Đường dẫn truy cập

Một số nhận định về sự nghiệp của cựu Thủ tướng VN Võ Văn Kiệt


Báo chí bên trong và bên ngoài Việt Nam tiếp tục bình luận về vai trò của cố Thủ Tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, sau khi ông qua đời vào ngày 11 tháng 6 năm 2008. Nhiều người đồng ý rằng ông Võ Văn Kiệt đóng một vai trò tiên phong trong chính sách đổi mới, biến Việt Nam từ một nền kinh tế tập trung hầu như sắp phá sản, chuyển sang một nền kinh tế thị trường hội nhập với khu vực và với thế giới. Hoài Hương của Ban Việt Ngữ đài VOA đã tiếp xúc với Giáo Sư Carl Thayer để ghi nhận những nhận định của ông về sự nghiệp của ông Võ Văn Kiệt. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, là một nhà quan sát đã theo dõi tình hình Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện ông đang là Giáo Sư thỉnh giảng tại đại học Ohio ở Hoa Kỳ.

Giáo Sư Thayer nói ông Võ văn Kiệt là một trong những người đầu tiên ủng hộ đổi mới, ông được coi là người đã đẩy mạnh các nỗ lực đưa Việt Nam hội nhập vào khu vực Châu Á -Thái Bình Dương và thế giới, dẫn đến việc Việt Nam mở cửa ra thế giới bên ngoài, và sau cùng, đưa Hà Nội xích lại gần hơn với Washington.

Giáo Sư Carl Thayer nói ông Võ văn Kiệt đã bị các thành phần bảo thủ trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đả kích nặng nề vì chủ trương cải cách của ông, nhưng những gì xảy ra về sau đã chứng minh là ông Võ văn Kiệt đã đi đúng hướng và gặt hái được nhiều thành công.

Giáo sư Carl Thayer nhận định: "Ông Võ văn Kiệt cũng nên được tưởng niệm như một người đã đẩy mạnh các nỗ lực dân chủ hóa Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau khi về hưu, ông trở thành một người chỉ trích Đảng Cộng Sản. Ông Võ văn Kiệt hối thúc Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy tiếp tục tiến bước trên con đường cải cách mà ông đã chọn và đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực dân chủ hóa trong nội bộ Đảng."

Thế nhưng mặc dù là một người chủ trương cải cách và tỏ thái độ sẵn sàng lắng nghe các tiếng nói dân chủ ở trong nước, không thể coi ông Võ văn Kiệt là một người ủng hộ các nhà dân chủ đòi Việt Nam từ bỏ chính sách độc đảng.

Giáo Sư Thayer nói: "Mặc dù lên tiếng kêu gọi thay đổi và kêu gọi cải cách dân chủ, thế nhưng ông Võ văn Kiệt chỉ tán thành việc mở đối thoại với các nhóm dân chủ để tìm hiểu nguyện vọng của họ, chứ ông không hoàn toàn ủng hộ chủ trương của các nhóm dân chủ, như khối 8406 chẳng hạn."

Giáo Sư Thayer nói bất chấp những thành công lớn đó, ông Võ văn Kiệt đã không thực hiện cao vọng chính trị của ông.

Giáo sư Thayer nói trong những năm giữa và cuối thập niên 1990, ông Võ văn Kiệt không tiến xa hơn chức vụ Thủ Tướng để trở thành Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, vốn là cao vọng của đời ông.

Vẫn theo Giáo sư Thayer thì lập trường của ông Võ văn Kiệt ủng hộ cải cách đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của phe bảo thủ trong nội bộ Đảng. Và do đó khi về hưu, ông Kiệt đã lên tiếng cổ võ việc mở rộng hơn các quyền tự do báo chí và các biện pháp khác để kiềm hãm các nhân vật bảo thủ mà theo ông đã ngăn cản các nỗ lực đẩy mạnh tiến trình hội nhập và tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Giáo sư Thayer nói cái chết của ông Võ văn Kiệt có nghĩa là phe chủ trương cải cách tại Việt Nam đã mất đi một cấp lãnh đạo vốn vẫn bảo vệ họ.

