Đường dẫn truy cập

Cuộc đời và sự nghiệp của văn hào Solzhenitsyn


Tác giả người Nga, ông Alexander Solzhenitsyn đã qua đời tại Maxcova hưởng thọ 89 tuổi. Những tuyệt tác của ông như cuốn 'Quần Đảo Ngục Tù' và 'Một Ngày Trong Ðời của Ivan Denisovich' đã làm thế giới sững sờ, và cung cấp một bằng chứng không thể chối cãi được về sự khủng khiếp trong các trại lao động cải tạo dưới chế độ Xô viết. Các nhà viết sử cho rằng các tác phẩm của ông đã có công đóng một vai trò đáng kể trong sự sụp đổ chế độc tài Cộng Sản tại Nga, cũng như khắp vùng Đông Âu và Trung Âu Châu. Theo ghi nhận của phóng viên Peter Heinlein của đài VOA từng làm việc tại Mascova, Solzhenitsyn chiếm vị trí tác giả có lẽ là vĩ đại nhất và gây ảnh hưởng nhiều nhất của nước Nga trong thế kỷ thứ 20.

Đó là tiếng nói của ông Alexander Solzenitsyn. Tiếng nói vang lên qua các sóng phát thanh của đài Tiếng nói Hoa Kỳ hướng về Liên Bang Xô Viết, một biểu tượng đầy thế lực của thời chiến tranh lạnh, đến với hàng triệu con người phía sau bức màn sắt.

Không ai biết có bao nhiêu công dân Xô viết đã vây quanh chiếc máy radio có luồng sóng ngắn, chống lại sự phá rối của Mascova, để lắng nghe một tác giả nổi danh đang đọc cuốn tiểu thuyết mới nhất bị cấm xuất bản của ông.

Nhưng về chuyện này thì chúng ta biết. Nó có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Ông Alexander Solzhenitsyn luôn nuôi ý định làm nhà văn, nhưng ông đã không thể hình dung được chuyện đó chung cuộc sẽ xảy ra như thế nào.

Ông đã lớn lên như một người nhiệt tình theo Lenin ở miền Nam nước Nga. Ông được một học bổng của Stalin để theo học toán và vật lý, và đã lấy những lớp học hàm thụ về văn chương.

Tốt nghiệp ngay vào lúc Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, ông đã gia nhập quân đội, và lên tới chức đại úy pháo binh.

Nhưng vào lúc chiến tranh chấm dứt năm 1945, hệ thống kiểm duyệt Sô Viết đã bắt được một lá thư ông viết gửi một người bạn có chứa một mẩu chuyện giễu cợt về Stalin. Lời nhận định trong lá thư tuy chỉ bình thường nhưng đã khiến ông phải chịu thống khổ đến tám năm trời trong ngục tù.

Kinh nghiệm này đã thay đổi cuộc đời ông. Ông không được phép viết nhật ký, vì vậy ông đã nghĩ trong đầu và ghi nhớ trong ký ức từng chuyện đã xảy ra trong ngục tù.

Khi ông được phóng thích, ông bắt đầu ghi lại trên giấy những gì ông nhớ được. Cuốn sách đầu tiên ‘Một Ngày Trong Ðời Ivan Denisovich - A Day in the Life of Ivan Denisovich’ đã mô tả rành rọt những chuyện tốt cũng như xấu trong các trại tù khổ sai.

Cuốn tiểu thuyết mỏng chỉ có 68 trang xuất hiện lần đầu trên tạp chí văn học Novy Mir năm 1962, khi lãnh đạo Xô viết bấy giờ là Nikita Krushchev đã nới lỏng bớt các hạn chế gay gắt thời Stalin. Được biết chính bản thân Krushchev đã chấp thuận việc cho xuất bản, mà không biết được ảnh hưởng của nó ra sao.

Người viết tiểu sử của Solzhenitsyn là Michael Scammell nói rằng khi cuốn ‘Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich’ được ra mắt công chúng, thì nó đã gây sóng gió.

Ông Scammell nói: “Từ bomshell, có nghĩa là một vụ gây xôn xao dư luận, một từ đã được dùng đến mòn nhẵn. Nhưng riêng trường hợp này, tôi nghĩ nó mô tả đúng tác động của cuốn sách này. Tôi được biết khi những nhà văn người Nga khác và giới trí thức thấy được ấn bản đó in trong tạp chí, họ đã không tin vào mắt họ. Họ đọc một lần, rồi đọc lần thứ hai, và rồi tiếng đồn ầm lên, tiếng đồn lan rộng khắp Mascova như một đám cháy rừng cho rằng chế độ kiểm duyệt đã được bãi bỏ. Cuốn sách đặc biệt đó đã tạo được một tác động xôn xao phi thường đến như thế. Trước đó chưa bao giờ có một sự kiện như vậy. Quả thực, như chúng ta biết Krushchev đã hối hận khi cho phép xuất bản, nhưng đó là ảnh hưởng của cuốn sách vào thời ấy.”

Và cuốn sách đã giúp Alexander Solzhenitsyn nổi danh trong một sớm một chiều.

Ông đã xuất bản cuốn thứ hai có tên ‘Tầng Đầu Địa Ngục - The First Circle’ năm 1968 với sự trợ giúp bí mật mà phần lớn là các phụ nữ ở tuổi trung niên. Các bà luồn lách lệnh cấm xuất bản tác phẩm của ông, giúp ông cất giấu bản thảo, đánh máy thành nhiều bản và phân phát một cách bí mật. Các phụ nữ này còn mang lậu các vi phim ra khỏi Liên Bang Sô Viết để được in ấn tại các nước Tây Phương.

