Đường dẫn truy cập

Lạm phát, thâm thủng mậu dịch gây nhiều lo ngại ở Việt Nam


Tình hình kinh tế tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục gây quan ngại ở trong và ngoài nước. Cùng với những tập đoàn tài chính quốc tế đã đưa ra những lượng định bi quan hơn, Ngân hàng tín dụng Crédit Suisse hôm thứ Ba đưa ra nhận xét là những vấn đề mà Việt Nam phải đối diện dù là gay go, nhưng Việt nam là trường hợp đơn lẻ, và sẽ không là tiền đề báo trước một thảm họa chung cho châu Á, không giống như trường hợp Thái Lan hồi năm 1997. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết trong Câu Chuyện Việt Nam của đài VOA tuần này với Lê Dân.

Crédit Suisse cho biết không một nước châu Á nào lâm vào hoàn cảnh kinh tế tài chính quá mức như Việt Nam. Về mức thâm thủng thương mại, nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, Việt Nam có mức cao nhất châu Á, tương đương 17,3% GDP, trong khi Ấn Độ bị xem là mất cân đối nhất châu lục này, mức thâm thủng của họ chỉ là 2,3%.

Tỷ số P/E tức giá mua so với lợi nhuận trung bình của các cổ phiếu châu Á, trừ Nhật Bản, chỉ là 20. Trong khi con số đó vào mùa Thu năm 2007 của Việt Nam đạt mức kỷ lục là 104, hiểu theo một nghĩa đơn giản nào đó, thì người mua cổ phiếu phải chờ 104 năm thu lợi nhuận mới lấy lại được vốn.

Để đối phó, chính phủ Việt Nam đã ban hành và áp dụng một số biện pháp về kinh tế-tài chính nhằm hãm đà lạm phát, vực dậy thị trường chứng khoán. Tuy nhiên hầu như mọi việc đều quá chậm, hoặc quá trễ, theo nhận định của nhiều nhà quan sát. Ông Bùi Kiến Thành, một chuyên viên tài chính từ Pháp về làm cố vấn cho cố Thủ tướng Võ văn Kiệt, hiện làm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Pháp, Mỹ, hợp tác làm ăn tại Việt Nam, nhận định.

Ông Thành nói: "Hiện nay tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam thực sự chưa có gì chuyển hướng theo hướng tích cực. Nhà nước, chính phủ đã có một số giải pháp để kiềm chế lạm phát và kiềm chế đầu tư giàn trải, nhưng các kết quả ban đầu chưa thấy."

Nhằm mục tiêu giảm thiểu lạm phát, biện pháp thu hút lượng tiền đồng ngoài thị trường về cho hệ thống ngân hàng đã được đưa ra. Tuần trước Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nâng lãi suất cơ bản từ 12% lên 14%, tạo tác dụng dây chuyền khiến các loại lãi suất khác cũng tăng theo, có khi lại tăng một cách rất 'cạnh tranh'.

Ngân hàng Đại dương tung ra chương trình 'Khám phá Thế giới cùng Oceanbank', với mức lãi suất hấp dẫn và còn kèm theo giải xổ số du lịch Châu âu. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đưa ra chương trình tiền gửi đặc biệt cũng có thưởng du lịch Thái Lan. Nói chung thì lãi suất ký gởi là trên 18% và lãi suất vay mượn dĩ nhiên vượt quá 20%.

Bà Thu Hà, một nhà đầu tư địa ốc kinh nghiệm tại Bắc Giang, cho rằng việc tăng lãi suất của ngân hàng cũng là một yếu tố không nhỏ làm cho giá bất động sản sụt giảm, nhất là giá nhà cao cấp và trung cấp.

Bà Hà nói: "Nhà chung cư xây để bán thì tầm khoảng hai mươi mấy triệu, bây giờ đóng băng thì nó xuống còn khoảng mười hai triệu một mét, tức giảm một nửa so với ban đầu. Đóng băng là nằm vào những dự án của nước ngoài đầu tư vào, cao giá, khó bán. Bây giờ ngân hàng thì tăng lãi suất, doanh nghiệp thì thiếu vốn, phải vay ngân hàng, mà lãi suất cao quá cho nên không kham nổi, bắt buộc phải hạ giá bất động sản xuống".

Về tình thế gay go của các nhà đầu tư bất động sản, báo VnExpress hôm thứ Tư đăng bài nói về một người phải bán lỗ cả tỉ đồng một căn hộ vì cơn lốc lãi vay. Nói chung các nhà đầu tư địa ốc đều phải vất vả đối phó với mức lãi suất của ngân hàng, ít nhất cũng tăng thêm 6,5% so với lúc họ vay, mà nhà đất thì chưa bán được.

Nhận xét về tình trạng này, nhà tư vấn tài chính Bùi Kiến Thành cho biết: "Hiện nay họ gặp rất là nhiều khó khăn vì phần lớn giá trên thị trường là giá ảo. Tức là giá bán ra, giá những người đầu cơ đòi bán ra cao quá mức thực tế. Những vị đấy thì phải chấp nhận thị trường đi xuống, như vậy sẽ có rất nhiều nhà đầu tư, hay đầu cơ bất động sản sẽ phải chịu sự thiệt thòi rất lớn. Giá bất động sản từ giờ tới cuối năm nó sẽ là cái bong bóng bị xì, bị xẹp. Việc đó sẽ kéo theo mọi hoạt động về bất động sản đi xuống. Nói chung thì thị trường bất động sản phải điều chỉnh theo đúng giá trị thật sự của các căn hộ, hay nhà, bán ra. Không thể nào ở mức quá cao như bây giờ được. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các vị từ trước tới nay quen mua bán bất động sản với giá ảo. Họ phải điều chỉnh lại thôi…"

Tình trạng rối ren đó không chỉ xảy ra trên thị trường nhà đất, mà nói chung hầu hết mọi lãnh vực kinh tế đều khó khăn. Giá xăng dầu toàn thế giới tăng, nước nào cũng khổ, giá sinh hoạt, giá lương thực đều tăng. Có nhiều nước đã xảy ra biểu tình, đình công. Nhưng ở đó, họ chỉ bị giá cả tăng cao, còn ở Việt Nam người có đồng lương cố định còn phải gánh thêm việc đồng tiền mất giá, mà hiện đã vào mức kỷ lục là 25%, có nghĩa là một phần tư giá trị.

Bà Thu Hà cho biết tình trạng đình công quy mô đã diễn ra và còn có nhiều nguy cơ xảy ra thêm nữa.

Bà Hà nói: "Họ chuẩn bị đình công, khu công nghiệp vừa rồi phải họp rất nhiều. Một số công nhân của các tập đoàn của Trung Quốc như tập đoàn may Ma Thị này, rồi mấy cái Mitac, Mitiếc này kia….về thiết bị điện tử, về linh kiện chính xác…họ đình công. Bởi vì mức lương không đủ sống, là họ đình công".

Trong miền Nam, tình hình cũng không sáng sủa hơn, nhưng một số doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng để ngăn ngừa đình công có thể gây thiệt hại cho cả đôi bên. Ông Nguyễn Mai, một chủ doanh nghiệp ở Cần Thơ, cho biết:

Ông Mai nói: "Lên lương cho người ta, phải tìm cách cho người ta làm thêm giờ, thêm việc, để nâng đồng lương lên. Lương công nhân như chỗ mình lãnh đạo ở đây khoảng 8, 9 trăm, một triệu, triệu rưỡi có…tùy theo công việc, theo khả năng của mỗi người. Tưy người ta không nói, nhưng người ta cũng xin lương thêm, thì mình phải tìm cách nào đó để đưa mức lương theo nhu cầu của hiện nay."

Cơn bão giá, bão lãi suất, bão chứng khoán, bão nhà đất…như lối mô tả của báo chí Việt Nam sẽ ra sao? Hiện người ta vẫn còn tranh cãi rất nhiều về những dự đoán của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG