Giá dầu leo thang gây nên cơn sốt năng lượng cho toàn thế giới. Đồng thời trong những năm gần đây, truyền thông cũng chú ý hơn rất nhiều đến các quốc gia châu Phi, nơi mà Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng của họ và chăm chú vào mục tiêu khai thác tài nguyên tại châu lục này, trong số những tài nguyên đó có dầu khí. Ban Việt ngữ đài VOA đã phỏng vấn kinh tế gia Đinh Xuân Quân, về tình hình dầu hỏa tại châu Phi. Chuyên gia Đinh Xuân Quân hiện làm việc với cơ quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ, giúp nước Liberia cải tổ hành chính. Mời quí thính giả theo dõi bài phỏng vấn sau đây do Lan Phương thực hiện.
VOA: Thưa ông tại châu Phi, các quốc gia nào là nước có nhiều dầu hỏa và tiềm năng dầu hỏa ở đó ra sao so với Trung Đông?
Ðinh Xuân Quân: Hiện giờ những nước sản xuất nhiều dầu hỏa thì có Nigeria, Angola, Guinea Quatorial,Gabon,Sudan, Libya, Cameroon, Chad. Nhưng những nước có tiếng sản xuất nhiều là Nigeria, Angola, Libya và Algerie. Các nước châu Phi có dầu hỏa nhưng tiềm năng chưa được tìm ra hết. Đó là một. Thứ hai nữa là ở các nước châu Phi dầu hỏa thường ở ngoài biển. Có một số nước như Libya thì dầu ở trong đất liền, nhưng thường ở các xứ như Gabon, Angola hay ở Nigeria, dầu hỏa ở ngoài biển, tìm khó hơn là ở các nước Tung đông. Điều thứ hai, dầu hỏa ở các nước Trung Đông gọi là thứ tốt, lại vừa dễ lấy, và sản xuất dễ hơn là các xứ Phi châu.
VOA: Nigeria được coi là nước sản xuất dầu nhiều nhất châu Phi, nhưng mấy năm gần đây báo chí vẫn nói đến những vụ xung đột, những chuyện bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, vậy xin ông có thể cho biết thêm chi tiết về các cuộc xung đột và nguyên nhân của những tranh chấp đó?
Ðinh Xuân Quân: Nếu đã ở châu Phi rồi thì ai cũng biết, Nigeria là một nước có thể coi là tham nhũng nhất thế giới, đó là một. Cái thứ hai là trong nhiều năm, Nigeria có những chính phủ quân nhân. Khi mà ông tổng thống chết, người ta tìm ra bao nhiêu tỉ bạc gửi ở các ngân hàng bên Thụy Sỹ. Nay thì nước này mới có được một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ. Nhưng hiện giờ tại sao có những tranh chấp? Là tại vì tất cả tiền bán dầu hỏa đều trở về chính phủ trung ương, và chính phủ trung ương không chịu đầu tư vào những vùng có dầu hỏa để cho dân chúng được hưởng. Ví dụ, nhiều vùng có dầu hỏa mà dân chúng vẫn không có điện. Khi dân địa phương họ bất bình thì có cách nào cho chính phủ trung ương để ý hơn? Thì bằng cách là họ bắt cóc một số nhân viên của các hãng dầu hỏa đòi tiền chuộc. Nên nhớ Nigeria là một nước federal, nghĩa là có nhiều tiểu bang, và những tiểu bang có dầu hỏa là những tiểu bang ở phía nam, về phía biển. Chính phủ trung ương đa số theo đạo Hồi, trong khi những chỗ có dầu hỏa thì dân chúng lại theo Thiên chúa giáo.
VOA: Chuyển sang Sudan,quốc gia mà mấy năm trở lại đây vẫn được báo chí nhắc đến vì cuộc xung đột tại Darfur giữa phe Hồi giáo gốc Ả Rập và phe Hồi giáo da đen, xin ông cho biết tiềm năng dầu hỏa của nước này?
Ðinh Xuân Quân: Tiềm năng dầu hỏa của Sudan không kém gì Iraq đâu, nghĩa là họ cũng phải nhất nhì hay ba trên thế giới. Nhưng nhiều vùng ở Sudan còn chưa đánh giá được tất cả các tiềm năng tại vì nhiều nơi là rừng hay là sa mạc.
VOA: Sudan đã từng lâm vào một cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm giữa người Sudan miền bắc là Ả Rập theo đạo Hồi và người da đen miền nam theo Thiên chúa giáo. Các mỏ dầu thì hầu hết lại nằm ở miền nam Mãi đến năm 2004 hai bên mới ký được một hòa ước và nguồn dầu coi như dược chia xẻ tương đối đồng đều. Vậy trong thời gian xảy ra cuộc chiến nam bắc, chuyện gì đã khiến Trung Quốc tiến vào Sudan thay thế Hoa Kỳ?
Ðinh Xuân Quân: Trước hết phải nói rằng các hãng lớn tìm ra dầu tại Sudan là các hãng của Mỹ. Nhưng thời gian đó Sudan đã bị Hoa Kỳ cấm vận, do đó các hãng dầu hỏa của Hoa Kỳ phải rút ra. Và khi Hoa Kỳ rút ra thì Trung Quốc vào ngay và họ lấy chỗ của các hãng Mỹ và họ liên hệ rất là chặt chẽ với chính phủ Sudan. Tại sao Sudan bị Hoa Kỳ cấm vận? Vào lúc xảy ra chiến tranh, quân đội chính phủ trung ương miền bắc ném bom bừa bãi, đánh nhau giết chóc rất nhiều.
VOA: Trung Quốc đã tiến vào châu Phi từ bao giờ và sự hiện diện của họ ở tầm mức như thế nào?
Ðinh Xuân Quân: Phải nhớ rằng từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã có mặt tại rất nhiều nước ở châu Phi, nhất là châu Phi miền nam như Tanzania, Zimbabwe. Nhưng sự hiện diện của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông chỉ để tuyên truyền cho xã hội chủ nghĩa. Hiện giờ thì Trung Quốc cũng có mặt ở rất nhiều nước nhưng là để làm kinh tế. Hiện giờ Trung Quốc đang tiến rất mạnh về công nghệ và kinh tế, họ cần rất nhiều tài nguyên thiên nhiên như sắt, mỏ quặng, cao su, dầu cọ hay đồng, chì hay mỏ uranium... Họ có mặt gần như tất cả ở các nước Phi châu có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ ở Zambia họ rất để ý đến vấn đề công nghiệp đồng, họ mua rất nhiều đồng. Tại Zair, hiện giờ là Congo, thì họ tìm những mỏ chì, những tài nguyên khác như là vàng, nói chung là tất cả các tài nguyên khác. Hiện giờ có thể nói Trung Quốc đang tìm những tài nguyên thiên nhiên để có thể củng cố vấn đề phát triển công nghiệp của họ.
VOA: Tại một số quốc gia châu Phi, Trung Quốc có lợi thế hơn Hoa Kỳ vì Trung Quốc không đặt vấn đề nhân quyền, không đả động gì đến tham nhũng với các chính phủ sở tại khi cấp viện, vì mục đích của họ chỉ là khai thác tài nguyên thiên nhiên, vây các nguồn tài nguyên, trong đó có dầu hỏa, là phúc hay họa cho các quốc gia châu Phi?
Ðinh Xuân Quân: Tại nhiều quốc gia như xứ Gabon chẳng hạn, họ sử dụng dầu hỏa một cách tương đối tốt, tại sao ? Là vì họ có hòa bình và họ có phát triển. Cái thứ hai nữa là dân số họ rất là ít. Đằng sau là Pháp ủng hộ họ. Tại các nước khác như Angola thì nước này xuất khẩu rất nhiều dầu hỏa, không những sang châu Âu mà còn cho cả Mỹ nữa. Hiện giờ Angola phát triển rất mau, rất mạnh, và tại các nước đó thì Trung Quốc rất là thân thiện, phần nào là mua dầu hỏa hay là hùn với các hãng dầu hỏa quốc tế để có chân trong vấn đề mua dầu hỏa. Tại các nước khác như Zambia, không có dầu hỏa, thì Trung Quốc đầu tư rất nhiều nhà máy. Họ lợi dụng cái thế của Zambia để có thể xuất khẩu hàng sang các nước Âu châu, đó là một cách để Trung Quốc xuất khẩu hàng sang Âu châu. Nhưng khi không thành công thì họ đóng cửa. Có thể nói là sự hiện diện của Trung Quốc cũng có lợi nhưng họ cũng gây nhiều tai họa.
Quí vị vừa nghe chuyên gia Đinh Xuân Quân trình bày về tình hình dầu hỏa của một số quốc gia châu Phi và ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu lục này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1