Cuốn 'The First Cicle' ghi nhận những phản ứng của những khoa học gia bị giam giữ vì làm công việc khảo cứu cho hệ thống cảnh sát mật, khi họ bị ép buộc phải chọn hoặc hợp tác làm việc trong các nhà tù khảo cứu, hoặc bị gửi trả lại các trại lao động khổ sai dưới các điều kiện tàn bạo.

Khi tác phẩm 'Tầng Ðầu Ðịa Ngục' phát hành, ông Solzhenitsyn đang được phương Tây ngưỡng mộ, được hoan nghênh như là một tiếng nói hùng hồn chống lại các chính sách áp bức của Liên Xô.

Năm 1970, ông được trao giải Nobel Văn chương.

Nhưng bản cáo trạng nặng nề nhất của ông đối với hệ thống Xô viết vẫn đang phải chờ đợi, và nó sẽ có tác dụng làm lung tay tận gốc rễ nền móng của điện Kremlin .

Văn hào Solzhenitsyn đã viết tác phẩm ‘Quần đảo Ngục Tù’ trong thời gian 10 năm, từ năm 1958 đến năm 1968, nhưng ông không cho phát hành, và sau này ông giải thích rằng trách nhiệm của ông phải bảo vệ cho những người còn sống sâu nặng hơn là đối với những người đã chết.

Nhưng ông đã thay đổi quyết định vào tháng 12 năm 1973, sau khi một bản sao của bản thảo bị mật vụ KGB tịch thu. Điện Kremlin đã ngay lập tức phản ứng giận dữ. Ông Solzhenitsyn đã bị báo chí Xô viết tấn công bằng những lời lẽ thóa mạ.

Vào ngày 12 tháng 2 năm 1974, tác giả cuốn Quần đảo Ngục Tù đã bị bắt và truy tố vì tội phản quốc. Tuy nhiên các quan chức Xô viết quyết định không đưa ông trở lại ngục tù. Ngày hôm sau, ông bị tước quyền công dân và trục xuất khỏi nước.

Vài thập niên sau đó, trong thời kỳ hậu Xô viết, các tài liệu mật của KGB được công bố cho thấy Bộ Chính trị của Xô viết lúc bấy giờ lo ngại về những đe dọa của ông Solzhenitsyn còn hơn là những đe dọa từ phía Hoa Kỳ.

Trong thời gian sống lưu vong, ông Solzhenitsyn đã ở Thụy Sỹ một thời gian ngắn, sau đó ông sang định cư tại Hoa Kỳ.

Ông Solzhenitsyn đã ẩn cư trong một gia trang u nhàn trong bang Vermont, và ông tiên tri rằng Liên Xô đang trong những ngày tàn và ông sẽ có dịp trở về lại quê hương của ông trong tư cách là một người tự do trên một đất nước không còn chế độ Xô viết nữa.

Ông tập trung vào một bộ sách mà ông cho là tác phẩm để đời của ông, đó là bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử khổng lồ gồm 10 tập tìm hiểu nguồn gốc của cuộc cách mạng Bolshevik.

Một phần của cuốn một, nhan đề ‘Tháng 8 năm 1914’ của bộ tiểu thuyết này đã được chính ông Solzhenitsyn đọc và phát sóng trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ vào năm 1983 và 1984.

Nhà văn Solzhenitsyn đã trở thành một biểu tượng chính của phong trào chống đối quyền cai trị của chế độ Xô viết. Trong một bài diễn văn năm 1988, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã viện dẫn tên của ông, và đưa ra một thách thức đối với Chủ tịch nước Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Tổng thống Reagan nói: “ông Gorbachev, hãy mở cửa của đất nước Liên Xô để đón nhận tác phẩm của một đại văn hào và một tác giả có tầm vóc lịch sử , hãy mở cửa đất nước Xô viết để đón nhận tác phẩm của ông Solzhenitsyn.”

Cấu trúc khổng lồ của hệ thống Xô viết bắt đầu rạn nứt. Năm sau đó, những trích đoạn của Quần đảo Ngục Tù được chính thức cho phép đăng trên Novy Mir, một tạp chí văn học mà 27 năm về trước đã phát hành cuốn ‘Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich’

Tháng 8 năm 1990, ông Solzhenitsyn được khôi phục quyền công dân, và một năm sau, các công tố viên Xô viết đã hủy bỏ cáo trạng phản quốc đối với ông. Chỉ trong vòng vài tháng, làn sóng lịch sử đã cuốn phăng đi cả ông Gorbachev lẫn nhà nước Xô Viết, đúng như nhà văn Solzhenitsyn đã tiên đoán.

Khi ông trở về lại Nga vào năm 1994, đa số người Nga dường như xem ông như là một người hoàn toàn không còn liên hệ với thực tại.

Thế nhưng nhà văn nổi tiếng của Mỹ, ông David Remnick, đã có lần viết rằng “không có câu chuyện nào về phẩm giá của con người trong thể kỷ 20 lại tuyệt vời hơn là văn hào Solzhenitsyn.”

Tiếng nói và ngòi bút của nhà văn Solzhenitsyn từng là một đóng góp lớn lao trong việc thay đổi chiều hướng của thể kỷ 20 giờ đây đã ngưng, nhưng ông để lại một dấu ấn không bao giờ nhạt phai. Thành quả văn chương đã đưa ông vào văn đàn của những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của nước Nga, bên cạnh những Dostoevsky, Tolstoy và Pushkin.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG