Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Thái đánh bại cuộc biểu quyết bất tín nhiệm


Thủ tướng Thái Lan và nội các của ông vừa đánh bại một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm của phe đối lập trong quốc hội. Liên minh cầm quyền gồm 5 đảng của chính phủ đã đoàn kết chống lại những lời cáo buộc nói rằng chính phủ đã quản lý kinh tế sai lầm. Chính phủ Thái Lan cũng giành được thắng lợi trong một cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề chủ quyền quốc gia. Theo tường trình từ thủ đô Bangkok của thông tín viên đài VOA Ron Corben, một bộ trưởng cao cấp cũng bác bỏ tin đồn về một cuộc cải tổ nội các có thể diễn ra sau cuộc biểu quyết bất tín nhiệm.

Thủ tướng Samak Sundaravej và nội các của ông đã bị cáo buộc là quản lý kinh tế sai lầm và coi thường chủ quyền quốc gia của Thái Lan. Sau 3 ngày tranh luận sôi nổi về kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, cuộc biểu quyết diễn ra sau đó đã làm nổi rõ sự đoàn kết trong liên minh gồm 5 đảng của chính phủ.

Chủ tịch quốc hội, ông Chai Chidchob, loan báo kết quả chung cuộc của vụ biểu quyết.

Ông Chai nói rằng Thủ tướng Samak nhận được 280 phiếu tín nhiệm, và có 162 phiếu tán thành kiến nghị bất tín nhiệm.

Phe đối lập đã cáo buộc Thủ tướng Samak bất lực trong việc điều hành chính phủ. Vị bộ trưởng thương mại bị đả kích về việc ông điều hành ngành buôn báo gạo của Thái Lan. Giá gạo đã tăng vọt trong những tháng vừa qua, gây thêm khó khăn cho đời sống của giới trung lưu, và giới nghèo khó đang bị lao đao vì giá nhiên liệu quá cao.

Phe đối lập cũng nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Noppadon Pattama và các bộ trưởng khác trong chính phủ đã hành động hấp tấp khi ký kết một thỏa thuận với Campuchia liên quan đến một ngôi đền cổ trên biên giới Thái Lan-Campuchia. Phe đối lập nói rằng chính phủ đã nhượng đất cho Campuchia, nhưng chính phủ đã bác bỏ cáo buộc này.

Bộ trưởng tài chíng Xurapong Subwonglee, một trong những vị bộ trưởng bị phe đối lập kiến nghị bất tín nhiệm, gọi kết quả của cuộc tranh luận là một kết luận thỏa đáng.

Ông Subwonglee nói: "Vâng, như thế là vì kết quả của cuộc biểu quyết đối với thủ tướng và đối với mỗi bộ trưởng gần giống nhau. Đây là một sinh hoạt dân chủ tại nghị trường. Đây là sinh hoạt bình thường, phe đối lập cần phải tranh luận để nói lên ý kiến của họ. Nhưng chúng tôi không quá nhấn mạnh đến điều này."

Ông Surapong bác bỏ những lời đồn đoán trong giới truyền thông cho rằng sẽ có cải tổ nội các sau cuộc biểu quyết.

Trong mấy tuần qua chính phủ Thái Lan đã bị sức ép rất lớn của những người biểu tình phản đối. Những người này cáo buộc chính phủ đã can thiệp vào các vụ án tham nhũng liên quan đến cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Những người biểu tình cắm trại bên ngoài văn phòng chính của chính phủ trong tuần qua. Họ đòi ông Samak phải từ chức. Nhưng thủ tướng Thái Lan, người được bầu vào chức vụ này hồi tháng 12 năm ngoái, tỏ ra sẵn sàng tiếp tục cầm quyền cho đến hết nhiệm kỳ 4 năm của ông.

Người ta tin rằng những người phản đối sẽ tiếp tục biểu tình. Nhiều người cáo buộc ông Samak có quan hệ quá gần gũi với cựu Thủ tướng Thaksin, người đã bị đẩy ra khỏi chức vụ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2006. Các nhà phân tích chính trị cho rằng xã hội Thái Lan hiện này bị chia rẽ quá sâu sắc giữa những người ủng hộ ông Thaksin mà đa số thuộc giới người nghèo ở các thành thị và khu vực nông thôn, và giới chỉ trích mà hầu hết là những cư dân thuộc tầng lớp trung lưu thành thị.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG