Năm năm sau khi được sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ, Kế hoạch khẩn cấp Cứu trợ bệnh AIDS trị giá 15 tỷ đôla của Tổng thống, còn được gọi tắt là PEPFAR, sắp được đưa ra Quốc hội để gia hạn. Tại trụ sở Quốc hội Mỹ tuần này, một ủy ban các nhà lập pháp và chuyên gia bệnh AIDS đã họp để bàn luận về các thành quả, và những thách thức trước mặt, trong cuộc chiến toàn cầu của PEPFAR chống lại dịch bệnh HIV/AIDS.
Không giống như các bệnh khác, tỷ như đậu mùa và bại liệt, HIV/AIDS là một dịch bệnh mãn tính. Những người bị nhiễm HIV, virut gây ra bệnh AIDS, có thể không biểu lộ các triệu chứng bệnh AIDS trong nhiều năm, khiến cho tác nhân gây chết người này xâm nhập vào dân chúng. Thượng nghị sĩ John Kerry, một trong nhiều diễn giả được mời đánh giá cuộc chiến toàn cầu chống bệnh AIDS, đã phác họa mức độ của cuộc khủng hoảng với một vài số liệu thống kê đáng nản.
TNS Kerry nói: “Ta có 12 triệu trẻ em bị mất cha hay mẹ, hoặc cả hai vì bệnh AIDS. Khoảng 30% trẻ mồ côi trên thế giới là các em bị mồ côi vì một nguyên do liên quan đến bệnh AIDS. Thực tế là 33 triệu người trên toàn thế giới vẫn còn bị nhiễm HIV, và hơn 2 triệu 100 ngàn người chết vì bệnh AIDS trong năm ngoái, hơn 1 triệu 500 ngàn người sẽ bị nhiễm bệnh trong năm nay.”
Bất kể những thách thức đó, ông Kerry nêu bật một vài tiến bộ đạt được qua các chương trình như PEPFAR.
TNS Kerry nói: “Mặt tốt của vấn đề là chúng ta có một chương trình có thể trợ giúp 10 triệu người, trong đó có 5 triệu trẻ mồ côi do bệnh AIDS – và hy vọng là ngăn chặn được 7 triệu người bị lây nhiễm, cung cấp hay giúp cung cấp các loại thuốc chống virut cho 2 triệu người. Đó là một điểm rất quan trọng.”
Và đó cũng là một lý do tuyệt hảo để gia hạn việc tài trợ cho PEPFAR, theo ông Mark Dybul, phối hợp viên toàn cầu của Hoa Kỳ về bệnh AIDS. Ông Dybul nói rằng các nỗ lực hào phóng của nước Mỹ nhằm chống HIV/AIDS trên toàn thế giới cũng đã làm nẩy sinh rất nhiều thiện chí hướng tới Hoa Kỳ. 8 trong số 10 nước được Hoa Kỳ đánh giá cao nhất là các nước nằm ở phía nam sa mạc Sahara – một trọng tâm chính cho công cuộc cứu trợ AIDS của Hoa Kỳ. Ông Mark Dybul kể lại chuyến ông đi cùng với tổng thống Bush thăm Tanzania mới đây.
Ông Dybul nói: “Gần như hàng chục ngàn người đổ ra đường để gặp tổng thống Bush. Khắp thành phố Dar es Salaam có những biểu ngữ ghi các hàng chữ như ‘Cảm ơn sự hỗ trợ của quý vị về HIV/AIDS.’ ‘Cảm ơn những gì quý vị đang làm để chống bệnh sốt rét.’ Và một trong các biểu ngữ đó ghi ‘Hoan nghênh quý vị. Quý vị đã đến nhà.’ Tất cả phụ nữ ở Dar es Salaam đều mang kanga, là áo choàng cổ truyền có dấu cờ Mỹ và cờ Tanzania bắt chéo ghi hàng chữ, ‘Cảm ơn tình hữu nghị của quý vị.’”
Một phần quỹ tài trợ của PEPFAR là để hỗ trợ cho công cuộc khảo cứu khoa học. Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia các bệnh Dị ứng và Lây nhiễm, nêu ra rằng hiện nay con số các loại thuốc chống HIV được Cơ quan Kiểm soát Dược phẩm và Thực phẩm của Liên bang, tức FDA, chấp thuận cao hơn so với con số tất cả các loại thuốc chống virut khác cộng lại. Một cuộc khảo cứu công bố cách đây 2 tháng đã xác nhận hơn 30 chỉ tiêu protein mơi cho việc trị liệu chống virut. Tại diễn đàn ở trụ sở Quốc hội Mỹ, ông Fauci mô tả một kỹ thuật mới giúp cho công cuộc điều trị.
Ông Fauci nói: “Một số những sự kiện đã sẵn có đang được thử nghiệm trong lãnh vực này, tỷ như việc thu thập và gửi đi một số mẫu bệnh phẩm vết máu khô – là điều mà cách đây nhiều năm không thể nghĩ đến được. Chúng có thể được sử dụng cho việc chẩn đoán HIV, cũng như cho việc theo dõi độ tải virut và thử nghiệm kháng thuốc. 5 năm nữa khi chúng ta có thêm người được trị liệu thì chúng ta sẽ muốn theo dõi họ về việc kháng thuốc, chúng ta muốn theo dõi họ về độ tải virut. Chúng ta không thể thực hiện việc đó bằng những kỹ thuật rất phức tạp này, mà nó cần phải đơn giản để áp dụng trên thực tế và đó là phương hướng phải theo ngay bây giờ.”
Ông Fauci nói vẫn còn lâu mới có được một loại thuốc chủng ngừa, và những thất bại trước đây cho thấy rằng vẫn có nhiều điều các nhà khoa học chưa biết rõ về HIV/AIDS.
Tuy PEPFAR mang lại nhiều hy vọng và được sự ủng hộ chính trị rộng rãi, chương trình này cũng đã bị chỉ trích về cách thức phân bổ một số tài nguyên, và về việc quảng bá kiềm chế các sinh hoạt tình dục như một phương sách để kéo chậm đà lây lan của bệnh AIDS. Cuộc tranh luận tại Quốc hội về việc triển hạn PEPFAR đang buộc cả những người chỉ trích lẫn những người ủng hộ chương trình phải đánh giá không những tầm mức quan trọng của nó trong các cuộc chiến chống HIV/AID cho tới nay, mà cả tầm mức quan trọng của nó trong những cuộc chiến sắp tới nữa.
Đọc nhiều nhất
1