Một loạt các sự cố được quảng bá rầm rộ có liên quan đến phụ nữ Hồi giáo đã củng cố thêm các nhận định của công chúng rằng một xu hướng nổi bật của chủ nghĩa kỳ thị giới tính đang bắt rễ ở Pháp, nơi có cộng đồng hồi giáo lớn nhất ở châu Âu. Từ Paris, phái viên Lisa Bryant của đài VOA gửi về bài tường thuật được Minh Phượng chọn làm đề tài cho Câu chuyện Phụ nữ kỳ này.
Như đa số các phụ nữ trẻ tuổi, cô Wafa Ben Salem thường đi xem phim, đi ăn tối, và họ hẹn với bạn trai, tuy thường có người đi theo kèm cặp, và là một người tự cho là rất mê thời trang. Tuy nhiên, cô vẫn còn khác xa với nhiều phụ nữ trẻ ngày nay ở Pháp, về trang phục phủ kín mình, về chiếc khăn choàng đầu cột dưới cằm và về lời tự tuyên thệ sẽ không có quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Là một sinh viên đại học ở miền nam nước Pháp, cô Ben Salem nói rằng Hồi giáo không chấp nhận phụ nữ không còn trinh trắng trước khi kết hôn. Và là một người theo đạo Hồi, cô nói cô sẽ tuân thủ các hạn chế gắt gao đó. Cô cho biết cô có thể gặp và hẹn hò đi chơi với nam giới và sẽ tự chọn người làm chồng. Nhưng cô nói cô sẽ giữ mình trọn vẹn trước khi kết hôn.
Vấn đề trinh tiết và giữ mình trong đạo Hồi đã được đưa ra tranh luận nhiều trong những tuần lễ gần đây. Thoạt đầu, một tòa án ở thành phố Lille miền bắc nước Pháp đã hủy bỏ hôn nhân của 2 người Hồi giáo sau khi người chồng nói rằng vợ không còn trinh tiết lúc đám cưới. Sự việc này đã gây phẫn nộ.
Gần đây hơn, Quốc vụ viện, cơ quan hành chính cao nhất nước, đã ủng hộ một quyết định không cho một phụ nữ Hồi giáo gốc Maroc được nhập quốc tịch Pháp vì bà này đội loại khăn che mặt của phụ nữ hồi giáo, được gọi là burqua hay niqab. Cơ quan này lập luận rằng điều được gọi là ‘tập tục quá khích’ của hồi giáo không thích hợp với các giá trị của Pháp. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đô thị, ông Fadela Amara, một người theo đạo Hồi gốc Algeri, đã ca ngợi quyết định này và gọi niqab là một ‘dấu hiệu của sự áp bức phụ nữ.’
Nhiều sự cố khác, trong đó có những cáo giác nói rằng một người chồng hồi giáo đã cấm một bác sĩ nam giới thực hiện phẫu thuật Cesar khẩn cấp lúc vợ ông sinh nở, đã góp phần làm tăng thêm những giả thuyết cho là phụ nữ Hồi giáo ở Pháp bị các ông chồng nắm đầu.
Nhưng các chuyên gia như ông Franck Fregosi, một nhà xã hội học đã viết rất nhiều về đạo Hồi, cảnh báo chống lại thái độ vơ đũa cả nắm một cách dễ dãi như thế.
Theo ông Fregosi, nhiều phụ nữ hồi giáo ở Pháp và các nơi khác của châu Âu không dễ thuần phục như thế, mà đang đi tìm một cách để thích nghi giữa tín ngưỡng của mình với các xã hội có mức độ thế tục cao mà họ đang sinh sống. Ông Fregosi cho rằng nhiều thiếu nữ sẽ hẹn hò đi chơi với bạn trai, nhưng sẽ dấu giếm gia đình, phần lớn là các di dân có nguồn gốc là những xã hội bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Bắc Phi.
Ông Fregosi nói rằng một số phụ nữ trẻ tuổi còn có thể có quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng họ vẫn tìm cách giữ gìn bề ngoài để gia đình không biết được. Theo tin tức báo chí, càng ngày càng có nhiều phụ nữ Hồi giáo ở châu Âu chọn giải phẫu vá màng trinh để làm ra vẻ còn trinh trắng lúc kết hôn.
Ông Fregosi nói rằng ngay cả những thiếu nữ rất ngoan đạo cũng đang thoát ra khỏi các tập tục văn hóa, kể cả việc trốn tránh các cuộc hôn nhân được dàn xếp. Ông nói rằng các thiếu nữ này thường thích chọn một người chồng đạo đức, hơn là một người anh em họ, hay một người đàn ông do gia đình gán ghép.
Cộng đồng 5 triệu người hồi giáo ở Pháp đã có các phản ứng lẫn lộn trước vụ bãi bỏ hôn nhân ở Lille và sự cố về chiếc khăn niqab. Nhiều người không phải là tín đồ hồi giáo thuần thành. Một cuộc thăm dò công luận do cơ quan thăm dò của Quốc vụ viện Pháp nhận thấy rằng, tuy gần 9 trong 10 người hồi giáo tôn trọng tháng chay Ramadan, chỉ có 17% đi nhà thờ đều đặn. Khoảng 90% được biết là không chấp thuận khái niệm bình đẳng giữa hai phái.
Nhà nhân chủng học Dounia Bouzar, chuyên về các vấn đề hồi giáo, nói rằng ngay cả các giáo sĩ hồi giáo ở đây cũng thường đồng ý rằng trong vụ xảy ra ở Lille, người chồng phải giải quyết vấn đề trinh tiết của vợ một cách kín đáo chứ không phải đưa ra tòa án.
Cô sinh viên Ben Salem cũng đồng ý như thế. Cô Ben Salem nói rằng nếu một người phụ nữ không còn trinh tiết trước khi lấy chồng thì đó là vấn đề riêng của người ấy và Thượng đế. Nhưng cô tin rằng nhiều người Pháp đã lầm tưởng việc bãi bỏ hôn nhân là một thí dụ khác về thành kiến của đạo Hồi đối với phụ nữ.
Cô Ben Salem nói rằng các cơ quan truyền thông Pháp, nói riêng, thường vội vàng vơ đũa cả nắm những phụ nữ hồi giáo thuần thành như chính cô; nói rằng họ không bao giờ đi chơi, rằng họ bị nam giới chỉ huy; rằng họ không biết gì cả. Cô nói rằng điều đó hoàn toàn không đúng.
Nhà nhân chủng học Bouzar cũng tán đồng ý kiến đó. Bà Bouzar nói rằng có quá nhiều thành kiến dễ dãi và sai lầm chống lại phụ nữ hồi giáo ở Pháp. Bà cho rằng mặc dù một số người ngày càng trở nên thuần thành hơn, họ cũng nêu vấn đề về khuôn thức tự do tình dục theo kiểu Tây phương và phải chăng sự kiện đó có tiêu biểu cho nhiều quyền tự do hơn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1