Đường dẫn truy cập

Liên đoàn lao động lớn nhất Nam Triều Tiên sẽ tổ chức đình công


Liên đoàn lao động lớn nhất Nam Triều Tiên cho biết thành viên của họ sẽ tiến hành đình công trong tháng tới để phản đối các chính sách của Tổng thống Lee Myung-bak. Những rắc rối về lao động đắp đầy thêm cuộc khủng hoảng cho chính phủ vốn đang phải đối phó với những cuộc biểu tình đông đảo phản đối thỏa hiệp mậu dịch với Hoa Kỳ. Từ thủ đô Hán Thành, phái viên Kurt Achin của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Liên đoàn Lao động Triều Tiên, gọi tắt theo tiếng Anh là KCTU, hôm nay loan báo sẽ tổ chức một cuộc tổng đình công trên khắp nước vào ngày mùng 2 tháng 7 và Chủ tịch của tổ chức này là ông Lee Seok-haing nói đây chỉ mới là bước đầu.

Ông Lee cho biết sau cuộc đình công sẽ là nhiều ngày biểu tình của các nhóm lao động có tổ chức.

KCTU là một liên đoàn hỗ trợ cho trên 600,000 thành viên làm việc gần như trong mọi khu vực của nền kinh tế Nam Triều Tiên.

Công nhân vận chuyển và xây dựng đã đình công từ tuần rồi khiến các doanh nghiệp Nam Triều Tiên mất hằng tỉ đôla và gây tắc nghẽn các bến cảng xử lý công ten nơ với các thùng hàng không được chuyển đi.

Giới công nhân muốn chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak dành thêm sự hỗ trợ để đối phó với tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt. Họ cũng đòi ông Lee hủy bỏ một thỏa thuận nhập khẩu thịt bò của Mỹ không được lòng dân chúng và cứu xét lại các kế hoạch cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp Nam Triều Tiên.

Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng các yêu sách vừa kể vượt ra ngoài giới hạn của hoạt động đình công hợp pháp.

Bộ trưởng tư pháp Nam Triều Tiên Kim Kyung-han tuyên bố các cuộc đình công là bất hợp pháp vì một số yêu cầu của họ không liên hệ gì đến việc cải thiện điều kiện của các công nhân. Ông cho biết nếu những hành động mà ông gọi là bất hợp pháp tiếp diễn thì chính phủ sẽ phải có hành động pháp lý đối phó với các đoàn thể lao động.

Tổng Thống Lee, nhậm chức chỉ mới cách đây có 4 tháng, đã thấy tỉ lệ ủng hộ ông sút giảm từ, từ khi ông đồng ý hồi tháng Tư về một thỏa thuận rộng lớn nhằm tiếp tục nhập khẩu thịt bò của Hoa Kỳ. Nhiều người Nam Triều Tiên cho rằng thịt bò Mỹ có nguy cơ rủi ro cho sức khỏe mặc dù không có cơ sở khoa học để lý giải cho sự lo ngại của họ.

Hằng chục ngàn người Nam Triều Tiên đã tổ chức biểu tình ngoài đường phố chống thỏa thuận nhập thịt bò. Họ nói rằng Tổng thống Lee đã không lý tới công luận, trong một số lãnh vực.

Nữ phát ngôn viên của KCTU là bà Woo Moon-sook nói rằng các công nhân có chung nỗi bất bình như những người biểu tình.

Bà Woo nói rằng kết quả một cuộc biểu quyết của công đoàn cho thấy sự cảm nhận của công chúng về mức khủng hoảng đối với đường lối điều hành việc nước của Tổng thống Lee.

Tổng thống Lee đã được lòng dân chúng trong tư cách là một Chủ tịch doanh nghiệp có đường lối cứng rắn, nhưng nhiều người dân Nam Triều Tiên nói rằng ông cần phải học hỏi để trở thành một nhà lãnh đạo chính trị được dân bầu lên.

Bộ trưởng thương mại của ông Lee đang có mặt tại Washington để tìm cách đạt một sự dung hòa về thịt bò nhập khẩu. Kết quả của cuộc đàm phán có thể là chìa khóa để làm dịu bớt cả các cuộc biểu tình xuống đường lẫn tình trạng bất ổn lao động tại Nam Triều Tiên.







Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG