Đường dẫn truy cập

Mỹ kêu gọi hành động để giải quyết vụ khủng hoảng lương thực


Một toán chuyên gia về chính sách nói Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn để đáp ứng tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trên thế giới hiện nay. Toán chuyên gia này vừa công bố một phúc trình đệ lên Quốc Hội, qua đó họ đề nghị một số bước hành động nhằm giảm thiểu nạn đói trên thế giới. Từ Điện Capitol, trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, Thông tín viên Deborah Tate của đài VOA gửi về các chi tiết sau đây.

Phúc trình của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Các Vấn Ðề Quốc Tế, một tổ chức nghiên cứu chính sách bất vụ lợi, cảnh giác rằng cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu hiện nay sẽ có những hệ quả nghiêm trọng đối với đà phát triển kinh tế, đối với tình trạng an ninh trên thế giới và đối với những tiến bộ xã hội tại các quốc gia đang phát triển.

Chủ Tịch của Trung Tâm, ông John Hamre, công bố phúc trình này tại một diễn đàn Quốc Hội hôm thứ Ba. Ông kêu gọi Hoa Kỳ đóng một vai trò chủ yếu trong việc đề ra một chương trình đầy đủ để đáp ứng trước cuộc khủng hoảng lương thực.

Ông Hamre nói: “Không có nỗ lực nào có thể giúp chúng ta, trong tư cách là một quốc gia, hồi phục lại danh dự, tư cách và niềm tự hào về chính chúng ta, và cùng lúc chiếm được sự tin tưởng của thế giới cho bằng trực diện giải quyết một vấn đề như nạn đói.”

Phúc trình đề nghị Hoa Kỳ tăng gấp đôi ngân khoản đã cam kết để viện trợ lương thực khẩn cấp, từ 1 tỉ 600 triệu đôla lên tới 3 tỉ 200 triệu đôla. Tài liệu này cũng kêu gọi hãy hiện đại hóa các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, để cải thiện tốc độ và tính linh động của những đáp ứng từ Hoa Kỳ.

Phúc trình này còn đề nghị Washington đeo đuổi các chính sách thương mại và ngoại giao cổ võ cho các hoạt động nông nghiệp tại các quốc gia đang phát triển, đồng thời dồn nỗ lực vào việc nới lỏng các lệnh cấm xuất khẩu và những hạn chế đã tiếp tay làm tăng giá lương thực-thực phẩm.

Thượng Nghị Sĩ Bob Casey, một chính khách đảng Dân Chủ đại diện cho bang Pennsylvania và có chân trong Ủy Ban Chính Sách Đối Ngoại của Thượng Viện Hoa Kỳ, đã hoan nghênh phúc trình vừa được công bố. Tuy nhiên ông nhận định rằng vận động những hỗ trợ chính trị để tài trợ các đề nghị ấy có thể là một thách thức trong bối cảnh phí tổn các cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan đang ngày càng tăng và mức thâm hụt ngân sách đã lên đến mức cao kỷ lục.

Ông Casey nhận định: “Tôi tin rằng về mặt nguyên tắc, chúng ta có sự cam kết của cả lưỡng đảng. Thế nhưng tiền bạc mới là khía cạnh khó khăn của vấn đề.”

Giám Đốc Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế của Hoa Kỳ, bà Henrietta Holsman Fore, cũng lên tiếng trước diễn đàn Quốc Hội hôm thứ Ba. Bà Fore kêu gọi hãy đề ra một chính sách lâu dài để đối phó với nạn thiếu lương thực, thực phẩm tại nhiều nơi trên thế giới.

Bà Fore nói: “Cung cấp viện trợ lương thực hết năm này sang năm khác trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm ngày càng tăng, và cùng lúc không chịu đầu tư đầy đủ vào các giải pháp lâu bền, là làm việc không hữu hiệu, và cũng không làm đủ để có thể giảm tình trạng bất định và xoa dịu những gian khổ mà hàng triệu người thuộc thành phần dễ lâm nạn trên khắp thế giới phải đương đầu. Chúng ta cần tìm hiểu nhiều hơn về lúc nào nên sử dụng những công cụ có trong tay, khi điều kiện cho phép, để ủng hộ một chính sách nông nghiệp hướng tới phát triển.”

Giám Đốc Điều Hành của Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, bà Josette Sheeran, cảnh giác về nguy cơ trong vòng 3 hoặc 4 năm tới, sẽ xảy ra một thời kỳ nhiều khó khăn đối với rất nhiều người, nếu cộng đồng quốc tế không đáp ứng đầy đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm hiện nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG