Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Laura Bush đã đến thăm trại tị nạn trong vùng biên giới Thái Lan và Miến Điện. Đối với bà Bush nỗi thống khổ của nhân dân Miến Điện vừa là chính nghĩa để bà theo đuổi giúp đỡ vừa là tiếng gọi để bà phải hành động. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của phu quân bà, bà Bush đã thay lời của họ lên tiếng thục giục thế giới có lập trường mạnh đối với chế độ quân nhân Miến Điện. Và tại Thái Lan trong khi ông Bush tập trung vào vấn đề chính sự bà Bush đã đáp máy bay vận tải quân sự đến thăm trại tị nạn trong biên giới Thái Lan -Miến Điện. Thông tín viên Paula Wolfson của đài VOA tháp tùng trong chuyến đi này và gửi về bài tường thuật sau đây.
Cơn mưa nhỏ nhưng không dứt vào lúc đoàn đi thăm trại tị nạn Mae La tiến gần đến trại. Những đám mây dày đặc che khuất phần nào các đỉnh núi nằm phía sau trại. Bên kia các ngọn núi là Miến Điện.
Các thiếu niên trong trại tị nạn Mae La chào mừng Đệ nhất Phu nhân Mỹ bằng một điệu múa cổ truyền của người Miến Điện, điệu múa từ một nước mà phần lớn đều chưa bao giờ xem.
Hầu như toàn bộ 16,000 ngàn học sinh ở trại tị nạn này sinh ra trong trại, và một số cha mẹ của các em cũng vậy. Họ sống trong cảnh bị lãng quên ở Mae La, trại lớn nhất trong 9 trại tị nạn nằm trên biên giới Thái Lan và Miến Điện.
Theo con số báo cáo chính thức thì dân trong trại khoảng từ 38,000 đến 40,000. Nhưng số liệu không chính thức ghi nhận con số này cao hơn nhiều..
Đệ nhất Phu nhân Laura Bush nhận định về tình cảnh của họ như sau: “ Đây là một thảm kịch. Những người dân này rất muốn trở về quê nhà của họ, họ yêu đất nước của họ và muốn được cùng sống với gia đình trên chính đất nước của họ.”
Trại Mae La có nhiều trẻ em đến nỗi có đến 26 trường học. Các ngôi trường này được dựng lên thật đơn sơ với các bức tường bằng tre chỉ cao đến thắt lưng bao quanh những nền đất.
Tại một lớp dạy tiếng Anh, bà Bush đã đứng xem các nam sinh viết cảm nghĩ của các em trên một tấm bảng phấn.
Một cậu viết “Cuộc sống của em trong trại tị nạn dễ chịu hơn ở Miến Điện, nhưng em không có cơ hội để ra khỏi trại.”
Ông Mahn Htun Htun là một trong những người tị nạn ngồi họp trong hội đồng quản lý trại. Ông nói rằng mọi người đều khao khát trở về quê nhà, nhưng không có đường về trong khi tập đoàn quân nhân vẫn còn cai trị Miến Điện. Ông kêu gọi bà Bush giúp đỡ những người muốn rời trại và tái định cư ở nơi khác.
Ông Mahn Htun Htun nói:”Ước mơ của chúng tôi là chúng tôi muốn được về quê hương. Nhưng nếu không có hòa bình và dân chủ ở Miến Điện, thì sẽ không trở về quê nhà được.”
Những người từng làm việc với người dân tị nạn trong trại Mae La thường nói đến họ như những người “khắc kỷ”. Trại tị nạn không có điện, không có nước máy. Nhưng họ vẫn tin rằng có thể xây dựng một đời sống tốt đẹp hơn.
Bà Bush đã trải qua thời gian trong trại với những người tị nạn ở những giai đoạn khác nhau trong tiến trình tái định cư. Một số đang chuẩn bị để đến sinh sống trong một nền văn hóa khác. Những người khác thì đang xếp hành lý và chào từ biệt mọi người.
Phu nhân Laura Bush nói: “Tôi biết rằng nhiều gia đình ở đây muốn được về quê nhà hơn, nhưng vì tình hình tại Miến Điện khiến cho họ không thể trở về, và vì nhiều người ở đây quá lâu đến nỗi họ không còn hy vọng được trở về quê hương và đã quyết định đi Mỹ hay các nước khác.”
Trại tị nạn Mae La được thành lập từ năm 1984. Ban đầu trại chỉ là một khu định cư nhỏ cho người sắc tộc Karen ở Miến Điện; họ chạy trốn các vụ bạo động ở quê nhà.
Nằm cách trại khoảng 45 phút đường xe hơi là chẩn y viện Mae Tao, một cơ sở được dựng lên để giúp những người tị nạn và những người di cư.
Bà Bush đã đi thăm một vòng cơ sở này trước khi rời vùng biên giới và để lại những kiện hàng tiếp tế, trong đó có hàng ngàn chiếc mùng để giúp ngừa bệnh sốt rét, một đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân trong vùng.