Trong những sự giằng co còn đang tiếp diễn giữa cái cũ và cái mới, giữa phe bảo thủ và phe cải cách bên trong các cấp lãnh đạo Việt Nam, thì sự ra đi của nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt là một mất mát lớn đối với phe cải cách, trong đó có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Về tầm ảnh hưởng của ông Võ văn Kiệt đối với các thế hệ lãnh đạo Việt Nam sau ông, liệu họ có tiếp tục đi theo con đường cải cách triệt để như ông mong muốn hay không. Giáo Sư Thayer nói hãy còn quá sớm để trả lời câu hỏi này.

Giáo sư Thayer nói: "Có thể nói cái chết của ông Võ văn Kiệt xảy ra vào một thời điểm không thuận lợi, bởi vì trận chiến giữa phe bảo thủ và phe cải cách trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ. Chúng ta có thể chứng kiến điều đó qua chuyến đi của ông Nông Đức Mạnh sang thăm Bắc Kinh. Tôi cho rằng đây là nhằm vạch ra các chính sách kinh tế không thành công của ông Thủ Tướng, và là một cố gắng bên trong nội bộ Đảng để củng cố vị thế của ông Tổng Bí Thư, đối với một Thủ Tướng được coi là chiếm được cảm tình rộng rãi. Nếu còn sống, ông Võ văn Kiệt đã có thể góp tiếng nói của ông trong cuộc tranh cãi giữa hai phe bảo thủ và cải cách. Nhưng sự ra đi của ông Kiệt có nghĩa là tiếng nói của ông không được lắng nghe nữa."

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà dân chủ sống lưu vong ở Hoa Kỳ từng bị cầm tù vì những hoạt động dân chủ của ông trong thời kỳ ông Võ văn Kiệt còn là Thủ Tướng, nhận định về ông Võ văn Kiệt như sau.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói: "Ngay từ thời kỳ ông còn làm Bí Thư thành phố Saigon, thì tôi thấy ông ấy cũng là một trong những người khá là tiến bộ. Ông đã dám sử dụng một số những nhà trí thức cũng như là những người làm việc trong chính quyền cũ, những người nào mà ông có thể nâng đỡ được thì ông cũng hết sức là cố gắng nâng đỡ, do đó thì ông ấy có một cái đầu óc tiến bộ, vì vậy sau khi mà ông ấy thấy thế hệ lãnh đạo sau ông đã không đi theo cái đường hướng tiến bộ như ông mong muốn, thì ông có cố gắng đóng góp ý kiến cho họ vì ông ấy sợ rằng là cái Đảng Cộng Sản sẽ không có thể tồn tại được, nếu cứ tiếp tục theo cái đường hướng hiện nay."

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt nói ông sẽ ghi trên bia mộ chí ông Võ văn Kiệt những dòng chữ này.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói: "Ông Võ văn Kiệt là một người cộng sản tiến bộ hơn nhiều người cộng sản khác, nhưng mà ông Ông Võ văn Kiệt vẫn là một người cộng sản và ông vẫn chưa phải là một nhà dân chủ và chưa chấp nhận chế độ dân chủ pháp trị thật sự."

Giáo sư Thayer kết luận với nhận định như sau: "Tôi nghĩ tôi sẽ ghi trên bia mộ chí của ông, rằng ông là một nhà đấu tranh cải cách đã đưa Việt Nam từ tình trạng bị cô lập hóa đến hội nhập với thế giới."

Thưa quý vị, Giáo Sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, hiện đang thỉnh giảng tại đại học Ohio ở Hoa Kỳ, và Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt của Đại Học Catholic University, đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, nhận định về sự nghiệp của nguyên Thủ Tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, vừa qua đời ở một bệnh viện ở Singapore, hưởng thọ 85 tuổi.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG