Đường dẫn truy cập

Giải Hellman/Hammett: P/V ông Brad Adams, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa


Hôm 22 tháng 7 vừa qua, tổ chức Human Rights Watch đã công bố giải thưởng hàng năm Hellman/Hammett cho 34 người cầm bút thuộc 19 quốc gia trên thế giới, trong đó có tới 8 người Việt Nam. Câu chuyện Việt Nam tuần này tìm hiểu thêm sự việc qua trao đổi cùng ông Brad Adams của Human Rights Watch và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, một trong số 8 người Việt được trao giải.

Giải thưởng Hellman/Hammett do tổ chức Human Rights Watch lập ra năm 1989, phát xuất từ chúc thư của nhà biên kịch Lillian Hellman, theo đó tài sản của bà được dành để yểm trợ những người cầm bút lâm vào cảnh khó khăn do phát biểu quan điểm của họ. Trong khoảng thời gian 19 năm, đã có gần 700 giải được trao tặng.

Một trong những người Việt Nam được trao giải năm nay là linh mục Nguyễn văn Lý, người đã bị giam cầm nhiều lần trong 30 năm qua vì những bài viết kêu gọi nhân quyền, tự do tôn giáo và tự do phát biểu. Hình ảnh ông bị công an bịt miệng trước phiên tòa tháng Ba năm 2007 đã được phổ biến khắp thế giới. Theo ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của tổ chức Human Rights Watch, thì không có hình ảnh nào mạnh hơn để nói lên sự phủ nhận quyền tự do ngôn luận bằng tấm hình này.

Về sự kiện năm nay có tới 8 người Việt Nam được trao giải Hellman/Hammett trong tổng số 34 người trên toàn thế giới, ông Brad Adams cho biết.

Ông Adams nói: "Việt Nam là một nước độc đảng và kiểm soát dân chúng của họ một cách nghiêm khắc, nhưng có nhiều người trên thế giới có vẻ như quên là có rất nhiều người cầm bút ở Việt Nam bị giam cầm chỉ vì bày tỏ quan điểm, hay nhận định của họ. Có thể là do người ta quá chú tâm đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau thời kỳ họ tự cô lập. Tuy nhiên, vẫn chưa có một cuộc cải tổ chính trị nghiêm chỉnh nào ở Việt Nam mà cho phép người ta tự do chính trị, nên vẫn còn nhiều người cầm bút phải ở tù do chỉ trích nhà cầm quyền, hoặc do bày tỏ quan điểm riêng của họ."

Ông Brad Adams nói rằng nhà chức trách Việt Nam đã sử dụng những cách trừng phát chính thức, lẫn không chính thức để 'bịt miệng' những người được trao giải Hellman/Hammett năm nay. Những người cầm bút không cùng chính kiến với nhà nước bị sách nhiễu, tấn công, tuyên án và phạt tù về những tội ngụy tạo, bị đuổi việc, cách ly với xã hội, bị công an bắt giam, hỏi cung, bị sỉ nhục công khai qua các 'tòa án nhân dân' hoặc bị tấn công bởi các nhóm xã hội đen có ủng hộ ngầm của quan chức, hay bị làm đối tượng của các tai nạn có chủ đích.

8 nhân vật Việt Nam được trao giải Hellman/Hammett năm nay gồm có linh mục Nguyễn văn Lý, luật sư Lê Quốc Quân, luật sư Lê thị Công Nhân, doanh nhân Nguyễn Phương Anh, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà văn Hà Sĩ Phu và bác sĩ Phạm Hồng Sơn, và một người nữa chưa được tiết lộ danh tính.

Ông Brad Adams giải thích: "Nêu tên người đó ra bây giờ thì không an toàn. Nên chúng tôi và người đó quyết định là hiện giờ khoan nêu tên đã, chúng tôi hy vọng là sẽ có thể nêu đích danh trong một thời điểm nào đó sau này."

Một trong số 7 người Việt được trao giải và được nhiều người biết tới trong thời gian gần đây qua các hoạt động của ông là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng. Ông Nghĩa năm nay 58 tuổi, từng là đảng viên, nhà báo và hiện vẫn là hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 2003 tới nay, ông bị cấm hành nghề vì những hoạt động đòi dân chủ và nhân quyền của ông. Hiện nay ông vẫn bị giam lỏng tại nhà riêng ở Hải Phòng.

Qua điện thoại, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết: "Kính thưa quý vị nghe đài. Khi được tin là tôi được trao giải thưởng, tôi rất là mừng và vinh dự, bởi vì tôi nghĩ rằng tất cả những người dân trong nước Việt Nam đều cần tự do, dân chủ và nhân quyền. Những người tiên phong trong số những người dân Việt Nam đứng lên đại diện cho nhân dân để đòi dân chủ, nhân quyền, trong đó có tôi. Sự ghi nhận của tổ chức nhân quyền thế giới Human Rights Watch là nguồn động viên để tôi tiếp tục đấu tranh cương quyết hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, để nhân dân Việt Nam chóng đạt được mục tiêu tự do, dân chủ và nhân quyền."

Mới đây, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã tham gia các cuộc biểu tình cùng những nhà văn, nhà báo và sinh viên, trí thức, phản đối Trung Quốc đòi chủ quyền các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Họ đã bị nhà chức trách trấn át với lý do biểu tình khi chưa có phép.

Ông Nghĩa cho biết hồi tháng Sáu, ông đã cùng một số thân hữu đứng ra nộp đơn xin phép biểu tình tại Hà Nội để bày tỏ bức xúc về vật giá tăng quá cao. Nhận được đơn, cả mấy tuần sau chính quyền mới hồi đáp là không cho phép.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói: "Sau khi chính quyền Hà Nội bác bỏ đơn xin phép biểu tình của chúng tôi bằng các văn bản vi hiến, vi luật của họ, ba ngày sau chúng tôi đã gởi tiếp một đơn khiếu nại, trong đó phân tích tất cả những dữ kiện vi hiến, vi pháp luật, trong văn bản bác đơn của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Đồng thời chúng tôi đã liên hệ với một luật sư ở thành phố Sàigòn. Chúng tôi đã nhận được sự trợ giúp pháp lý của vị luật sư này để cùng chúng tôi làm đơn kiện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Đúng ra thì phải kiện ra tòa án Hiến pháp, thế nhưng ở Việt Nam không có tòa án Hiến pháp, cho nên chúng tôi đành phải kiện lên tòa án Tối cao."

Chúng tôi có nêu vấn đề với tổ chức Human Rights Watch là có nhiều người thường cho rằng khi một nước tăng trưởng kinh tế nhanh, thị trường mở cửa, thì dĩ nhiên sẽ tự do hơn, nhân quyền sẽ được tôn trọng hơn, vậy trường hợp Việt Nam ra sao.

Ông Adams nói: "Không có trường hợp nào được nghe nói về chủ nghĩa cộng sản mà cho tự do chính trị. Tôi sẵn sàng thách đố bất cứ ai chỉ cho thấy điều đó. Điều trái ngược lại cũng không đúng luôn, nhiều người cho là có tự do kinh tế, nghĩa là có tự do chính trị. Trường hợp này không đúng. Nhiều nước, hay nhìn lên phương Bắc, nhìn Trung Quốc, cũng chưa đúng vì Trung Quốc hiện giờ đã trở thành hầu như là một hệ thống tư bản rồi, mà vẫn còn rất giới hạn về mặt tự do chính trị. Dĩ nhiên là những nền dân chủ lớn nhất thế giới cũng là những nước có mức tăng trưởng kinh tế lớn lao và thịnh vượng nhất."



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG