thấy sự cần thiết phải xác nhận lai lịch sắc tộc của mình.

Chuyên gia phân tích này nói rằng có nhiều người Nga ở Liên bang Xô viết và như một quy luật, các nhóm sắc tộc lớn thường có khuynh hướng không chú ý đến lai lịch của các sắc dân khác và không quan tâm quá mức tới lại lịch của chính mình. Ông cho rằng không có nhu cầu xác nhận lai lịch, bởi lẽ điều rõ ràng người Nga là người Nga.

Tuy nhiên, các khối sắc tộc nhỏ hơn rất nhậy cảm về khả năng bị lệ thuộc và thậm chí bị tiêu diệt. Có khoảng 500,000 người Ossetia, trong đó có áng chừng 70,000 người ở Gruzia. Theo ông Hasan Dzutsev, người dân ở Nam Ossetia rất sợ bị người Gruzia đồng hóa hoàn toàn, một điều mà chính phủ Gruzia cho là không có cơ sở.

Ông Alexander Konovalov cho rằng vụ xung đột ở Gruzia có liên quan đến hai nguyên tắc tuy cơ bản nhưng đối nghịch nhau về quan hệ quốc tế, mà ông nói là đề ra một mối đe dọa cho nền an ninh toàn cầu.

Ông Konovalov nói rằng nguyên tắc thứ nhất là sự bất khả xâm phạm biên giới quốc tế đã được đề ra bởi Liên hiệp quốc và điều luật chung quyết của Hiệp ước Helsinki năm 1975. Ông nói rằng cũng còn nguyên tắc về quyền tự quyết của các dân tộc đã được xác định trong văn bản ‘14 Điểm’ của tổng thống Mỹ Woodrow Wilson năm 1918. Ông Konovalov cho rằng không có trường hợp ngoại lệ nào – phía bên này hoặc phía bên kia trong mọi cuộc xung đột sắc tộc liệt kê ra nguyên tắc này hay nguyên tắc kia.

Chuyên gia phân tích này nói rằng luật quốc tế chưa quy định nguyên tắc nào là ưu tiên. Vì thế, nhu cầu của một nhóm sắc tộc về lãnh thổ độc lập đòi ngôn ngữ và văn hóa của mình đạt được thành quả chính trị và kinh tế đụng chạm đến một nhóm sắc tộc khác cần đến cùng một lãnh thổ đó để bảo vệ các quyền lợi sống còn của mình.

Mỗi chuyên gia được phỏng vấn trong bài viết này đều liệt ra các trường hợp điển hình về các xã hội đa sắc tộc vận hành tốt – như Thụy Sĩ và Canada. Vùng Caucase là một nơi mà những cảm giác thù nghịch đã bùng ra thành những vụ đổ máu. Người Chechnya chống lại người Nga, người Ingushetia chống lại người Ossetia, người Armenia chống lại người Azeri và người Abkhazia tranh giành với người Gruzia.

Cuộc chiến tranh bùng nổ giữa người Ossetia và người Gruzia là một cuộc đấu tranh sắc tộc mang ý nghĩa toàn cầu về dầu khí, dân chủ và ảnh hưởng chính trị trong thế giới thời hậu Xô Viết.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG